Liên kết website

BẢO HỘ LAO ĐỘNG

30/12/2016

Phân vai: Kiên – Thợ hàn Thu – vợ kiên, thợ may Phú – Quản lý công trình Lê – lao công dọn dẹp ở công trường Thịnh – Giám đốc công ty

Cảnh 1:
Trong ánh nắng ban mai, vợ chồng chị Thu hối hả chuẩn bị ăn sáng, đốc thúc con đi học và nhanh chóng đi làm. Anh Kiên vốn là thợ hàn bậc 4/7 rất có uy tín của Công ty cổ phần xây lắp Kang Long. Chị Thu là công nhân may cho doanh nghiệp tư nhân may mặc. Cũng như mọi ngày, anh Kiên chở cả 2 mẹ con trên chiếc xe máy wave, 6 giờ 30 cả nhà đã lên bắt đầu một ngày làm việc mới. Đến trường của con trước để con kịp vào lớp, rồi đến xưởng may của chị Thu, xong anh Kiên mới đến công ty làm việc.
Cảnh 2:
Gặp Phú ngay khi bước chân vào công ty anh Kiên đã vui vẻ chào:
  • Chào sếp
  • Chào anh, khỏe chứ
  • Em khỏe, cám ơn anh
  • Vào làm ấm nước trà đã
Phú rủ Kiên vào trong nhà điều hành dựng tạm tại công trường uống nước chè. Thấy khối lượng công việc còn nhiều, Kiên từ chối:
  • Thôi, hôm nay bận lắm, để khi khác anh ạ
  • Cậu lên làm luôn à
  • Vâng. Em lên trên ấy đây.
Vừa nói, Kiên vừa rảo bước đi lên cầu thang tòa nhà. Công trình khá đồ sộ với 20 tầng, sử dụng nhiều hệ thống kính. Do đó, lượng khung sắt chiếm tỷ lệ lớn trong tòa nhà. Kiên và các công nhân khác chắc phải làm hàng tháng trời mới xong công trình này. Phú dặn với theo:
  - Nhớ qua chị Lê lấy mặt nạ và dây an toàn
  Nhưng Kiên đã đi lên đến tầng 2. Không biết Kiên có nghe thấy Phú dặn không, nhưng không thấy anh trả lời. Việc dặn dò cũng chỉ qua loa, chứ việc mang bảo hộ ở công ty cổ phần xây lắp Kang Long đã được quy định trong Nội quy của công ty.
  Cảnh 3: Trên tầng 5 của Tòa nhà đã xây thô xong
Kiên và các công nhân tự chủ vào làm các phần việc đã được phân công từ trước, 5 người một khu, Kiên, Nhượng và một số được giao thực hiện phần cánh phải của Tòa nhà. Thấy Kiên không mang dây lưng, Nhượng hỏi:
  - Anh Kiên không mang dây an toàn sao?
  - Ừ, quên mất.
  - Để em xuống lấy cho anh
  - Thôi khỏi, hôm nay đứng bên trong.
  - Vậy anh gọi chị Lê mang lên, khi nào cần thì dùng.
Kiên ậm ừ.
Hai anh em mải miết làm, được khoảng 60 phút, do việc hàn khung sắt cần phải trèo ra ngoài. Nhượng đã thắt dây an toàn và trèo ra ngoài giữ đầu sắt bên này để hàn, đầu bên kia do Kiên phụ trách. Do việc hàn xì phần mái và các khung sắt bao quanh tòa nhà tương đối nhiều, cộng với áp lực tiến độ thi công nên công nhân tập trung làm mải miết. Bao nhiêu năm anh làm hàn xì, đeo dây an toàn nhưng có bao giờ cần nó phát huy tác dụng đâu. Một ý nghĩ thoáng qua “Làm nhanh cho xong còn nghỉ” thế là Kiên trèo ra bên ngoài, một tay vừa bám vào thanh sắt vừa giữ mối hàn; tay kia cầm máy hàn. Tiếng hàn sắt rít lên nghe chát chúa. Bỗng từ tầng trên, ai đó làm rơi thanh gỗ xuống đúng tay vừa bám vừa giữ mối hàn. Kiên “Á” lên một tiếng. Tay Kiên bị đau và không làm chủ được, tay anh đã rời khỏi thanh sắt. Nhượng quay sang đã thấy Kiên đang rơi xuống. Như người mất hồn Nhượng run rẩy lần theo khung sắt bò vào bên trong. Nhượng lập cập lấy điện thoại gọi cho quản đốc, nói không thành chữ;
  • Anh… anh … anh … Phú
  • ừ, có chuyện gì
  • A…n…h …K…i…ê…..n….v…ừ….a …r….ơ…i xuống
  • Sao
Mặt Phú biến sắc
  • Rơi lúc nào?
  • Vừa xong
  • Đâu?
Phú vẫn đang ngồi trong nhà điều hành, vội chạy ra ngoài, nhìn mặt đất chẳng thấy động tĩnh gì. Người cũng không thấy. Phú ngước mắt nhìn lên.
“Trời” Kiên đang bị treo lủng lẳng trên tầng 3, do tà áo mắc vào thanh sắt. Có mấy công nhân đang kéo từ từ thanh sắt vào. Phú chạy lên, 2 bậc cầu thang 1 bước.
Trên tầng 5 Nhượng vẫn chưa hết hoảng sợ. Nhượng tìm số điện thoại của chị Thu để thông báo.
  • Alo
  • Chị Thu à
  • ừ, chị đây.
  • Chị đến ngay công trường đi. Anh Kiên bị ngã
  • Sao, có đau không em, ngã như thế nào?
  • Em không biết, chỉ biết anh ý bị ngã.
  • Được rồi. Chị đến ngay.
Cảnh 4: Tại xưởng may của Thu
Thu hốt hoảng, vội vã nhờ một đồng nghiệp chở đến chỗ công trường.
Trên tầng 5, Kiên đã được đưa vào nhà, đang nằm trên sàn nhà, mặt tái xanh. Kiên bị sốc nặng do trải qua nỗi sợ hãi quá lớn. Anh em vây xung quanh Kiên cười nói:
  • Đi ăn khao thôi
  • Về mổ trâu đi.
  • Uống bia nhé
  • “Rượu cho nó máu”
Mỗi người một câu, rôm rả cả tầng nhà.
Lúc này Nhượng cũng xuống đến tầng 3. Thấy mọi người huyên náo, Nhượng nghe câu được câu mất, chẳng hiểu gì cả. Thấy Kiên nằm trên sàn nhà, Nhượng ôm chầm lấy như trút được nỗi lo lắng, nỗi sợ hãi đỉnh điểm.
- Anh, may quá anh không sao rồi.
Kiên chỉ gật gật. Nỗi sợ hãi của Kiên còn hơn nỗi sợ hãi của Nhượng rất nhiều, đến nỗi anh cứ nằm trên sàn nhà bất động, không nghe được ai nói gì, anh vừa bước qua cửa tử. Thật khủng khiếp.
Cảnh 5. Thu hốt hoảng đến công trường, thấy bên dưới vắng lặng, đi sâu vào bên trong Thu nghe có tiếng người nói lao xao trên tầng 3. Thu bán tín bán nghi, không biết có phải việc của Kiên không mà tụ tập trên đấy, hay người ta đưa chồng cô đi bệnh viện rồi, bây giờ cơ quan công an đang làm việc. Thu vẫn bước đi mà như chạy lên tầng 3. Thấy Kiên nằm sõng xoài trên sàn nhà, Thu ôm chầm lấy:
  • Anh có sao không?
Kiên không nói gì, chỉ cười mỉn, lắc đầu. Mọi người lại tán vào.
  • Chị Thu về mổ trâu ăn khao đi
  • Thôi, lợn cũng được, bọn em không chê đâu.
Thu quay sang Nhượng:
  • Anh ấy bị ngã ở đâu
  • Từ tầng 5 chị ạ
  • Sao lại ở đây?
  • Em không biết, em xuống đã thấy anh nằm đây.
Một người xen vào giải thích.
  • Phải cảm ơn thanh sắt này, may quá, nó đã cứu tính mạng anh ấy, chứ không bây giờ không biết hậu quả thế nào.
Lúc này Phú mới lên tiếng:
- Phải phạt nặng cậu Kiên. Tôi đã nhắc mang bảo hộ lao động đầy đủ, lao động phải an toàn, tính mạng là trên hết, không thể à uôm được. Tôi nhớ hình như bị phạt tiền 1 triệu đồng đấy.
  Phú còn chế giễu thêm:
  - Chiều nay cho cậu Kiên nghỉ để về chuẩn bị tiền phạt. Nói vui vậy thôi, chứ, đấy nhìn cậu ấy vừa bước qua cửa tử, mặt mũi xanh xám thế kia. Đây là bài học lớn đối với tất cả chúng ta, không thể chủ quan trong bất kỳ trường hợp nào, vì điều gì cũng có thể xảy ra, chúng ta khó có thể lường trước được nếu không có phương án dự phòng, hoặc dự phòng sai. Cũng may, anh Kiên không sao. Chứ không công ty cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Sáng mai đúng 8 giờ tất cả có mặt tại phòng hợp công ty để họp kiểm điểm.
  Mọi người đáp lại:
  • Vâng.
  • Bây giờ tất cả về vị trí làm việc. Riêng cậu Kiên cho về nghỉ ngơi để ổn định tinh thần.
Thu đáp lời: Vâng, cám ơn anh. Em sẽ đưa nhà em về.
Mọi người lục tục tản đi làm. Kiên vẫn nằm đấy, anh như vừa trải qua một cơn ác mộng, mọi thứ như một giấc mơ. Anh không tin là mình còn sống lành lặn khi bi rơi từ tầng 5.
Cảnh 6. Tại phòng họp công ty xây lắp Kang Long. Mọi người đến đông đủ. Cuộc họp hôm nay có sự chủ trì của Giám đốc. Giám đốc bắt đầu:
- Cậu Kiên thấy thế nào:
- Dạ, em ổn rồi anh ạ. Hôm qua em sốc quá.
- Phải rồi, phúc đức, mồ mả nhà cậu tốt đấy, chứ nhiều trường hợp là “xong” rồi. Thôi bây giờ bắt đầu cuộc họp. Sở dĩ tôi triệu tập cuộc họp này là nhằm kiểm điểm, nhắc nhở, quán triệt lại các quy định về an toàn lao động.
Mọi người im lặng (qua sự chứng kiến hiện tượng của Kiên ngày hôm qua, ai cũng hiểu sự cần thiết của bảo hộ lao động, thế mà có đôi lúc họ cũng sao nhãng, quên đi chính sức khỏe, tính mạng của mình).
Giám đốc tiếp tục:
- Công ty đã trang bị đầy đủ cho các cậu đầy đủ các loại bảo hộ lao động, từ quần áo đến khẩu trang, kính, dây an toàn, hướng dẫn cách sử dụng. Sau cuộc họp này, tôi đề nghị tất cả phải tuyệt đối chấp hành. Mọi trường hợp tai nạn lao động xảy ra công ty không chịu trách nhiệm.
Nghỉ một lúc, giám đốc nói:
- Cậu Phú đọc lại quy định này cho tất cả mọi người cùng nghe
- Vâng ạ
Phú đọc nội quy lao động tại công trường:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********
NỘI QUI AN TOÀN LAO ĐỘNG
Để đảm bảo an toàn trong công tác thi công cán bộ công nhân viên phải chấp hành các qui định sau:

A - TRƯỚC KHI LÀM VIỆC

+ Quần áo tóc tai phải gọn gàng .
+ Không được vào khu vực làm việc khi say rượu hoặc vừa uống rượu.

B – TRONG KHI LÀM VIỆC

Khi làm việc phải cẩn thận tránh mọi tai nạn có thể xảy ra.
Phải sử dụng các trang bị bảo hộ lao động được cấp phát.
            + Khi đang thi công, công nhân phải tuyệt đối tuân theo lệnh của Cấp chỉ huy để tránh tai nạn xảy ra, tuyệt đối cấm đùa giỡn và uống rượu khi đang làm việc.
    Khi làm trên cao hoặc nơi cheo leo phải đeo dây an toàn.
            + Không được ném vật tư hoặc dụng cụ thi công từ trên cao xuống đất khi chưa có lệnh của Cấp Chỉ Huy và hướng dẫn của An toàn viên, mọi sự di chuyển của công nhân ở trên cao hay bên dưới phải cẩn thận tránh chủ quan lơ là thiếu cảnh giác.
            + Trong khi làm việc không tự ý rời bỏ vị trí công tác được phân công sang nơi khác không thuộc phạm vi của mình.
  + Máy móc thiết bị sử dụng phải được kiểm tra an toàn thường xuyên, công nhân vận hành phải chấp hành đúng các qui định về sử dụng máy, không được xử lý những trở ngại kỹ thuật, lau chùi vệ sinh khi máy móc thiết bị vẫn còn đang hoạt động .
            + Trước khi sử dụng những dụng cụ sản xuất phải kiểm tra sự an toàn, nếu không đảm bảo an toàn lao động thì không sử dụng.
   + Phải chấp hành nghiêm chỉnh các qui định kỹ thuật và an toàn lao động đề ra.
  + Cán bộ Chỉ Huy công trường có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra xem xét nơi làm việc của công nhân để đảm bảo sự an toàn, phát hiện nơi thiếu an toàn phải tiến hành ngay biện pháp phòng ngừa.
C – SAU GIỜ LÀM VIỆC :
    + Nếu không được phép của Cấp Chỉ Huy công trường thì không được lưu lại nơi làm việc.
      Nội qui này được áp dụng với toàn thể CBCNV công trường, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm./.

                                         BAN CHỈ HUY CÔNG TRÌNH

 
Phú đọc xong, Giám đốc quay sang:
  • Cậu phổ biến cả những quy định pháp luật về an toàn lao động.
  • Vâng.
Phú đọc tiếp:
Bộ luật lao động năm 2012 quy định tại Điều 138. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động
1. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường;
b) Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng;
c) Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động;
d) Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng;
đ) Phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc;
e) Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
2. Người lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao;
b) Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc;
c) Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm, tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động.
Đồng thời Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 cũng quy định tại Điều 6 về Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động như sau:
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
a) Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;
b) Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;
c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợpkết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
đ) Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;
e) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể;
b) Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
c) Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
a) Được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động;
b) Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
c) Tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện;
d) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
4. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Chịu trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với những người có liên quan trong quá trình lao động;
c) Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn, vệ sinh lao động.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật áp dụng riêng với đối tượng này có quy định khác.
6. Người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
7. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; riêng việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, người lao động vi phạm các quy định pháp luật về an toàn lao động, không thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động do người sử dụng lao động trang bị sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị hoặc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân sai mục đích.
Phú vừa đọc xong, Giám đốc đứng dậy:
- Qua sự việc của cậu Kiên hôm qua, tôi nghĩ không cần phổ biến lại những quy định này thì mọi người cũng thực hiện đúng, nhưng tôi cần nhắc nhở lại rằng, mình không tôn trọng, giữ gìn tính mạng, sức khỏe của mình thì đừng đổ lỗi cho ai.
Công tác bảo hộ lao động là công tác nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động và những tác động xấu đến sức khỏe người lao động. Công ty đã bỏ bao nhiêu tiền để mua đầy đủ các loại bảo hộ lao động cho anh em nhằm đảm bảo an toàn thân thể người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất, hoặc không để xảy ra tai nạn trong lao động. Tóm lại an toàn là để sản xuất, an toàn là hạnh phúc của người lao động.
Từ giờ phút này trở đi, tất cả phải chấp hành nghiêm những quy định trên. Ai vi phạm quy định về an toàn lao động (không kể có xảy ra hậu quả hay không) sẽ bị trừ lương 500.000 đồng.
Cuộc họp kết thúc ở đây. Tất cả trở về làm việc.



 
Các tin đã đưa ngày: