Liên kết website

CON ĐƯỜNG MÀU XANH

30/12/2016

Nhân vật: Bà Thư: Chủ tịch Hội phụ nữ kiêm Trưởng Ban thanh tra nhân dân Cô Điều: Hội viên Hội phụ nữ Ông Kỳ: Chủ tịch UBND xã

Cảnh 1:  Trong nắng chiều tháng 6, bà Thư đang vội bước trên con đê làng, cái bóng đổ dài trên mặt đê. Từ phía sau có tiếng xe đạp lạch cạch, tiếng người gọi:
- Chị Thư, chị Thư
Bà Thư quay lại. Điều đang đạp xe hớt hải, mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt.
Điều: Xe đâu mà chị không đi, nên đây em chở
- Ừ, ừ. Cô đi đâu về thế
Bà Thư nhảy lên xe, ngồi vắt chân một bên hỏi chuyện
- Cô đi đâu về thế?
- Em ra xã xem mở đường, mở lối thế nào?
- Tôi tưởng nhà cô ở mặt đường rồi. Làm đường mới thì không đi qua nhà cô.
- Đấy, vấn đề là ở chỗ đấy. Con đường Liên Bão, bao nhiêu năm nay mọi người vẫn đi lại, mấy thôn làng vẫn đi để ra thành phố. Ấy thế mà đùng một cái, huyện lại có chủ trương mở con đường khác để xuống tỉnh.
- Ơ thế mở thêm nhiều đường thì càng có cơ hội làm ăn, có cơ hội giao thương, buôn bán thuận lợi tạo điều kiện cho xã phát triển thì tốt chứ sao?
- Vì nhà chị không có nhà ở đường Liên Bão nên chị không hiểu. Thế này nhé, cả phố Liên Bão đang kinh doanh sầm uất, xưởng sản xuất gỗ làm ngày đêm. Thế bây giờ mở đường khác to hơn, đẹp hơn thì ai còn đi đường Liên Bão nữa. Lúc đấy hàng hóa chả ế chỏng chơ.
- Vì thế mà cô phải ra xem quy hoạch à?
- Không chỉ có vậy, còn xem con đường mới đi qua nhà ông, nhà bà nào của cái xã này nữa? Điều nói tỏ ra là người hiểu biết.
- Thế nó đi qua nhà nào?
- Nó đi qua đất ruộng của nhà ông Phàn chứ nhà nào.
- Ông Phàn, Phó Chủ tịch á?
- Ôi dào, chị làm chủ tịch Hội phụ nữ mà chẳng biết gì. Nhà ông Phàn có 2 sào ruộng ở đường đồng đấy. Nếu huyện lấy làm đường theo đúng quy hoạch trên bản vẽ thì nhà ông Phàn bị mất một nửa, còn lại 1 sào, lại thành ra mặt đường.
Thư tỏ ra khâm phục Điều:
- Cô biết xem quy hoạch với bản vẽ à?
- Thì ruộng đất, đường làng nó lù lù ra đấy, ai mà chả xem được.
- Ruộng ra mặt đường có làm gì đâu? Vẫn để trồng lúa chứ.
- Bây giờ là trồng lúa, nhưng khi có đường sẽ “trồng nhà”. Chị đúng là thật thà.
- Thế cô định thế nào?
- Em phải làm cho rõ ràng chuyện này, định lợi dụng chức vụ để tư lợi cá nhân.
- Có phải con đường làm cho mỗi nhà ông Phàn ra mặt đường đâu, bao nhiêu hộ khác nữa. Tôi cũng đã đi họp cho ý kiến về việc này, người ta còn xét cả yếu tố địa lý nữa.
- Chị là hay tin người, ai nói gì cũng cho là đúng.
- Nhưng đúng thế mà. Con đường làm xong sẽ chạy thẳng từ đây xuống thành  phố, không phải mất công làm cầu bắc qua sông, không phải đi vòng như bây giờ, thế chả tiện hơn rất nhiều.
- Thế sao không nâng cấp con đường bây giờ. Đỡ tốn chi phí giải phóng mặt bằng, đường có rồi, cầu có rồi chỉ nâng cấp, thế là xong, lại còn bày vẽ làm đường mới.
- Ơ hay, nó còn phải phù hợp với quy hoạch vùng, tỉnh định xây dựng nhà văn hóa, khu trung tâm thương mại ở khu đồng Đo đấy. Không làm đường thì đi bằng gì.
- Sao không làm nhà văn hóa với thương mại ở Liên Bão, mà lại nghĩ ra tận đồng Đo. Liên Bão kinh tế phát triển nhất xã, làm ăn sầm uất như thế, lại đưa ra nơi đồng không mông quạnh làm nhà văn hóa?
- Ở Liên Bão làm gì còn đất. Thế cô chất vấn tôi đấy à.
 
Cảnh 2: Về đến đầu nhà bà Thư
Hai người vừa đi vừa nói chuyện cũng về đến cổng nhà bà Thư. Bà Thư mời khách vào nhà.
- Thôi về làm gì vội, vào đây cái đã.
- Vầng. Cho em ngụm nước, nóng quá.
Bà Thư rót nước mời khách:
- Cô uống đi cho mát, để tôi cho thêm cục đá.
- Vâng em cám ơn chị.
- Thế cô còn băn khoăn chuyện đường đất nữa không?
- Còn chứ, hôm nào em phải ra xã hỏi cho ra lẽ.
- Cô đúng là rất hiểu biết pháp luật, ai cũng như cô thì làng mình phát triển lâu rồi.
- Thế à, em hiểu biết gì đâu. Các ông ấy làm các ông ấy biết.
- Cô ra xã hỏi, trong luật gọi là yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải trình về những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
- Thế à. Em có biết cái luật ấy đâu.
- Cô nói như người biết rõ lắm
- Thì mình thấy cái gì đúng mình làm. Thế có luật quy định về vấn đề này à. Em có phải làm đơn không chị?
- Không cần làm đơn, ra xã trực tiếp hỏi là được.
- Em thấy chị bảo có luật, em tưởng phải có giấy tờ, viết viết lách lách ngại lắm.
- Tôi vừa được tỉnh tập huấn cách đây mấy tuần nên còn nhớ. Nghị định 90 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ.
- Em có phải hẹn trước không ạ? Ra đấy các ông lại đi họp trên huyện, trên tỉnh thì hết hơi.
- Thì cô phải xem lịch làm việc của xã. Xem ngày nào người ta tiếp công dân thì minh ra mà hỏi.
- Có cả ngày tiếp công dân hả chị?
- Có chứ. Luật tiếp công dân được ban hành năm 2013. Ông chủ tịch xã phải xếp lịch tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tuần.
- Chị cái gì cũng biết nhỉ?
- Tôi biết để còn phổ biến cho các cô biết nữa chứ, mình không biết thì chị em hỏi ai.
- Thế em phải làm gì?
- Cô chỉ cần ra xã, hỏi người ta những vấn đề cô thắc mắc, như cô thắc mắc với tôi. Các bộ xã sẽ giải thích cặn kẽ cho cô hiểu. Cô chờ tôi một lát
Bà Thư chạy vào trong nhà lấy ra quyển sổ ghi chép.
- Đây, người yêu cầu giải trình có nghĩa vụ: Thực hiện các trình tự, thủ tục về yêu cầu giải trình theo quy định; trình bày rõ ràng, trung thực, có căn cứ về nội dung yêu cầu giải trình; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình.
Còn người giải trình có nghĩa vụ: Tiếp nhận yêu cầu giải trình thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; hướng dẫn người yêu cầu giải trình thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan; Giải quyết yêu cầu giải trình theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục và thời hạn quy định.
- Thôi, em đi về đã. Cám ơn chị nhé
- Còn thắc mắc gì, cô cứ ra xã, nhớ hỏi lịch xem ngày tiếp công dân của xã là ngày nào.
- Vâng, em về nhé.
Cô Điều dắt xe đạp ra về.
 
Cảnh 3: Tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phòng tiếp công dân có đồng chí Chủ tịch, đồng chí địa chính xã và công chức tư pháp, cô Điều bước vào
- Chào mấy anh em.
- Mời chị ngồi. Chị có việc gì?
- Em ra hỏi xem các anh về quy hoạch làm đường xuống thành phố, sao không nâng cấp đường cũ mà lại mở đường mới, việc này rất tốn kém tiền của nhà nước và nhân dân.
Ông Chủ tịch điềm tĩnh:
- Vấn đề này rất nhiều bà con thắc mắc, cả trên huyện cũng đặt ra khi xã trình phương án này lên. Nhưng còn phải dựa vào nhiều yếu tố như quy hoạch chung của toàn tỉnh, vị trí địa lý, chiến lược phát triển vùng… xã đã cân nhắc làm gì ở đâu cho phù hợp.
Ông Chủ tịch quay sang cán bộ địa chính: “Cậu lấy một bản giải trình ra đây cho cô Điều xem”.
Cán bộ địa chính đi về phòng, một lúc sau quay ra với tập giấy, đưa về phía cô Điều
- Đây là toàn bộ thuyết minh tại sao xã lại mở con đường đấy. Tương lai khi có con đường này, kinh tế xã mình sẽ phát triển lắm, thu hút được nhiều nhà đầu tư vì nó thông lên con đường quốc lộ 16.
Ba người còn xem bản vẽ, ông chủ tịch và cán bộ địa chính chỉ chỉ trên bản đồ và giải thích cho cô Điều cặn kẽ. Cô Điều thỉnh thoảng lại gật gật tỏ ra đồng tình lắm.
Ba năm sau, cánh đồng Đo đã “thay da đổi thịt”, một khu vực sầm uất hiện đại với trung tâm thương mại nhộn nhịp và công viên mọc lên, khẳng định hướng đi đúng, chính sách vì dân của lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện. Nhờ có con đường này, việc thông thương, buôn bán của các vùng trong huyện và của tỉnh với các tỉnh lân cận đã ngày càng phát triển. Nhiều nhà đầu tư đã đặt vấn đề đầu tư vào khu vực, hứa hẹn mang lại công ăn, việc làm ổn định cho người dân trong vùng.
 
Các tin đã đưa ngày: