- Có người bị tai nạn, mọi người nhanh chân gỡ tảng bê tông ra nào.
Sau phút định thần tất cả đều chạy về phía chị Diên, cùng nhau nâng tảng bê tông ra khỏi chân chị, chị Diên thì đau quá, máu chảy lênh láng nên đã ngất đi.
Anh Đình – Trưởng phòng tổ chức cán bộ lo lắng:
- Nhanh lên nào mọi người, còn đưa cô ấy đi cấp cứu, máu chảy nhiều quá…
Mấy chị phụ nữ vội chạy về phòng y tế lấy bông băng để sơ cứu tạm thời cho chị Diên. Sự lo lắng thể hiện trên từng khuôn mặt, không hiểu vì sao chị Diên lại bị tai nạn như thế. Trong lúc nước sôi lửa bỏng không ai dám hỏi câu gì mà chỉ nhanh chóng đưa chị Diên đi cấp cứu.
Sau khi đưa chị Diên đi cấp cứu, Giám đốc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Trong phòng Giám đốc có lãnh đạo nhà máy và các trưởng phòng chủ chốt đang diễn ra cuộc họp để tìm ra nguyên nhân cũng như phương án giải quyết tai nạn của chị Diên.
Phó Giám đốc phụ trách mảng an toàn lao động của nhà máy đứng lên trình bày:
- Báo cáo các đồng chí, tai nạn hôm nay quả thực rất đáng tiếc, nó là sự cố không may. Nhà máy của chúng ta được xây dựng đã lâu, một số hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là lan can của tầng 2 đã bị bung cốt sắt tôi cũng đã báo cáo việc này với đồng chí Giám đốc đề nghị cho sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn cho công nhân khi đi vào các phân xưởng phải đi qua đoạn lan can này.
Nghe Phó Giám đốc nói, trưởng phòng Kế hoạch vội đứng lên phân trần:
- Thưa các đồng chí, việc này tôi đã được Giám đốc chỉ đạo cân đối nguồn thu và chi của nhà máy để tiến hành sửa chữa, nhưng do kinh phí còn hạn hẹp vì năm nay sản lượng chè đen xuất khẩu giảm một nửa so với năm ngoái. Bài toán tiền lương cho công nhân đã khiến chúng tôi rất lo lắng đau đầu nên chưa giành được sự quan tâm cho những việc khác dẫn đến tai nạn đáng tiếc ngày hôm nay.
Quản đốc phân xưởng 3 tò mò:
- Đang trong ca làm, chị Diên đi đâu mà lại sang phía đấy nhỉ? Phân xưởng 1 ở phía đầu hồi bên này cơ mà?
Nghe thấy vậy Quản đốc phân xưởng 1 vội lên tiếng ngay, giọng gay gắt:
- Thì cũng tại cái sự xuống cấp cơ sở vật chất của nhà máy đấy, cái nhà vệ sinh bên phân xưởng tôi hỏng từ lâu rồi, tôi đã báo phòng hành chính mấy lần mà có ai thèm ngó ngàng sửa chữa đâu. Mỗi lần đi vệ sinh lại phải vòng sang phía phân xưởng 5 mới đi được, vừa mất thời gian đi lại, vừa ảnh hưởng đến phân xưởng khác.
Dừng lại một lại, ông nói giọng nhẹ nhàng hơn:
- Cô Diên đi sang phía đấy chắc chỉ có đi vệ sinh thôi, không may bị cái lan can gãy rơi đúng vào chân. Rõ khổ.
Giám đốc nhà máy nói giọng có lỗi:
- Trách nhiệm thuộc về tôi, thành thật xin lỗi các đồng chí. Là người đứng đầu nhà máy mà không lo được đời sống khấm khá và phương tiện làm việc tốt nhất cho công nhân của mình tôi cũng áy náy lắm, nhưng lực bất tòng tâm. Chuyện cũng đã xảy ra rồi, bây giờ chúng ta tập trung bàn phương án cứu chữa và hỗ trợ cho cô Diên và gia đình.
Lúc này Chủ tịch Công đoàn mới lên tiếng:
- Đúng là tai bay vạ gió, sao lại rơi đúng vào nhà cái cô Diên chứ? cô ấy là công nhân có hoàn cảnh đặc biệt nhất nhà máy ta. Chồng cô ấy mất sớm, để lại cho vợ 2 đứa con nhỏ thì một đứa lại bị tật nguyền. Một thân một mình nuôi con, anh em họ hàng thì ở tận dưới xuôi, giờ bị tai nạn thế này biết xoay xở thế nào.
Sau một hồi suy nghĩ, Giám đốc lên tiếng:
- Tôi quyết định thế này, việc chăm sóc cô Diên tại bệnh viện và các cháu nhỏ ở nhà giao cho Đoàn Thanh niên và hội Phụ nữ sẽ thay phiên nhau bố trí túc trực giúp đỡ cô Diên đến khi cô ấy ổn định sức khỏe.
Dừng lại xem có ai tham gia gì không, nhưng không thấy ai có ý kiến gì, ông nói tiếp:
- Còn việc điều trị của cô Diên giao cho phòng tài vụ tìm kiếm nguồn nào đó hỗ trợ cho cô Diên và làm các chế độ theo quy định của pháp luật về tai nạn lao động cho cô ấy.
Nghe Giám đốc chỉ đạo, trưởng phòng tài vụ có ý kiến ngay:
- Báo cáo Giám đốc, nhà máy ta gần hai nghìn công nhân với hơn chục phân xưởng. Nếu cứ lo toàn bộ chi phí thế này tôi e rằng không kham nổi lại tạo ra tiền lệ sau này ai có không may bị tai nạn gì cũng cứ đòi chế độ như cô Diên thì biết làm sao?
Thấy trưởng phòng tài vụ phản ứng lại quyết định của Giám đốc, chủ tịch công đoàn lên tiếng ngay:
- Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, cô Diên là trường hợp đặc biệt, tôi nghĩ không thể tạo ra tiền lệ được. Ngay chiều nay tôi sẽ đại diện cho công đoàn phát động toàn thể cán bộ, công nhân nhà máy ủng hộ cô Diên tùy theo điều kiện của mỗi người, theo tinh thần là lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, thương người như thể thương thân.
Trước phản ứng của Chủ tịch công đoàn, trưởng phòng tài vụ ngồi im không nói thêm gì nữa.
Ngồi nãy giờ nghe mọi người trao đổi, tranh luận liên quan đến việc hỗ trợ và giải quyết chế độ tai nạn cho chị Diên trước tai nạn thương tâm, quản đốc phân xưởng 8 lên tiếng:
- Theo tôi nghĩ nên phát động việc ủng hộ cho chị Diên để hỗ trợ cho chị ấy lúc khó khăn, còn về chế độ thì tôi nghĩ vì chị ấy bị tại nạn không trong lúc đang làm việc thì không được hưởng chế độ tai nạn lao động đâu.
Nghe Quản đốc phân xưởng 8 nói chị Diên không thuộc đối tượng được hưởng chế độ tai nạn lao động, Chủ tịch Công đoàn đứng phắt lên nói:
- Tại sao đồng chí lại bảo là không được? Cô Diên đang trong ca làm việc, tai nạn xảy ra tại khuôn viên nhà máy chứ có phải tại nhà cô ấy hay ngoài đường ngoài chợ đâu?
Nghe Quản đốc phân xưởng 8 vặn lại:
- Thì đúng là cô ấy đang đi vệ sinh mà, tôi hỏi đồng chí: đi vệ sinh có phải là làm việc không?
Cứ mỗi người một câu, cuộc họp sắp biến thành cái chợ. Chủ tịch Công đoàn bức xúc lắm, trong lúc Giám đốc đứng lên để vãn hồi trật tự thì ông chạy về phòng lấy một tập tài liệu mang sang:
- Đây, tôi nói có căn cứ hẳn hoi: Tại điều 1 Luật Vệ sinh, an toàn lao động năm 2015 quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.. Đấy nhá có chính sách cho người bị tai nạn lao động nhá.
Quản đốc phân xưởng 8 chen vào một câu:
- Chỉ có thế thôi à, thế có gì là cụ thể đâu, giả sử tai nạn của cô Diên là tai nạn lao động thật thì chắc gì cô ấy đã thuộc đối tượng được hưởng?
Bực mình vì thái độ của Quản đốc phân xưởng 8, chủ tịch công đoàn không thèm nhìn lấy một cái mà lại tiếp tục nói, càng nói càng hăng:
- Đây nữa, tại điểm a khoản 1 điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
Dừng lại ông quay lại hỏi Quản đốc phân xưởng 8:
- Tôi hỏi ông: thế cô Diên có phải là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không?
Nghe thấy hai đồng chí căng thẳng với nhau, Giám đốc phải lên tiếng can thiệp:
- Như vậy cô Diên là người có đóng bảo hiểm xã hội nên thuộc đối tượng được hưởng chế độ tai nạn lao động. Nhưng để được hưởng chế độ này phải có điều kiện gì chứ đồng chí Chủ tịch Công đoàn?
Được Giám đốc hỏi, Chủ tịch Công đoàn báo cáo ngay:
- Báo cáo anh là phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đấy ạ. Điều 45 Luật Vệ sinh, an toàn lao động năm 2015 quy định như sau:
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
“1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn nêu trên”.
Đọc xong Chủ tịch Công đoàn liếc sang phía Quản đốc phân xưởng 8 kéo dài giọng:
- Thưa ông Quản đốc phân xưởng 8, ông nghe rõ chứ ạ? Tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc chứ không nhất thiết phải đang làm việc đâu ông ạ.
Thấy mình đuối lý, Quản đốc phân xưởng 8 ngồi im không tranh luận gì thêm.
Giám đốc thấy mọi việc đã rất rõ ràng, liền đứng lên yêu cầu mọi người trật tự và kết luận:
- Đoàn Thanh niên và hội Phụ nữ sẽ có trách nhiệm phân công nhau chăm sóc. Công đoàn sẽ huy động sự đóng góp của toàn nhà máy. Phòng Hành chính làm các chế độ liên quan đến tai nạn lao động theo quy định của pháp luật cho cô Diên.
Dừng lại Giám đốc hỏi:
- Có ai có ý kiến gì không?
Không thấy ai trả lời, ông nói tiếp:
- Cuộc họp kết thúc tại đây, các bộ phận theo sự chỉ đạo của Giám đốc triển khai thực hiện một cách có hiệu quả nhất. Thay mặt Ban lãnh đạo tôi xin cảm ơn mọi người đã có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ đồng nghiệp khi gặp phải khó khăn. Đây mới là điều đáng quý mà nhà máy ta phải trân trọng và phát huy./.