Liên kết website

TIN TƯỞNG VÀO PHÁP LUẬT

30/12/2016

Phân vai: Ông Luân: người bị khởi kiện Thắng - con của bạn ông Luân; Long: Luật sư.

Ông Luân đi lại hồi lâu trong nhà, khuôn mặt đau khổ, lo lắng và trầm tư suy nghĩ. Tay ông nắm chặt tờ giấy triệu tập của Tòa án, tờ giấy ông đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, đọc đến mức thuộc lòng nhưng vẫn không thể tin được chuyện gì đang xảy ra. Đối với một người hiếm khi đi ra khỏi cái làng bé tẹo bằng bàn tay này, tòa án là chốn đáng sợ, nơi những người hiền lành, an phận như ông chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Đôi khi ông còn nghĩ quẩn, hay mình trốn đi, trú tạm nhà bà con để tránh cái họa này đã, dăm bữa nửa tháng rồi về nhà lại. Đang trong cơn suy nghĩ miên man thì Thắng - con của ông bạn tới chơi và cắt mạch suy nghĩ của ông. Vừa vào đến nhà, anh chẳng khó khăn nhận ra là ông Luân đang có điều gì đó trăn trở, anh liền hỏi:
- Bác đang gặp chuyện gì khó nghĩ ạ, sao lại đăm chiêu thế kia?
Ông Thắng cười khổ, bắt đầu giải bày nỗi lòng:
- Cháu ạ, bác nhận được cái tờ giấy triệu tập của Tòa án huyện Y, bây giờ đang hoang mang không biết tìm đối sách thế nào đây. Cháu học rộng hiểu nhiều, giúp cho bác với.
Vốn là cử nhân luật và công tác một vài năm ở tòa án tại thành phố Hà Nội, anh cũng chẳng xa lạ gì vấn đề này, bèn hỏi sâu hơn:
- Ồ, thế bác gặp tranh chấp gì mà phải ra tòa thế? Ở làng này có khúc mắc với nhau cũng thường giải quyết bằng chén rượu bằng tình thân, đâu có tuyệt tình đến mức này!
Ông Luân khẽ thở dài một cái rồi bắt đầu giải thích cho Thắng:
-Số là căn nhà bác đang ở là nhà của bố bác, ông cụ mất đi để lạị căn nhà này vừa để là nơi ở cho hai anh em vừa là nơi thờ tự. Nhưng lúc ông cụ mất, anh trai bác đang ở mãi Sài Gòn, cũng có nhà cửa đàng hoàng rồi, nên bảo là “chú cứ ở đấy, anh không cần một tấc đất, một viên gạch nào nhưng anh ở xa, là kẻ bất hiếu không thường xuyên thắp được nén hương cho bố mẹ, ông bà tổ tiên được, nay xin nhờ chú vậy. Anh nhờ chú ở nhà, trông coi hương hỏa tổ tiên, giữ cái gốc ở làng này để con cháu mai sau còn biết mà “uống nước nhớ nguồn”.
Nhấp một ngụm nước trà ông Luân lại nói tiếp:
- Từ đấy, bác ở nhà này, cũng yên bình được vài năm, không ngờ gần đây ông anh bác làm ăn thua lỗ, buồn rầu mà mất đi, nhà ở Sài Gòn cũng chẳng giữ lại được, đứa con ông ấy lúc bấy giờ mới nghĩ đến căn nhà này. Nó muốn đòi lại toàn bộ và đuổi bác ra khỏi đây. Bác tất nhiên là không bao giờ giao hương hỏa tổ tiên cho cái đứa phá gia chi tử ấy, nên nó mới kiện bác ra tòa. Bây giờ bác lo lắm, không biết có nên lánh đi một thời gian không?
Anh Thắng nghe vậy vội xua tay cản ông Luân lại, anh giải thích:
- Tòa án bây giờ có phải là đầm rồng hang hổ, nơi của quan trên trị kẻ thấp cổ bé họng đâu mà bác sợ. Mà theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, bị đơn phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc. Bác tránh mặt đi chẳng khác nào cấp cho thằng kia một cơ hội tuyệt vời để đòi lại căn nhà này. Bác phải bình tĩnh, mọi chuyện không nghiêm trọng như bác nghĩ đâu.
Ông Luân nghe vậy, thoáng yên tâm đôi chút, nhưng vẫn băn khoăn hỏi:
- Thế thì bác không tránh mặt nữa, nhưng mình là nông dân chân lấm tay bùn, có bao giờ ra thấy mặt ngang mày dọc của cái Tòa bao giờ đâu, đã thế chắc còn đủ tục lệ, quy định. Thằng kia nó ở thành phố, nhiều mối quan hệ, lại thông thạo mọi việc mình lênkhông biết có giải quyết được gì không. 
Nói xong, ông Luân lại nhăn tít lông mày lại, thở dài liên tiếp, thầm trách cái số mình vất vả, tạo hóa trêu ngươi. Anh Thắng lại tỉ mỉ giải thích, trấn an ông Luân:
- Bác ạ, tòa án xét xử vụ việc tuân theo pháp luật, có phải thời phong kiến đâu mà bác lo. Bộ luật tố tụng dân sự cho phép các đương sự tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Bác không quen Tòa án thì có thể thuê luật sưđể học bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp của mình bác ạ. Họ là những người rất am hiểu lĩnh vực này, họ sẽ giúp bác được nhiều đấy.
Nghe thế, ông Luân gật gù khen phải, tự trách mình có chút chuyện mà không bình tĩnh nổi. Ông bây giờ tin tưởng hoàn toàn vào Thắng rồi, ông hỏi tiếp:
- Cháu nói thế làm bác đỡ lo. Nhưng ở cái làng này kiếm đâu ra luật sư, bao năm nay mọi người toàn giải quyết khúc mắc với nhau bằng tình làng nghĩa xóm. Cãi nhau hôm nay, hôm sau lại vỗ vai làm hòa, uống chén rượu lại là anh em, nên chẳng ai nghĩ cần phải có luật sư cả.
Anh Thắng khẽ cười, anh nói:
- Bác đừng lo, cháu có mấy thằng bạn là luật sư ở thành phố, làm mấy vụ tranh chấp đất đai này như cơm bữa, để cháu gọi cho mấy đứa, xem đứa nào rảnh thì giúp bác nhé.
Ông Luân nghe thế tươi tỉnh hẳn ra, cảm ơn liên tục. Ông tiễn Thắng về với tâm trạng nhẹ nhàng hơn trước nhiều, bầu trời cũng bớt u ám hẳn, đã thấy chút nắng lấp ló rồi.
Mấy ngày sau, Thắng giới thiệu cho ông Luân đến gặp luật sư Long và ông quyết định nhờ luật sư này hỗ trợ mình bởi vì sự am hiểu pháp luật tường tận cũng như kinh nghiệm dày dạn của luật sư Long. Mặc dù ông biết đây là chuyên môn của người ta, nhưng vốn tính cẩn thận, ông vẫn muốn hỏi luật sư Long phương hướng giải quyết vụ việc. Luật sư Long trả lời ông một cách chu đáo:
- Thưa bác, để thuyết phục được Tòa án ra quyết định có lợi cho mình, cần phải có bằng chứng, chứng cứ đầy đủ để chứng minh rằng căn nhà kia hoàn toàn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bác. Quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là một quyền cơ bản của các đương sự trong vụ kiện theo Bộ luật tố tung dân sự. Vì vậy, trước tiên, chúng ta phải nỗ lực thu thập, tìm kiếm những tài liệu, hồ sơ cần thiết để nộp cho Tòa án. Tài liệu càng đầy đủ, chặt chẽ, cháu càng dễ để bảo vệ cho bác.   
          Ông Luân gật gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, ông lại hỏi tiếp:
- Sau khi thu thập đủ tài liệu, chứng cứ chúng ta sẽ làm gì tiếp?
          Luật sư Long tiếp tục giải thích:       
- Sau khi thu thập đủ chứng cứ, cháu sẽ nghiên cứu và viết luận cứ bảo vệ vì Bộ luật tố tụng dân sự cho phép các bên tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng. Đây chính là vũ khí chính để chúng ta chiến đấu ở phiên tòa vào đầu tuần tới.
          Ông Luân lại khẽ gật đầu, qua cuộc trao đổi này và nhiều lần tiếp xúc trước đó, ông đã nắm được những vấn đề cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mình trước và trong và sau khi diễn ra phiên tòa. Ông đã tự tin hơn trước và bắt đầu có mong muốn mình sẽ chiến thắng ở phiên tòa tới để về khoe với mấy ông bạn già trong làng. Ông hỏi luật sư Long:
- Cảm ơn luật sư đã giải thích và giúp tôi hiểu biết thêm rất nhiều. Ngoài ra, luật sư cho tôi biết mình có chắc thắng trong phiên tòa tới không?
Luật sư Long bình tĩnh trả lời:
- Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của bọn cháu không cho phép khẳng định hoặc hứa sẽ thắng một vụ kiện nào đó. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, cháu thấy rằng bác đang ở một vị thế pháp lý khá tích cực, Dù còn một ít rủi ro, nhưng bác không nên quá lo lắng, chúng ta còn cơ hội và không ít thời gian. Luật cho phép các bên kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án.  Nếu ở cấp sơ thẩm chúng ta chẳng may thất bại, vẫn còn cơ hội kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Nên cháu và bác chắc sẽ phải làm việc với nhau nhiều ạ.
 
Ông Luân cười nhẹ, ông chợt nhận ra kiện ra Tòa cũng không có gì đáng sợ, có rất nhiều thời gian và cơ hội cho mình để bảo vệ tài sản, bảo vệ truyền thống và hương hỏa của ông bà tổ tiên. Ông thầm nghĩ “Luật thật thú vị và có ích. Mình về phải bảo ngay mấy đứa cháu trong làng sắp thi đại học chọn trường Luật mới được, vừa ấm thân vừa giúp được bao nhiêu người”. Khẽ gật gù vì hài lòng với sáng kiến của mình, ông chậm rãi về nhà dưới bầu trời trong sáng và quang đãng.
     
Các tin đã đưa ngày: