Liên kết website

GỬI TIẾT KIỆM - ĐÒI LẠI TÀI SẢN

30/12/2016

Phân vai: Giỏi: Người gửi tiền Hiền: Vợ Giỏi Niên: Thủ quỹ, Chi nhánh ngân hàng A Hương: Giao dịch viên, Chi nhánh ngân hàng A Đông: Bảo vệ, Chi nhánh ngân hàng A Tưởng: Em trai Giỏi Hoàn: Bố của Giỏi và Tưởng

Cảnh 1: Tại nhà ông Hoàn, tiếng ho liên hồi của người lớn tuổi, mùi thuốc bắc nghi ngút khắp căn phòng:
          Giỏi vừa bưng bát thuốc vừa mới sắc đặt ngay cạnh giường ông Hoàn, đỡ bố dạy để uống thuốc. Suy nghĩ một lúc giỏi nghĩ đến đứa em ở trên thành phố, nó cũng là con, nó phải có trách nhiệm và anh rút điện thoại ra gọi.
          Giỏi: Alô! Chú Tưởng à. Anh đây, chú có khỏe không? Bố ốm nặng em ạ. Thuốc thang suốt, anh cũng suốt ruột nhưng cứ mình anh như thế này cũng không ổn lắm.
          Tưởng: Dạ em nghe. Vâng, để em thu xếp về thăm Bố ạ. Anh chị ở nhà cố gắng thay em chăm sóc Bố, còn về kinh phí em sẽ có trách nhiệm anh ạ.
          Giỏi: Ưh! Nhà mình có mỗi chú được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, kinh tế khá hơn anh chị nhiều. Chú thu xếp về sớm nhé, thuốc thang bây giờ đắt đỏ em ạ.
          Tưởng: Dạ. Vâng, để em thu xếp thứ 7 tuần này em về thăm Bố
          Hiền: Anh vừa gọi cho chú Tưởng à. Thế chú ấy có về không? Nhà mình cũng gần hết tiền rồi anh ạ. Đều đặn hàng tháng riêng tiền thuốc của Bố hết gần triệu bạc cũng chẳng ít.
Giỏi: Anh nói chú ấy rồi. Chú nói thứ 7 này về.
Cảnh 2: Tưởng về thăm bố. Ông Hoàn vẫn ho như cuốc kêu như thường lệ.
          Nghe tiếng còi ô tô đầu ngõ, Giỏi đã nhận ra đứa em về thăm nhà, liền vội vã ra cổng đón em.
          Giỏi: Chú à. Anh chờ chú suốt. Tưởng buổi sáng nay chú về. Thế cái Lan (vợ Tưởng) và các cháu không về cùng à
          Tưởng: Dạ. Em còn bận chút công chuyện, còn mấy đứa nhỏ còn đi học thêm nên mẹ nó không về cùng được anh ạ. Bố thế nào rồi anh?
          Giỏi: Thì vẫn vậy. Thôi vào nhà đi em, chị chú chạy đi chợ búa gì đó để anh em mình nhậu chút.
          Tưởng: Em chạy về qua nhà tí, thăm bố rồi em phải đi gấp Anh ạ. Công việc dạo này lu bu quá.
          Ông Hoàn nhìn thấy Tưởng về muốn nói với con vài câu nhưng ho quá, chỉ vẫy vẫy tay với con. Tưởng sau khi thăm hỏi ông Hoàn, quay sang nói với Giỏi.
          Tưởng: Em ở xa không thể hàng ngày chăm sóc bố được. Anh chị cố gắng giúp em chăm sóc Bố. Em gửi anh chị 120 triệu để anh chị thuốc thang cho bố anh ạ.
          Giỏi: Chú đưa anh nhiều thế.
          Tưởng: Anh chị cứ cầm cho em yên lòng ạ. Thôi bây giờ em có việc gấp phải đi ngay vì tối phải gặp đối tác anh ạ. Anh chào chị giúp em và ra xe đi.
          Hiền vừa đi chợ về liền hỏi Giỏi
          Hiền: Thế chú Tưởng không ở lại hả anh.
          Tưởng: Chú ấy có việc bận về luôn rồi. Chú ấy có gửi 120 triệu anh để trong tủ. Anh tính, bây giờ gửi ngân hàng lãi suất cao mỗi tháng cũng được gần triệu đủ tiền thuốc cho Bố. Mai anh sẽ đi gửi liền.
Cảnh 3. Tại Chi nhánh ngân hàng A.
          Khách hàng ra vào nườm nượp, tiếng máy đếm tiền kêu xoèn xoẹt.  Giỏi ngồi vào bàn khách hàng và làm việc với Niên.
          Niên: Dạ. Xin hỏi anh cần sự trợ giúp gì ạ!
          Giỏi: Anh muốn gửi tiền tiết kiệm. Lãi suất bây giờ bao nhiêu% vậy em.
          Hương: Dạ, Lãi suất có kỳ hạn là 18%, không kỳ hạn là 0.3% ạ. Em mời anh sang bàn chị Niên bên cạnh ạ.
          Niên: Anh gửi tiền tiết kiệm ạ?
          Giỏi: ừh. Đây tiền đây em. Anh gửi theo kỳ hạn 1 tháng.
Niên nhận tiền và ghi vào bảng kê số lượng các loại tiền: loại 500.000đ số lượng 136 tờ thành tiền 68.000.000; Loại 200.000 số lượng 99 tờ thành tiền 19.800.000đ; Loại 100.000đ số lượng 272 tờ thành tiền 27.200.000đ; Loại 50.000đ số lượng 100 tờ thành tiền là 5.000.000đ. và viết tổng số tiền là 130 triệu đồng. Sau đó Niên làm sổ tiết kiệm 130 triệu đồng đưa cho ông Giỏi ký nhận.
Niên: Dạ của anh xong rồi ạ. Đây là sổ tiết kiệm của anh.
Đến cuối giờ chiều chi nhánh kiểm đếm thấy thiếu 10 triệu tiền mặt và xác định là do Niên thu thiếu ở khoản tiền gửi của ông Giỏi. Niên, Hương và Đông đã lập biên bản chứng nhận ghi lại sự việc và cả nhóm đến nhà ông Giỏi.
Cảnh 4. Tại nhà ông Giỏi
Ông Giỏi vừa đi vừa huýt sáo líu lo, vui mừng ra mặt và nói với Vợ
Giỏi: Em biết mình gửi tiết kiệm được bao nhiêu không ?
Hiền : Thì 120 triệu của Chú Tưởng đưa cho chứ bao nhiêu ?
Giỏi : Sai! 130 triệu nhé.
Hiền : Ô ! ở đâu mà nhiều thế anh.
Giỏi : Thế anh mới gọi là Giỏi chứ.
Bỗng có tiếng chuông cổng, ông Giỏi ra mở cổng
Giỏi : Có việc gì thế cô chú ?
Niên:  Sáng nay anh có đến gửi tiền. Em có nhận và ghi vào bảng kê số lượng các loại tiền và mệnh giá, tổng 4 loại chỉ là 120 triệu nhưng lại cộng nhầm thành 130 triệu và ghi tổng số là 130 triệu, sau đó làm thẻ tiết kiệm cho ông Anh là 130 triệu đồng. Nhưng đến cuối giờ chiều chi nhánh kiểm đếm thấy thiếu 10 triệu tiền mặt và xác định là ở phiếu gửi tiền của anh ạ. Anh đưa thêm cho bọn em 10 triệu cho đủ với số tiền ghi trên sổ tiết kiệm ạ.
Giỏi: Cô chú làm ăn buồn cười thật! Em trai tôi mới đưa cho tôi 130 triệu nhờ gửi tiết kiệm, chia là 13 cọc mỗi cọc 10 triệu. Ngày hôm sau ông đem đến ngân hàng gửi và nói số tiền là 130 triệu, đưa cho chị. Chị xếp lại từng loại tiền và kiểm đếm, nói là đủ rồi đưa cho ông ký bảng kê có đóng đấu đã thu đủ tiền, Tôi thấy ghi đúng 130 triệu nên ký. Sau đó ông lấy sổ tiết kiệm đúng với sổ tiền 130 triệu.
Niên: Dạ anh có thể gọi lại cho em trai anh hỏi lại giúp chúng em được không ạ?
Giỏi: ừh, để tôi gọi điện hỏi nó. Alô, alô. Điện thoại của tôi hết pin rồi. Để lúc khác vậy.
Niên: Dạ. Anh cho em xin số điện thoại của em trai anh để em gọi cho anh ấy được không ạ.
Giỏi: Không được. Em tôi nó làm ăn, không cho số lung tung được. Thôi anh chị về đi, để mai tôi lên chi nhánh anh chị làm việc. Bây giờ tôi có chút việc phải đi. Vậy nhé!
Cảnh 5. Tại chi nhánh Ngân hàng A
Ông Giỏi đến ngân hàng và Đông hướng dẫn đưa vào quầy của Niên.
Niên: Anh à. Anh hỏi giúp bọn em chưa?
Giỏi: Anh hỏi rồi, đúng vậy mà em. Anh không biết gì hết đâu. Của anh gửi bao nhiêu thì đã bàn giao và thể hiện trên sổ sách rồi. Hôm nay anh đến đây để rút tiền về, anh lại có việc gấp cần dùng đến.
Niên: Anh xem lại giúp bọn em, chứ như thế này bọn em bị khiển trách, không thì em phải nhờ tòa án giải quyết.
Giỏi: Thôi tùy bọn em thôi. Anh đến rút tiền. Em phải làm thủ tục cho anh rút tiền. Em cứ giải quyết cho anh. Vậy thôi.
Niên: Dạ. Anh gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhưng mới được 3 ngày. Nay anh rút trước kỳ hạn nên lãi suất sẽ tính là không kỳ hạn anh ạ. Số tiền là 130.696.000đ.
Giỏi đồng ý và nhận tiền ra về.
Cảnh 6 : Tại nhà Giỏi :
Vì Giỏi kiên quyết không nhận rằng chỉ gửi 120 triệu, mà gửi 130 triệu nên Ngân hàng A đã khởi kiện Giỏi ra tòa. Tưởng cũng được mời lên làm việc vì là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tưởng : Thế là thế nào anh? Chỉ vì tham 10 triệu mà người ta lôi cả hai anh em ra tòa thế này. Mang tiếng em chết thôi.
Giỏi: Anh cũng đâu ngờ đâu. Thôi lỡ rồi thì chú giúp anh.
Tưởng: Giúp thế nào bây giờ. Kê biên từng loại tiền chỉ có 120 triệu. Nhưng họ ghi nhầm tổng là 130 triệu. Chữ anh ký nhận rồi. Anh tưởng qua mắt họ được chắc. Em có nói em đưa anh 130 triệu thì trong biên nhận số tiền cũng không khớp.
Giỏi: Chú trách anh cũng được gì. Giúp anh qua đận này đi, đen quá.
Tưởng: Em sẽ giúp anh nhưng kết quả thế nào em cũng không dám chắc.
Cảnh 7: Tại Tòa án
Tưởng xác nhận với tòa rằng đã đưa cho anh trai mình 130 triệu đồng. Vợ Giỏi cũng xác nhận Tưởng đã đưa cho chồng mình 130 triệu. Giỏi nói khi đưa tiền cho Ngân hàng không hề nói đưa 120 triệu mà chỉ nói gửi tiền tiết kiệm. Niên thì khai nhận, đã nhận của Giỏi tiền và kê biên vào giấy nhận tiền, trên kê bien số tiền là 120 triệu nhưng ghi nhầm là 130 triệu. Trên giấy biên nhận tiền có ghi từng mệnh giá và số tiền cụ thể.
Qua hai cấp xét xử, Tòa án nhân dân huyện và Tòa án nhân dân tỉnh xác định ông Giỏi chỉ gửi 120 triệu và buộc ông Giỏi phải trả lại ngân hàng 10.696.000 đ gốc và lãi.
QUY CHẾ VỀ TIỀN GỬI TIẾT KIỆM
(Ban hành kèm theoQuyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN
ngày 13 tháng 9 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Điều 7. Điều kiện thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm
1. Cá nhân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ Luật dân sự, cá nhân nước ngoài đang sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm.
2. Cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nhưng có tài sản riêng đủ để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ Luật dân sự thì được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm.
3. Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật thì chỉ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.
Điều 8. Thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm
1. Thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm lần đầu:
a. Người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình các giấy tờ sau:
- Đối với người gửi tiền là cá nhân Việt Nam phải xuất trình Chứng minh nhân dân.
- Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu có thời hạn hiệu lực còn lại dài hơn kỳ hạn gửi tiền (đối với trường hợp nhập, xuất cảnh được miễn thị thực); xuất trình hộ chiếu kèm thị thực có thời hạn hiệu lực còn lại dài hơn kỳ hạn gửi tiền (đối với trường hợp nhập, xuất cảnh có thị thực).
- Đối với người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, ngoài việc xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.
b. Người gửi tiền đăng ký chữ ký mẫu lưu tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Trường hợp người gửi tiền không thể viết được dưới bất kỳ hình thức nào thì tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm hướng dẫn cho người gửi tiền đăng ký mã số hoặc ký hiệu đặc biệt thay cho chữ ký mẫu.
c. Người gửi tiền thực hiện các thủ tục khác do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định.
d. Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm thực hiện các thủ tục nhận tiền gửi tiết kiệm, mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm và cấp thẻ tiết kiệm cho người gửi tiền lần đầu sau khi người gửi tiền đã thực hiện các thủ tục nêu tại Điểm a, b, và c Khoản 1 Điều này.
2. Thủ tục các lần gửi tiền gửi tiết kiệm tiếp theo:
a. Thủ tục nhận tiền gửi tiết kiệm do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh doanh, mô hình quản lý của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm, đảm bảo việc nhận tiền gửi tiện lợi, chính xác và an toàn tài sản.
b. Đối với giao dịch gửi tiền vào thẻ tiết kiệm đã cấp, người gửi tiền có thể thực hiện trực tiếp hoặc gửi thông qua người khác theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
Điều 9. Thẻ tiết kiệm
Thẻ tiết kiệm phải có các yếu tố chủ yếu sau:
- Tên tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm; loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn thanh toán (đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn); lãi suất; Phương thức trả lãi; thời điểm trả lãi; địa điểm thanh toán tiền gốc và lãi.
- Họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm (trừ trường hợp chủ sở hữu, đồng sở hữu tiền gửi tiết kiệm chưa đến tuổi được cấp Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu).
- Họ tên, địa chỉ và số Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật (chỉ áp dụng đối với trường hợp người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật).          
- Số thẻ, con dấu, chữ ký của Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm hoặc người được Tổng giám đốc (Giám đốc) uỷ quyền, chữ ký của giao dịch viên của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
- Quy định về chuyển quyền sở hữu, cầm cố thẻ tiết kiệm tại chính tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm; xử lý đối với các trường hợp rủi ro.
- Các nội dung ghi chú, chỉ dẫn khác của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
 Điều 10. Đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm
Thủ tục nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm trong trường hợp đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.
 Điều 11. Sử dụng tài khoản tiền gửi tiết kiệm
1. Tài khoản tiền gửi tiết kiệm không được sử dụng để phát hành séc và thực hiện các giao dịch thanh toán, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Tài khoản tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của người cư trú được sử dụng để chuyển khoản thanh toán tiền vay của chính chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm đó; hoặc chuyển khoản sang tài khoản khác do chính chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là chủ tài khoản tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm đó.
 Điều 12. Địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm
1. Đối với mỗi thẻ tiết kiệm, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm được phép nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch nơi cấp thẻ hoặc các địa điểm giao dịch khác của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
2. Trường hợp thực hiện việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm đối với mỗi thẻ tiết kiệm tại nhiều địa điểm giao dịch, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phải có các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và trình độ cán bộ để đảm bảo tiện lợi, chính xác, bí mật, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
 Điều 13. Lãi suất và phương thức trả lãi
1. Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm phù hợp với lãi suất thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
2. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được quy định trên cơ sở tháng (30 ngày) hoặc năm (360 ngày).
3. Phương thức trả lãi do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định.
 Điều 14. Hình thức tiền gửi tiết kiệm
1. Hình thức tiền gửi tiết kiệm phân loại theo kỳ hạn gửi tiền gồm tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Kỳ hạn gửi tiền cụ thể do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định.
2. Hình thức tiền gửi tiết kiệm phân loại theo các tiêu chí khác do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định.
 Điều 15. Rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm
1. Người gửi tiền thực hiện các thủ tục sau:
a. Xuất trình thẻ tiết kiệm
b. Nộp giấy rút tiền có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
c. Đối với cá nhân Việt Nam phải xuất trình Chứng minh nhân dân. Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực (đối với trường hợp nhập, xuất cảnh được miễn thị thực); xuất trình hộ chiếu kèm thị thực còn thời hạn hiệu lực (đối với trường hợp nhập, xuất cảnh có thị thực).
d. Đối với trường hợp người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, người gửi tiền ngoài việc thực hiện các thủ tục nêu tại Điểm a, b, và c Khoản 1 Điều này phải xuất trình thêm các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.
e. Người gửi tiền thực hiện các thủ tục khác do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định.
2. Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh doanh của mình, đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác và an toàn.
3. Đồng tiền chi trả gốc và lãi (đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ) là đồng tiền mà người gửi tiền đã gửi. Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, khi người gửi tiền có yêu cầu, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm có thể chi trả gốc và lãi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định. Việc chi trả đối với ngoại tệ lẻ được thực hiện theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
4. Đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, trường hợp ngày đến hạn thanh toán trùng với ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của pháp luật, việc chi trả gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo đầu tiên.
 
 
MỘT SỐ QUY ĐỊNH ÁP DỤNG LÃI SUẤT TRONG TRƯỜNG HỢP TỔ CHỨC, CÁ NHÂN RÚT TIỀN GỬI TRƯỚC HẠN TẠI TỔ CHỨC TÍN DỤNG
THÔNG TƯ SỐ 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước
Điều 1. Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn; mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn này là thấp nhất tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn. Tiền gửi bao gồm các hình thức tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng), cá nhân theo quy định tại Khoản 13 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng.
Điều 2. Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất áp dụng trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại các địa điểm huy động vốn (Hội sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm). Các thỏa thuận lãi suất tiền gửi trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các bên tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết cho đến hạn trả; hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
 
 
 
Các tin đã đưa ngày: