Liên kết website

THẮNG KIỆN RỒI THÌ SAO?

26/12/2016

Đoàn thanh tra của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh T đến Công ty sản xuất bánh kẹo X để kiếm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, Đoàn thanh tra đã “phát hiện” rằng Công ty sản xuất bánh kẹo X có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm. Vài ngày sau, Đoàn kiểm tra có buổi làm việc với Công ty X, thông báo Kết luận kiểm tra và Quyết định xử phạt 20 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Không đồng ý với quyết định trên Công ty X đã gửi đơn khiếu nại lên Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh T để giải quyết nhưng bị bác đơn. Trong thời gian này, Công ty X đã tạm nộp tiền xử phạt theo Quyết định. Vì bị bác đơn khiếu nại nên Công ty sản xuất bánh kẹo X định khởi kiện Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Tra tòa án nhân dân quận H vì đã ra Quyết định xử phạt trái quy định của pháp luật. Giám đốc Công ty X tổ chức họp Công ty để lấy ý kiến:
  • Giám đốc Công ty X: Các đồng chí nói xem có nên kiện hay không?
  •  Phó Giám đốc Công ty X: Em nghĩ là nên nộp phạt rồi thôi anh ạ. Chứ khởi kiện, làm to chuyện ra không hay. Uy tín Công ty bị ảnh hưởng mà cũng ảnh hưởng đến quan hệ với Sở.
  • Giám đốc Công ty X:  Nhưng thực tế mình có sai phạm như họ kết luận đâu. Mình đã có ý kiến mà họ không tiếp thu.
  • Trưởng phòng 1: Nhưng mình là dân mà kiện nhà nước, khó lắm anh ạ. Có được cũng chỉ có thiệt thôi.
  • Trưởng phòng 2: Em thì nghĩ nên khởi kiện, vì mình có lý. Nếu mình cứ để yên thì sau này họ sẽ lại “hành” mình kiểu khác.
Trưởng phòng 3: Em cũng đồng ý kiện. Lần này mình không đi phong bì nên kiếm cớ đây mà. Thêm nữa, việc xử phạt đã được một số báo địa phương đăng tin, ảnh hưởng đến kinh doanh của công ty, mất uy tín của công ty trên thị trường, do đó Công ty mình quyết kiện đến cùng.
  • Giám đốc Công ty X: Thôi, thôi, cứ nói qua nói lại như vậy cũng không giải quyết được. Vậy tôi sẽ cho bỏ phiếu kín. Cậu Sang –cán bộ pháp chế của công ty sẽ là người kiểm phiếu. Quyết theo đa số.
Cuộc bỏ phiếu kín được tiến hành ngay sau đó. 
  • Cán bộ pháp chế của Công ty:  Kết quả kiểm phiếu như sau: số phiếu phát ra 6 phiếu, số phiếu thu vào 6 phiếu, số phiếu hợp lệ 6 phiếu. Kết quả là 4 phiếu đồng ý khởi kiện. 02 phiếu không đồng ý kiện.
Vụ kiện được tiến hành. Với trách nhiệm là cán bộ pháp chế của Công ty X, Sang được giao soạn thảo Hồ sơ khởi kiện. Theo Công ty X thì phụ gia thực phẩm họ sử dụng để sản xuất bánh kẹo vẫn còn thời hạn sử dụng, nội dung này được ghi rõ trong hợp đồng mua bán giữa Công ty X và đối tác cung cấp chất phụ gia. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nơi ghi hạn sử dụng đã bị mờ đi chứ không phải không có thời hạn sử dụng hay hết thời hạn sử dụng như Quyết định xử phạt của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm.
  Sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Công ty X được xử thắng kiện. Tòa ra bản án buộc Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh T phải hủy Quyết định xử phạt và hoàn trả lại số tiền phạt mà Công ty X đã nộp. Tuy nhiên, qua hai tháng mà Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa thi hành bản án hành chính của Tòa, không ra Quyết định hủy Quyết định xử phạt và cũng chưa hoàn trả tiền phạt.
  • Giám đốc Công ty X: Chúng ta đã thắng kiện, nhưng họ lại không tự nguyện thi hành án, vậy tiếp theo giải quyết như thế nào?
  • Cán bộ pháp chế của Công ty: Em đã tìm hiểu và được biết theo quy định của Luật thi hành án hành chính và các văn bản liên quan thì người phải thi hành án phải thi hành bản án của Tòa án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.  Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm - cơ quan phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản tình hình, kết quả thi hành án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp.
Trường hợp Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh X không tự nguyện thi hành án thì Công ty mình có quyền đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án hành chính.
- Giám đốc Công ty X: Mình phải làm văn bản đề nghị  Tòa à?
- Cán bộ pháp chế  của Công ty:  Chúng ta có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính bằng hình thức trực tiếp nộp đơn, trình bày bằng lời nói, gửi đơn qua dịch vụ bưu chính hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Giám đốc Công ty X: Thủ tục có phức tạp không?
- Cán bộ pháp chế  của Công ty:  Cũng đơn giản thôi ạ. Đơn yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính cần có các nội dung: Tên, địa chỉ của người yêu cầu; Tên Tòa án đã xét xử sơ thẩm được yêu cầu; Tên, địa chỉ của người được thi hành án, người phải thi hành án; Nội dung yêu cầu thi hành án; Ngày, tháng, năm làm đơn; Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.
- Giám đốc Công ty X: Cần mỗi đơn yêu cầu thôi à?
- Cán bộ pháp chế  của Công ty:  Không ạ. Đơn yêu cầu thi hành án được gửi kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan đến vụ việc ạ.
- Giám đốc Công ty X: Nhờ cậu soạn đơn và làm hồ sơ nhé.
- Nhân viên tư vấn pháp luật của Công ty:  vâng ạ.
- Giám đốc Công ty X: Thời gian vừa rồi đúng là mệt mỏi. Dân kiện quan có phải đùa đâu nhỉ. Thế nếu Tòa ra Quyết định buộc thi hành án hành chính mà họ vẫn tiếp tục không thực hiện thì sao?
- Cán bộ pháp chế  của Công ty: Pháp luật thì quy định khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án. Còn nếu họ tiếp tục không thực hiện thì theo luật sẽ xử lý người đứng đầu.
- Giám đốc Công ty X: Xử lý như thế nào?
- Cán bộ pháp chế  của Công ty: Em tư vấn theo luật thôi. Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định được thi hành xong, cơ quan phải thi hành án thông báo kết quả cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp.
- Giám đốc Công ty X: Quy định phức tạp quá. Thế rút cục xử lý như thế nào?
- Cán bộ pháp chế  của Công ty: Nếu nhận được Quyết định buộc thi hành án của Tòa, thì Sở Y tế phải có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm chỉnh nghiêm chỉnh thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp đã nhận được văn bản chỉ đạo của Sở Y tế mà Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án thì Giám đốc Sở Y tế có văn bản chỉ đạo về việc xem xét xử lý trách nhiệm hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án theo quy định pháp luật có liên quan.
- Giám đốc Công ty X: Vậy là vẫn phải chờ họ tự nguyện thi hành à. Thắng rồi mà phải làm bao nhiêu thủ tục họ mới chịu thi hành. Cứ như đi xin thi hành án ấy nhỉ. Đúng là dân vẫn thiệt thòi.
- Cán bộ pháp chế  của Công ty: Vâng pháp luật hiện nay vẫn chưa có chế tài cụ thể trong trường hợp cơ quan nhà nước phải thi hành án không tự nguyện thi hành án.
- Giám đốc Công ty X: Thủ tục yêu cầu thi hành án thế nào thì cậu cứ làm thế. Bây giờ phải yêu cầu mấy báo đính chính lại tin Công ty mình bị xử phạt mới được. Gây dựng lại uy tín của công ty  bây giờ mới là quan trọng. 
Các tin đã đưa ngày: