Liên kết website

NIỀM TIN VÀO PHÁP LUẬT

26/12/2016

Ông Nam được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 520 m2 thuộc thửa số 42 tờ bản đồ số 6 theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Yên Trung. Ông Thành có đất liền kề cho rằng quyết định cấp đất của Ủy ban nhân dân huyện Trung Thành cho ông Nam là không đúng vì đã cấp lấn sang đất của ông Thành 20 m2 nên đã khiếu nại quyết định nói trên nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Sau đó, ông Thành quyết định sẽ khởi kiện vụ án hành chính.

Vì không nắm bắt được các quy định về tố tụng nên ông Thành có nhờ sự tư vấn của anh Nhật – là người quen của ông, có nhiều năm làm việc về pháp luật. Ông Thành có trình bày sự việc và nhờ anh Nhật tư vấn soạn thảo đơn khởi kiện. Anh Nhật phân tích, theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây: Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức; Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống; Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Khiếu kiện danh sách cử tri (Điều 30 Luật tố tụng hành chính 2015).
Như vậy, trong trường hợp này, ông Thành khởi kiện Quyết định công nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Yên Trung thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.” Do đó, trong trường hợp này Tòa án nhân dân huyện Yên Trung có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện của ông Thành. Vì vậy, ông Thành phải nộp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo tại TAND huyện Yên Trung. Nghe lời tư vấn của anh Nhật, ông Thành đã đến trực tiếp nộp đơn cho Tòa án huyện Yên Trung và được Tòa án cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Sau 3 ngày thì ông Thành nhận được thông báo thụ lý đơn của Tòa án và yêu cầu nộp tiền tạm ứng án phí.
Khoảng 1 tháng sau đó, ông Thành nhận được Tòa án triệu tập đến tham dự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại giữa các đương sự. Đến đúng ngày thì ông Thành có mặt .Tuy nhiên, ngày hôm đấy ông Nam – người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có mặt. Đại diện UBND huyện Trung Yên cho rằng nội dung phiên họp có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của ông Nam nên đề nghị hoãn phiên họp. Ông Thành không đồng ý, vì cho rằng ông Nam và UBND huyện Trung Yên đã có thỏa thuận trước trong việc vắng mặt tại các buổi triệu tập của Tòa án vì sợ sẽ thua kiện nên muốn kéo dài thời gian giải quyết vụ án để nghĩ cách giải quyết. Nhưng sau đó, ông Thành được Thẩm phán giải thích theo quy định tại Khoản 3 Điều 137 BLTTHC 2015 thì: “Trong vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên họp để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp và thông báo bằng văn bản việc hoãn phiên họp, mở lại phiên họp cho các đương sự”. Ông Thành hiểu ra nhưng vẫn ấm ức ông Nam vì đã không đến phiên họp. Không lâu sau phiên họp lần thứ nhất, ông Thành nhận được được thông báo của Tòa án về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Lần này, các bên đều có mặt đầy đủ, Thẩm phán tiến hành phiên họp nhưng sau phiên họp các bên vẫn không thống nhất cách giải quyết. Ông Thành vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, UBND huyện Trung Yên vẫn giữ nguyên quyết định. Không lâu sau đó, ông Thành nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Để quyền và lợi ích của mình được đảm bảo, ông Thành đã nhờ Luật sư tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích của ông và được Tòa án chấp nhận. Tại phiên tòa, nhờ có các lập luận sắc bén cùng các chứng cứ chứng minh rõ ràng, xác thực, luật sư đã bảo vệ thành công cho quyền lợi của ông Thành. Cuối cùng Tòa án đã tuyên hủy Quyết định của UBND huyện Trung Thành.
Sự thành công của vụ kiện đã tạo ra niềm tin của người dân rằng nếu quyền và lợi ích chính đáng bị xâm phạm thì vẫn có Tòa án, pháp luật xử lý.
Các tin đã đưa ngày: