Liên kết website

TÀI SẢN CHUNG - TÀI SẢN RIÊNG

30/12/2016

Phân vai: Hùng: người chồng; Nga: vợ Hùng; Linh: bạn Hùng.

Hùng và Nga đã kết hôn được 3 năm nhưng vẫn chưa có con, mặc dù đã chữa chạy khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả gì. Thêm vào đó, Hùng công việc bận rộn hay phải đi tiếp khách, về nhà lúc nào cũng trong tình trạng say khướt, dẫn đến vợ chồng cãi vã, lục đục. Một thời gian sau, Nga cũng quyết định ly hôn.Bạn bè thân thiết có nghe tin, đều khuyên ngăn Nga và Hưng nên suy nghĩ kỹ lại bởi vì trong cuộc sống kiểu gì cũng có lúc này, lúc kia, cái quan trọng là phải nhường nhịn, hiểu cho nhau, nhưng Nga vẫn khăng khăng đòi ly hôn.
Mấy ngày sau đó, Nga có hẹn Hưng ra quán nước để nói chuyện, tại đây, hai người đã xảy ra cãi vã cũng chỉ vì không thống nhất được về vấn đề phân chia tài sản.
Cảnh 1: Tại quán nước
Nga: Anh hẹn tôi ra đây có việc gì? Giữa tôi và anh còn chuyện gì để nói với nhau nữa đâu? Có gì cứ ra Tòa rồi hẵng nói chuyện.
Hưng: Tôi gọi cô ra đây để thống nhất trước về việc phân chia tài sản thôi, không hôm ra Tòa lại cãi nhau, tôi mệt mỏi lắm rồi.
Nga: Được thôi.
Hưng: Tôi với cô cũng chả có tài sản chung gì đáng giá cả. Có mỗi mấy tài sản trong nhà mà cô đã vay tiền về để mua sắm. Cũng trả được gần hết rồi. Tôi cho cô lấy hết đi đấy.
Nga: Anh nghĩ gì thế, ngôi nhà, mảnh đất không phải tài sản chung thì là cái gì?
Hưng: Cô nhầm rồi, mảnh đất là do tôi mua trước khi cưới, sổ đỏ mang tên tôi; còn ngôi nhà trên đó là do bố mẹ tôi cho tôi tiền để xây trước khi cưới cô đấy. Vì thế ngôi nhà và mảnh đất là tài sản riêng của tôi trước hôn nhân, sẽ không thuộc khối tài sản chung đâu mà chia mới cả cắt.
Nga: Tài sản của anh nhưng khi đã kết hôn với nhau thì cũng là tài sản chung thôi, nên ngôi nhà và mảnh đất vẫn được phân chia nhé.
Hưng: Thôi, tôi không đôi co với cô đâu. Nếu không thống nhất được thì để ra Tòa án xử sẽ rõ.
Nga: ok. Tôi cũng không ngại đâu, tôi phải bảo đảm quyền lợi cho tuổi thanh xuân của tôi đã mất vì anh.
Thế rồi hai người mỗi người một hướng ra về trong sự hậm hực.
Lúc nói chuyện Hưng mạnh miệng thế nhưng thực ra trong anh vẫn không dám chắc chắn về suy nghĩ của mình. Anh chợt nhớ ra có cô bạn là luật sư, gọi điện để nhờ tư vấn xem thế nào, không đợi đến lúc Tòa xử xong thì coi như mất nửa ngôi nhà và mảnh đất cho cô ta thì …
Hưng rút máy điện thoại ra gọi ngay cho Linh – cô bạn học cấp 3 của Hưng, nay đã trở thành luật sư.
Cảnh 2: Cuộc hội thoại của Hưng và Linh
Hưng: Alo, Linh à, tớ Hưng đây.
Linh: uh, cậu à, sao nay rồng lại gọi cho tôm thế này nhỉ? Cóchuyện gì thế?
Hưng: uh. có chuyện cần sự giúp đỡ của luật sư đây, có thể bớt chút thời gian gặp nhau nói cho cụ thể không vậy?
Linh: ai chứ Hưng thì tớ sẵn sàng gặp nhé.
Hưng: vậy khoảng 12h trưa đi ăn rồi nói chuyện nhé.
Cảnh 3: Tại quán ăn trưa
Hưng: Xin chào bạn cũ, lâu ngày vẫn xinh đẹp, trẻ trung nhỉ? Ăn món gì để tớ gọi nào?
Linh: Ui, được khen mừng quá cơ? Cậu ăn gì cho tớ 1 suất tương tự nhé.
Hưng gọi món, hai người hỏi han tình hình cuộc sống bao lâu nay như thế nào, rồi đến chuyện cuộc sống hôn nhân, Hưng cũng tâm sự, kể chuyện cho Linh. Bắt đầu hỏi vào chủ đề chính.
Linh: Thế hôm nay hẹn tớ ra để hỏi chuyện gì nào?
Hưng ấp úng: uh, thì bây giờ vợ chồng tớ quyết định ly hôn, không thống nhất được phân chia tài sản, muốn nhờ cậu tư vấn xem tài sản nào được xem là tài sản chung của vợ chồng.
Nói rồi Hưng kể về mảnh đất và ngôi nhà của Hưng cho Linh nghe.
Linh: để tôi tìm Luật Hôn nhân và Gia đình trên điện thoại rồi đọc và tư vấn cho cậu nhé:
Thứ nhất: Căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì trong trường hợp vợ chồng khi ly hôn thì việc chia tài sản khi ly hôn theo các nguyên tắc sau:
''1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.''
Như vậy, để phân chia tài sản khi ly hôn phải xác định được tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng. Theo đó Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể như sau:
+ Tài sản chung của vợ chồng:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
+ Tài sản riêng của vợ, chồng:
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Thứ hai: Trước khi cưới cậu có mua một mảnh đất và bố mẹ cho tiền để xây dựng nhà ở đây là tài sản riêng bố mẹ cho bạn trước khi kết hôn. Theo các quy định trên thì sau khi ly hôn tài sản đó vẫn là tài sản riêng của bạn vì nó được hình thành trước hôn nhân.
Thứ ba: Về việc sau khi cưới vợ bạn có vay tiền để mua đồ dùng trong nhà…Đó là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vì vậy sau khi ly hôn số tiền nợ do hai người thỏa thuận trả nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thứ tư: về thời điểm được tính là vợ chồng bắt đầu từ khi tổ chức đám cưới hay khi đăng ký kết hôn? Theo quy định của pháp luật thì thời điểm được tính là vợ chồng khi đăng ký kết hôn.
Sau khi nghe Linh giải thích các quy định của pháp luật, Hưng cũng hiểu ra nhiều điều và yên tâm hơn nếu ra Tòa thì phần tài sản riêng của anh vẫn thuộc về anh.
Tại Tòa Hưng cũng đưa ra được các chứng cứ chứng minh ngôi nhà và mảnh đất là tài sản riêng của anh có trước hôn nhân, do đó, tài sản này không được đưa ra phân chia với Nga.
Tuy nhiên, sau đó Hưng cũng cảm thấy có lỗi với Nga – người từng chung sống với mình 3 năm qua. Nhưng quả thật, hai vợ chồng anh cũng chẳng có tài sản chung gì nhiều vì bao năm qua chỉ có lương không, việc trang trải cho cuộc sống hàng ngày của gia đình còn khó khăn, chật vật. Nay chính thức chia tay, hai người lòng nặng trĩu, lặng lẽ đi về hai hướng, duyên phận đã không còn.
 
Các tin đã đưa ngày: