Liên kết website

CHUNG TAY BẢO ĐẢM AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

30/12/2016

Phân vai: - Hưng, Trường: nhân viên công ty - Liên: an toàn, vệ sinh viên

Chuyện xảy ra trong giờ nghỉ trưa của công nhân Công ty xây dựng Ánh Dương.
          Hưng: Không có tí rượu cay cay, nhạt mồm nhạt miệng quá, tao thấy ăn mất ngon…
          Trường: Không được đâu anh ơi, anh nhìn NỘI QUY LAO ĐỘNG của công ty mình dán ngay ở kia mà xem, quy định là cấm uống rượu, bia trong giờ ăn trưa rồi cơ mà. Anh suốt ngày chỉ nghĩ đến rượu với chè..
          Hưng (cằn nhằn, không vui): Thì tao biết thừa là thế, nhưng thú thật với chú mày là đến bữa mà không có nó là cứ thiếu thiếu cái gì ý…
          Trường: Dần dần anh cũng phải bỏ cái thói quen ấy thôi…
          Hưng: Chú mày không biết uống rượu nên chả hiểu anh mới nói được thế (rút chai rượu nhỏ mang theo trong túi áo ra)… uống thôi chú mày!
          Trường (với tay giằng chai rượu lại): Ấy chết, anh đưa ngay đây cho em. Anh làm thế nhỡ Ban lãnh đạo Công ty biết được thì sao. Sẽ bị kỷ luật đấy! Còn cái thân em, chắc cũng chả được yên…
          Hưng: Hì hì, chú mày, chú mày mà không nói ra thì ai biết mà sợ với không sợ, kỷ với chả luật.
Trường: Anh này, anh lúc nào cũng thế. Anh mà không quyết tâm thì còn lâu mới bỏ được nó nhá… (vừa nói vừa giấu chai rượu đi).
Hưng: Phí thế cái thằng này!
Trường: Đấy là em nói vậy thôi đấy, còn bỏ hay không là tùy anh. Em chỉ muốn tốt cho anh thôi. Mà hết giờ nghỉ trưa rồi, anh em mình lại tiếp tục làm việc đi!
Bỗng có tiếng gọi của cô Liên, hai anh em thầm nghĩ bụng bảo sao mà mình chỉ định nhấp có chút rượu vào buổi trưa thôi mà đã có ai biết nhanh thế…
Liên (gọi to): Các anh ơi, các anh!
Trường: Có việc gì mà chạy như “ma đuổi” thế kia?
Liên: Dạ, em đề nghị các anh dừng ngay công việc lại ạ?
Hưng (tỏ vẻ bực mình):  Sao? Tại sao chúng tôi phải dừng lại? Chẳng phải Ban giám đốc công ty đang thúc ép tiến độ chúng tôi đây sao?
Trường: Ơ kìa Liên, đây là anh Hưng. Còn đây là Liên, cô ấy là an toàn, vệ sinh viên của tổ mình.
Hưng: An toàn, vệ sinh viên á? Lạ nhỉ.
Trường: Lạ gì anh. Pháp luật đã quy định mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc mà[1].
Liên: Đúng rồi đó ạ, em là an toàn, vệ sinh viên của tổ mình. Em được giao nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; giám sát việc thực hiện nội quy về an toàn, vệ sinh lao động, tóm lại là những gì liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động các anh ạ[2].
Trường: Anh đã hiểu chưa anh Hưng. Mà Liên này, sao mà em phải dừng công việc của bọn anh lại.
Thế là Liên giải thích cho anh Hưng và Trường lý do tại sao mình lại hớt hải chạy đến đây. Chả là gần đây Công ty đang cho sửa chữa, bảo trì các nhà kho. Tuy nhiên,  sáng nay nhà kho của phân xưởng A vừa xảy ra cháy nổ, rất may không có ai thiệt hại về tính mạng nhưng vụ cháy khiến một số người bị thương. Vì thế,  Công ty yêu cầu việc sửa chữa trong các kho tại các phân xưởng còn lại tạm thời dừng lại để điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Liên: Các anh thấy đấy, Công ty mình luôn duy trì và quán triệt đến các tổ, phân xưởng, các công trình thi công về việc tuân thủ nội quy lao động, vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt nghiêm cấm uống rượu bia trong phân xưởng đang thi công, công trình, nhà kho.
Hưng: Kho bên này có cháy đâu mà chúng tôi phải dừng công việc lại. Có khi lại chậm tiến độ công việc ấy chứ?
Liên: Các anh hãy bình tĩnh, nghe em nói. Vấn đề thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động góp phần vào sự phát triển chung của Công ty ta. Chúng em đã xuống trực tiếp hiện trường để kiểm tra thì thấy rằng khu vực nhà kho mà anh đang sửa chữa là khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra cháy nổ, không an toàn.
Hưng: Nhà kho này thì có gì dễ cháy nổ mà cô phải dọa?
Liên: Các anh không biết đấy thôi, ở trong kho có dung môi, hóa chất. Việc các anh sử dụng máy khoan, máy cắt, máy hàn trong khi kho vẫn còn đầy hàng là rất nguy hiểm, dễ xảy ra hỏa hoạn, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người lao động và tài sản của Công ty.
Trường: Em thấy cô Liên nói phải đấy anh. Nhưng Liên này, để bảo đảm tiến độ công việc, em cứ để cho bọn anh triển khai công việc nhé. Bọn anh hứa sẽ không để xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn gì.
Hưng (nói thêm vào): Anh xin hứa!
Liên: Em đã nói rồi, đây không phải là vấn đề kịp tiến độ hay không mà vấn đề là phải đảm bảo an toàn lao động các anh ạ!
Trường: Thế phải làm sao hả anh Hưng?
Hưng: Làm thế nào là làm thế nào? Việc người ta nói cứ nói, việc anh em mình làm cứ làm…Tội đâu anh chịu…
Liên: Các anh làm thế là không được đâu. Hơn nữa, Công ty đã trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động cho các anh nhưng hiện này anh không đội mũ bảo hộ lao động, như thế là anh vừa không biết tự bảo vệ bản thân, vừa vi phạm quy tắc bảo hộ lao động cũng như nội quy của Công ty! Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 đã quy định rõ người lao động có quyền và nghĩa vụ gì về an toàn, vệ sinh lao động rồi!
Hưng: Gớm, cứ như “vina soi” ý nhờ! (vừa nói vừa định đi ra ngoài).
Liên: Các anh định đi đâu đấy. Các anh đã vi phạm quy tắc bảo hộ lao động mà lại không nghe lời khuyến cáo của em, đó cũng là yêu cầu từ phía Ban giám đốc Công ty. Em sẽ báo cáo việc này tới Công đoàn và Ban giám đốc Công ty để giải quyết.
Hưng (rút điện thoại ra): Cô em nói rất hay. Để anh gọi điện cho Chủ tịch Công đoàn Công ty để giải quyết luôn.
Trường (can ngăn): Anh, từ từ đã anh…
Hai bên vẫn tiếp tục đôi co, lời qua tiếng lại, đột nhiên anh Tiến, Chủ tịch Công đoàn của Công ty lên tiếng.
Anh Tiến: Thôi, thôi, tôi đứng ngoài từ nãy đến giờ đã kịp nghe hết câu chuyện của các cậu rồi!
Hưng, Trường: Dạ thế ạ!
Anh Tiến: Tôi thấy ý kiến của Liên là hoàn toàn đúng đấy. Tôi biểu dương tinh thần trách nhiệm cao của các cậu để đảm bảo tiến độ công việc, nhưng vì an toàn lao động nên Công ty đã yêu cầu thì mình phải chấp hành chứ. Hai cậu cũng phải hiểu và chấp hành các quy định đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động chứ. Pháp luật đã quy định, người lao động có nghĩa vụ chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao...[3]
Hưng: Dạ, nghe lời anh và cô Liên, chúng em rút kinh nghiệm ạ!
Liên: Em rất vui vì các anh đã hiểu ra. Các anh biết không, theo thống kê, tai nạn lao động vẫn xảy ra hết sức nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, trong đó có nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra do người lao động không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động các anh ạ.
Hưng: Xin lỗi em và anh Tiến, giờ thì em đã hiểu rồi. Công ty đã chu đáo bảo đảm các phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân mà bọn anh không sử dụng. Nếu không may xảy ra chuyện gì thì đúng là chỉ biết trách bản thân mình. Nhân đây, hứa với em và anh Tiến, em và Trường đây từ giờ sẽ gương mẫu chấp hàng nội quy, quy định của Công ty, đặc biệt là các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cùng chung tay đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Trường: Anh nhớ giữa lời đấy nhé!
 
 
 

[1] Khoản 1 Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015
[2] Khoản 4 Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015
[3] Điều 17 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015
Các tin đã đưa ngày: