Liên kết website

LÀM CHỨNG THẾ NÀO CHO ĐÚNG

30/12/2016

Phân vai: Luân: thầy giáo; Ông Hưởng: người bạn chiến hữu cũ của bố anh năm xưa; Bà Hưởng: vợ ông Hưởng;

Chiếc xe ô tô biển số Hà Nội dừng ở dọc đường để trả khách. Thầy giáo Luân bước xuống xe, đi về làng men theo lối nhỏ ven những bờ ruộng lúa non đang xanh rì. Từ ngày rời làng lên thủ đô học đại học, rồi ở lại đi làm đến nay cũng phải gần 10 năm, nhất là khi bố mất, Luân đón mẹ lên ở cùng thì càng ít về làng hơn. Hôm nay, có việc ở gần đó, nên Luân tranh thủ về thăm mộ bố.
Phải đi rõ lâu mới gần đến được nghĩa trang của làng, xong Luân lại dừng chân trước căn nhà ngói đỏ gần đó, anh quyết định ghé thăm nhà ông Hưởng - người bạn chiến hữu cũ của bố anh năm xưa.
Bước vào cổng, Luân ngạc nhiên thấy cửa nhà mở, xong không thấy ai ở trong nhà. Anh cất tiếng gọi: Bác Hưởng ơi! Bác có nhà không ạ?
Nghe tiếng gọi, bà Hưởng từ sân sau chạy lên: Ai đó? Thì ra thằng Luân, mày về từ khi nào đấy, nào vào nhà đi cháu.
Luân vào nhà, ngồi xuống cầm chén nước bà Hưởng rót mời. Nhìn quanh nhà, anh ngạc nhiên khi thấy giờ này cũng phải tầm 2, 3h giờ chiều mà thấy mâm cơm trên bàn ăn vẫn còn nguyên. Anh nói: Cháu có công chuyện gần đây, về thăm mộ bố nên ghé thăm hai bác luôn. Sao giờ này mà bác vẫn chưa mời cơm?
Bà Hưởng buồn bã: Có mỗi hai vợ chồng mà ông nhà tôi lại đang “giận” nên đi đâu đó. Nấu cơm xong mãi chẳng thấy ông ấy về ăn.
Anh Luân tủm tỉm cười: Sao lại thế, hả bác? Ai mà giận được bác cơ chứ.
Bà Hưởng đứng dậy, với tay trên nóc tủ, lấy tờ giấy đưa anh Luân, rồi nói: Đây, nguyên nhân là tại cái này. Cái giấy triệu đi làm chứng của Tòa án huyện. Ông nhà tôi không cho đi, vì bảo liên quan đến pháp luật là rắc rối lắm.
Anh Luân đọc giấy triệu tập của Tòa án rồi hỏi: Thế bác được mời làm chứng về việc gì?
Bà Hưởng kể rành rọt: Chuyện là trước đây, tôi chơi thân với Bà Mai trong làng mình đấy. Chị em chấy rận coi nhau như người nhà. Bà ấy có 03 cô con gái, chồng chết, thì sang ở với cô út là cái Xuân. Còn nhà, đất thì để không. Trước lúc chết thì có gọi tôi và 03 cô để nhắn nhủ về chuyện chia ngôi nhà, mảnh đất làm 03 phần bằng nhau, nhưng riêng cái ao cá nhỏ thì cho cô Xuân vì đã chăm sóc bà, với lại chồng cô ấy cũng không có công việc ổn định gì để tăng gia sản xuất. Mấy chị em đồng ý đã chia mảnh đất, làm sổ đỏ sang tên cả 03 người sau khi bà chết. Cái ao thì chồng cố Xuân thả cá, nuôi vịt. Đến giờ y ban lấy để cải tạo, xây đường, thì 2 chị kia lại cho rằng phải chia cái ao ra. Nên kiện cáo thế nào, đưa nhau ra tòa. Toàn có đơn mời tôi lên làm chứng. Khổ quá, tôi biết làm chứng cái gì.
Bà Hưởng vừa dứt lời, thì tiếng ông Hưởng vang lên: Đấy, bà còn nói thế mà lại cứ muốn lên Tòa đi làm chứng. Bảo sao tôi không phản đối.
Thì ra ông Hưởng đã về từ lúc nào, nên nghe hết được lời bà Hưởng nói.
Bà Hưởng trả lời: Thì biết vậy, nhưng Tòa đã có giấy triệu thì phải tuân theo chứ. Tôi chỉ băn khoăn không biết là pháp luật quy định về  việc đi làm chứng như thế nào.
Anh Luân: Bác trai về rồi ạ, bác cứ bình tĩnh. Chuyện bác gái đi làm chứng là đúng quy định pháp luật rồi.
Nghe anh Luân nói, bà Hưởng reo lên: Ừ nhỉ, anh Luân trước học luật. Mà giờ là thầy giáo mà sao tôi lại quên mất nhỉ?Biết thế tôi gọi điện hỏi anh là rõ ngay thôi mà.
Anh Luân từ tốn: Vâng, bác ạ! Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ về người làm chứng tại Điều 77 như sau: Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
Bà Hưởng nhanh nhảu: Thế anh nói giúp cho tôi xem, người làm chứng phải làm những gì? Để tôi biết mà khai báo, làm chứng cũng phải theo đúng quy định của pháp luật chứ.
Anh Luân phân tích: Người làm chứng phải cung cấp toàn bộ những thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ án; khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Anh Luân chưa kịp dứt lời, ông Hưởng đã thêm vào câu chuyện: Nếu khai báo hết mà lời khai của mình có liên quan đến bí mật đời tư của người khác thì sao?
Anh Luân chậm rãi: Vâng, pháp luật cũng quy định người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
Bà Hưởng: Đấy là các nghĩa vụ, thế còn quyền lợi thì sao. Tôi đi làm chứng đi lại tốn kém thì có được hưởng chế độ gì không?
Anh Luân: Người làm chứng được nghỉ việc trong thời gian Toà án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức; được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu Toà án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng; bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.
Đặc biệt, người làm chứng phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
Nghe anh Luân phân tích, bà Hưởng quay sang chồng: Đấy, ông nghe rõ chưa, nếu Tòa triệu tập mà vắng mặt, không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Quay sang ông Hưởng, anh Luân nói: Bác gái nói đúng đấy, pháp luật còn quy định tại Điều 490 Bộ luật tố tụng dân sự việc xử lý hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án cụ thể như sau: Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt. Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án dẫn giải người làm chứng. Người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải.
Nghe anh Luân phân tích, ông Hưởng gãi đầu: Đúng là không thể “đùa” với pháp luật được. Nhưng tôi chỉ e ngại là bà nhà tôi đi làm chứng thì hai cô chị nhà cái Xuân lại mất lòng. Hai đứa đó nổi tiếng đanh đá, đành hanh, liệu có việc xảy ra thì sao?
Anh Luân: Cái này thì bác trai hoàn toàn yên tâm. Điều 110 của Bộ luật dân sự về bảo vệ chứng cứ đã quy định rất rõ:
Trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được thì đương sự có quyền đề nghị Tòa án quyết định áp dụng biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ. Đề nghị của đương sự phải thể hiện bằng văn bản. Tòa án có thể quyết định áp dụng một hoặc một số trong các biện pháp niêm phong, thu giữ, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phục chế, khám nghiệm, lập biên bản và các biện pháp khác.
Trường hợp người làm chứng bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc mua chuộc để không cung cấp chứng cứ hoặc cung cấp chứng cứ sai sự thật thì Tòa án có quyền quyết định buộc người có hành vi lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc mua chuộc phải chấm dứt hành vi đó. Trường hợp hành vi đó có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát xem xét về
Ông Hưởng gật gù: Pháp luật quy định cụ thể, chi tiết thế thì tôi yên tâm quá. Thế giờ sn bừa cơm, anh ở ăn cơm với vợ chồng tôi nhé. Rồi, ngày mai tôi sẽ sắp xếp công việc để đưa bà nhà tôi lên huyện đúng giờ.
Anh Luân cười nói với ông bà Hưởng: Cháu cảm ơn hai bác, giờ cháu phải ra thăm mộ bố rồi về, kẻo lỡ chuyến xe. Chúc hai bác mai đi đường thượng lộ bình an nhé!
Tiễn anh ra về, ông bà Hưởng cảm thấy yên tâm hẳn, trong lòng nhẹ nhõm, như thấu hiểu ra rất nhiều điều về pháp luật và nhà nước, yên tâm sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật./.
Các tin đã đưa ngày: