Liên kết website

CHÚT NỮA THÌ PHẠM LUẬT

23/12/2016

Theo quyết định từ 1.4, vé qua các trạm thu phí trên Quốc lộ X được tiếp tục điều chỉnh , tăng thêm từ 25 - 30%. Cũng từ ngày đó, con đường đi qua thôn MH trở nên tấp nập ô tô con qua lại mà nguyên nhân là do nhiều lái xe tìm cách né trạm thu phí.

Vào một sáng tháng 5, anh Ngọc ra cổng đứng ngó nghiêng nhìn ô tô nối đuôi nhau đi qua con đường thôn quê vốn trước đây rất bình yên. Chợt Ngọc nghĩ ra một điều gì đó rất thú vị, mỉm cười rồi đi thẳng đến nhà bác trưởng thôn.
Ngọc: Bác Út trưởng thôn có nhà không vậy?
Ông Út đang cho gà ăn trong vườn sau nhà, thấy có người gọi mình nói vọng ra.
Ông Út: Có, ai gọi tôi vậy. Tôi đang cho gà ăn trong vườn.
Ngọc: Em, Ngọc “Lém” đây.
Ông Út: Chú Ngọc a. Vào nhà ngồi đợi tôi một chút, tôi xong ngay đây.
Ông Út vội tung nốt chỗ bèo tây băm nhỏ cho gà ăn rồi rửa tay vào nhà tiếp chuyện Ngọc.
Ông Út: Hình như trời chuyển mưa hay sao ấy nên hôm nay rồng đến nhà tôm.
Ngọc: Gớm, tôm tôm rồng rồng gì. Bác cứ nói thế. Chứ em sống bao năm ở cái làng này, ăn ở thế nào mọi người biết cả rồi còn gì.
Ông Út: Ờ thì không phải chú là người làm kinh tế giỏi nhất nhì cái thôn này đấy sao.
Ngọc: bác quá khen. Làm ăn cò con ấy mà bác.
Ông Út: Chú lại khiêm tốn rồi. Cò con như chú thì dân làng này ai cũng muốn. Mà tôi đã hỏi vay chú đâu mà chú…
Ngọc: Bác lại vậy rồi. Hôm nay em sang bác là có chuyện muốn bàn với bác đây.
Ông Út: Chuyện gì vậy chú.
Ngọc: Bác có thấy con đường thôn mình dạo này có điều gì đổi khác không?
Ông Út: Không.
Ngọc: Kìa, bác nhìn kỹ lại đi. Vừa nói Ngọc vừa chỉ tay ra đường.
Ông Út: Không, tôi có thấy gì đâu.
Ngọc: Rõ chán cái bác này. Bác có thấy cách đây một tháng con đường này hàng ngày ô tô qua lại đếm trên đầu ngón tay không?
Ông Út: Ừ, thì sao chú?.
Ngọc: Thế bây giờ thế nào?
Ông Út: ờ thì liên tục xe qua lại. Con đường vồn nhỏ nên có hôm còn bị tắc nữa đằng khác.
Ngọc: Thế bác biết tại sao bỗng dưng con đường này đông “khách” đến vậy không?
Ông Út: Thì tôi thấy mọi người nói là lái xe qua đây để tránh đoạn thu phí Quốc lộ. Nhà nước mới tăng phí, đâu xe dưới 12 chỗ tăng từ 30.000đ lên 45.000đ thì phải.
Ngọc: Đấy, bác dần hiểu ra vấn đề vấn đề rồi.
Ông Út ngơ ngác: Vấn đề gì hả chú.
Ngọc: Em sang là để bàn với bác về vấn đề này đây. Em nhẩm tính, ngày nhiều bù ngày ít, trung bình mỗi ngày có 100 xe qua đây. Đáng lẽ ra nếu họ đi qua trạm thu phí họ phải nộp 45.000 đồng, nhưng vì họ trốn đi con đường thôn mình nên không phải nộp nhà nước đồng nào đúng không ạ. Một hai xe một ngày thì không sao, nhưng hàng trăm xe thì con đường này mấy mà “tàn’ hả bác. Mà tàn thì lại “nhân dân và nhà nước” lại cùng phải bỏ tiền ra tu sửa đúng không?
Ông Út: Ừ.
Ngọc: Thế nên, thay vì dân làng phải bỏ tiền ra, ta làm cái barie ở đầu đường, mỗi xe qua lại, ta thu phí 10.000 đồng. Như vậy 100 xe/ ngày ta đã có 1 triệu, một tháng 30 triệu, một năm 360 triệu. Đấy, bác thấy sáng kiến của em có hay không? Nhân dân vừa có đường mới sạch đẹp hơn mà lại không phải mất tiền góp làm.
Ông Út: ừ, chú nói cũng hay đấy. Nhưng liệu mình có quyền được thu phí xe đi qua thôn không? Tiền thì quý thật, nhưng phải có đúng pháp luật cơ, không có lơ mơ đi tù cả nút.
Ngọc: Úi giời, bác biết trên thành phố người ta thu phí trông giữ xe ô tô 1 lượt không quá 120 phút, quá thời gian 120 phút thu thêm các lượt tiếp theo đối với loại xe đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống, mức phí từ 40.000 đến 20.000 đồng tùy theo tuyến phố không? Chứ 10.000 của bác, bõ bèn gì, chả đủ ăn một tô phở.
Ông Út: Ừ thì…
Vừa hay lúc đấy, chị Lan – công chức tài chính, kế toán xã đi xe đạp ra chợ qua. Thoáng thấy chị Lan, ông Út gọi với lại.
Ông Út: chị Lan, chị Lan. Không vội vào tôi nhờ chút việc.
Nghe gọi, chị Lan quay xe vào nhà ông Út.
Lan: Có chuyện gì vậy bác.
Ông Út: May quá, tôi đang phân vân chưa biết làm sao thì thấy chị qua.
Lan: Ủa, anh Ngọc cũng ở đây à?
Ngọc: vâng, chào chị.
Ông Út: Tôi và chú Ngọc đang bàn về một việc. Chả là… (ông Út kể lại sự việc cho Lan nghe). Tôi thấy ý kiến của chú Ngọc cũng hay nhưng không biết mình thu vậy thì có đúng pháp luật không?
Lan: Ấy, ấy, không làm vậy được đâu bác, vi phạm pháp luật đó bác. Anh Ngọc, điện thoại của anh có kết nối Internet không?
Ngọc: Có.
Lan: Cho tôi mượn.
Sau một lúc tra cứu thông tin, Lan bèn chỉ cho ông Út và Ngọc:
Lan: Đây, bác và anh xem nhé. Luật phí và lệ phí năm 2015, có hệu lực từ ngày 01/01/2017 quy định, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này. Trong danh mục quy định rất rõ này: Phí sử dụng đường bộ do Bộ Tài chính quy định đối với đường thuộc trung ương quản lý,  Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với đường thuộc địa phương quản lý.
Ngoài ra, Điều 7 quy định, tổ chức thu phí, lệ phí bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí, lệ phí theo quy định của Luật này. Còn nữa, tại khoản 1 Điều 16 của Luật quy định nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí.
Ông Út: Ôi, may mà có chị tư vấn chứ không thì… Vậy là mọi việc chú Ngọc hiểu chưa nhỉ.suýt nữa thì vào nhà đá ngồi nhé
Ngọc: Bác đúng là cứ nới gở. Nhưng em phải cảm ơn Chị Lan đấy, không thì em lại vi phạm pháp luật, không những bản thân mình gặp rắc rối mà còn lien lụy tới vợ con nữa. Pháp luật đã quy định hết, chỉ có điều mình không tự tìm hiểu.
Chị Lan: chú hiểu được như vậy là tốt rồi, pháp luật luôn bên cạnh chúng ta.
Giải thích xong, chị Lan xin phép ra về, còn ông Út và Ngọc bắt đầu chuyển sang một chủ đề khác, chủ đề ‘cách làm giàu hợp pháp”.
 
 
 
 
 
 
 
 
Các tin đã đưa ngày: