CON SÂU BỎ RẦU NỒI CANH
Bữa tiệc mừng cậu con trai cả nhà ông Bính tốt nghiệp đại học Y khoa và nhận bằng Bác sĩ kéo dài từ chiều đến 8h tối mà chưa tan. Ông bà Bính mừng lắm, thế mà cũng gần 7 năm rồi đấy, ngày Mạnh đỗ Đại học y nhiều người cứ khuyên ông bà không nên cho nó theo học vì vừa lâu, nuôi ăn học tốn kém vừa là ngành nghề nguy hiểm…Ông bà hỏi con thì Mạnh mong được theo học ngành y nên ông bà chiều theo nguyện vọng của nó. Nó học chuyên ngành răng - hàm - mặt nên cũng đỡ vất vả mà cũng sạch sẽ hơn ngành đa khoa khác.
Buổi gặp mặt hôm nay toàn người nhà nên sau khi ăn uống xong là bàn về công việc của Mạnh.
Bác cả là Phó Chủ tịch một huyện, người có tiếng nói nhất trong nhà, lên tiếng:
- Thằng cháu bác học hành giỏi giang, hình thức cao to đẹp trai thế này, chú thím nhất định phải xin cho nó vào Bệnh viện đa khoa tỉnh để cháu tôi có đất dụng võ.
Nghe bác cả nói, cô út phản ứng ngay:
- Xin vào Bệnh viện làm gì cho nó phải chịu áp lực hả anh? Nó vừa phải chịu áp lực từ việc điều trị cho bệnh nhân lại vừa chịu áp lực từ mấy ông bà lãnh đạo từ khoa cho đến bệnh viện, không chịu được đâu…
Vừa lên tiếng đã có người phản đối làm bác cả khó chịu ra mặt:
- Cô làm ăn kinh doanh không có đoàn thể, tổ chức nên quen rồi, không chịu được gò bó. Đôi khi gò bó, áp lực lại là điều kiện tốt cho cháu tôi trưởng thành đấy
Quay sang chỗ Mạnh đang ngồi, bác cả nói:
- Tuổi trẻ cần phải được tôi luyện, thử thách cháu ạ, càng ở môi trường khắc nghiệt mình càng tích lũy được kinh nghiệm và kiến thức cho chính mình.
Ngồi uống trà nghe mọi người tranh luận, chú Ba giờ mới lên tiếng:
- Em cũng là người nhà nước đây bác cả, nhưng mà nghĩ là nếu có một môi trường tốt cho cháu nó thử sức ở bên ngoài chả tốt hơn sao. Chẳng hạn như mở cho cháu nó một phòng khám tư nhân, nếu nó có chuyên môn tốt, lại là người có đạo đức, uy tín, kinh nghiệm thì nó sẽ đông khách hàng. Như vậy cháu nó vừa được tôi luyện lại vừa có điều kiện làm kinh tế.
Mạnh ngồi nghe mọi người bàn bạc về công việc của mình, cũng góp lời:
- Hai năm học chuyên khoa, cháu cũng đi làm thêm nhiều ở các phòng khám tư nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm. Hơn nữa thầy hướng dẫn cháu là giáo sư đầu ngành nên cháu cũng học hỏi được nhiều ạ.
Nghe Mạnh nói vậy cô út góp lời:
- Gia đình chỉ có thể lo các thủ tục liên quan đến phòng khám thôi, còn chuyên môn là cháu phải chịu trách nhiệm khám chữa thật tốt để tạo uy tín cho phòng khám đấy.
Ngẫm thì cũng thấy chú ba và cô út nói có lý. Bạn bè của nó đều ở lại Hà Nội lập nghiệp, đứa thì xin vào làm thuê cho các phòng khám, đứa có điều kiện hơn thì mở hẳn phòng khám tư nhân. Nó thì phải về quê, vì nó là con trưởng của dòng họ, bác cả nó thì có hai chị con gái nên bố nó dù là con thứ, nhưng nó lại là cháu đích tôn, nên nó phải về quê lập nghiệp.
Đang nghĩ miên man, nó giật mình nghe tiếng bác cả gọi:
- Mạnh, ý cháu thế nào?
Mạnh từ tốn trả lời:
- Thưa bác, thưa bố, chú và cô. Ngay từ lúc còn đi học cháu đã mơ ước có được một phòng khám cho riêng mình, cháu sẽ tạo lập thương hiệu riêng của cháu. Cháu nghĩ cháu cố gắng sẽ làm tốt ạ.
Thấy Mạnh trả lời nguyện vọng được mở phòng khám tư nhân nên cả nhà cũng đồng ý mà không có ai phản đối gì nữa. Vấn đề bây giờ là thủ tục thành lập phòng khám. Cô út lên tiếng:
- Việc đấy để cô lo, cô quen đi làm mấy việc tương tự thế này.
Quay sang vợ chồng ông Bính, cô út nói:
- Anh chị và cháu Mạnh chuẩn bị địa điểm mở phòng khám và các phương tiện phục vụ hành nghề khám chuyên khoa răng – hàm – mặt. Việc này Mạnh phải lưu ý cháu nhé, đều có quy định của pháp luật cả đấy.
Ngày hôm sau cô út bắt tay ngay vào việc chuẩn bị hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề cho Mạnh và cấp giấy phép hoạt động cho phòng khám. Cầm bộ hồ sơ mà Mạnh chuẩn bị, cô út tự tin bước vào phòng một cửa của Sở Y tế, thấy cô nhân viên của Sở, cô đến gần và hỏi:
- Em ơi chị muốn hỏi làm thủ tục cấp Giấy chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì làm ở đâu hả em?
Đáp lại câu hỏi thân thiện và vồn vã của cô út là thái độ thờ ơ và giọng nói lạnh tanh:
- Ở đây, hồ sơ đâu?
Cô út giật mình, nghĩ mình nghe nhầm nên hỏi lại:
- Em hỏi gì cơ?
Vẫn không thay đổi thái độ, cô nhân viên một cửa tên Hằng trả lời:
- Hồ sơ?
Lần này thì cô út nghe rõ giọng nói vô lễ của cô nhân viên, cô này cũng chỉ chạc tuổi thằng Mạnh thôi, làm ở quan nhà nước, lại là bộ phận tiếp công dân mà sao ăn nói sấc sược thế nhỉ? Cô nghĩ để được việc cho mình nên bỏ qua đi, nếu bắt bẻ khéo lại bị hành đủ thứ mới cấp cho cái chứng chỉ hành nghề thì hỏng hết việc của nhà cô, cô vẫn nhẹ nhàng:
- Em xem giúp chị, còn cần thêm giấy tờ gì không, cần gì để chị sẽ điều chỉnh.
Thờ ơ lật giở từng trang trong tập hồ sơ, cô nhân viên một cửa tên Hằng ngẩng mặt lên nhìn cô út:
- Chị cứ để hồ sơ ở đây chúng tôi xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ cấp chứng chỉ hành nghề.
Cô út sốt ruột hỏi:
- Trong bao nhiêu ngày thì được cấp hả em?
Cô nhân viên thủng thẳng trả lời:
- Khi nào được chúng tôi sẽ gọi điện thông báo.
Nói xong cô nhân viên cầm tập hồ sơ đi vào phía trong làm cho cô út muốn hỏi thêm vài câu nữa mà chả thể hỏi được nên đành đi về.
Ra đến cửa cô nhìn thấy bảng thông báo có treo rất nhiều thủ tục hành chính nên tò mò ngó xem, cô muốn xem thủ tục mình cần làm trong bao nhiêu ngày. Lấy tay dò một lúc cô cũng tìm thấy thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, nhưng cô lại quên không lấy phiếu tiếp nhận hồ sơ rồi.
Quay trở lại phòng một cửa, may quá cô nhân viên Hằng vẫn ngồi ở vị trí cũ, cô liền bảo:
- Em ơi cho chị cái phiếu tiếp nhận hồ sơ.
Cô nhân viên xinh đẹp chả nói năng gì, hý hoáy viết cho chị cái phiếu hẹn
Bận rộn với công việc kinh doanh và cả việc chuẩn bị mở phòng khám cho thằng cháu đích tôn của dòng họ, cô út quên bẵng việc xin cấp chứng chỉ hành nghề của thằng Mạnh, thấy cháu nhắc cô mới sự nhớ:
- Ừ nhỉ? Hôm nay đúng tròn 2 tháng cháu ạ, để cô đến đấy xem sao.
Bỏ lại công việc cô đến thẳng phòng một cửa của Sở Y tế, may thế nào mà cô nhân viên xinh đẹp hôm trước đang ngồi trực, cô cất lời:
- Em cho chị hỏi, hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của Nguyến Tiến Mạnh đã được chưa?
Khác với thái độ lần trước, hôm nay cô nhân viên vui vẻ khác thường:
- Được rồi chị ạ, nhưng hồ sơ còn thiếu nhiều thứ, em phải hoàn thiện giúp chị. Chị nộp phí thẩm định cho em, ngoài tiền phí chị nộp thêm 500.000đồng hoàn thiện hồ sơ ạ.
Nghe cô nhân viên tên Hằng nói, cô út ngạc nhiên lắm, rõ ràng hồ sơ rất đầy đủ, mà có thiếu thì phải gọi mình bổ sung chứ làm sao cô ấy lại bổ sung được nên cô nói cứng:
- Hồ sơ chị đã chuẩn bị đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật khám chữa bệnh năm 2009 và khoản 9 Điều 1 Thông tư số 41/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Làm sao có thể thiếu? mà thiếu những giấy tờ gì em cho chị biết để chị hỏi lãnh đạo quản lý em xem có đúng như vậy không?
Nói một hơi dài cô út dừng lại xem thái độ của cô nhân viên, thấy cô ta lúng túng, cô út bồi thêm:
- Đây này, Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế chỉ quy định mức phí thẩm định, ngoài ra không có khoản thu nào khác. Nếu em thu thêm 500.000đồng thì em viết hóa đơn cho chị và ghi rõ lý do thu.
Biết gặp phải người hiểu chuyện, cô nhân viên nói vội:
- Chị không nộp thì thôi, có gì mà phải to tát thế, 500.000 đồng là tiền bồi dưỡng cho chúng em trong quá trình cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho chị thôi mà. Không nộp cũng không sao.
Thấy cô này vòi vĩnh trắng trợn, cô út quyết tâm cho cô ta một bài học:
- Thế ai đến đây làm thủ tục gì cũng phải nộp 500.000đồng ngoài tiền phí hả em?
Cứ tưởng chị chịu nộp tiền bồi dưỡng nên cô nhân viên trả lời vội:
- Tùy từng loại thủ tục mà mức bồi dưỡng khác nhau chị ạ.
Cô út lật bài ngửa:
- Em cho chị gặp người quản lý trực tiếp của em.
Cô nhân viên tái mặt:
- Không cần phải làm thế đâu chị, chị không nộp thì thôi, chị có thể về được rồi ạ.
Cô nhân viên xinh đẹp chưa dứt lời, cô út đã đi vào đến dãy hành lang bên trong, nhìn thấy biển phòng ghi Chánh Văn phòng, cô gõ cửa:
- Mời vào…
Bước vào trong cô nhìn thấy một người đàn ông tầm 50 tuổi, liền giới thiệu:
- Chào anh, tôi là công dân đến xin cấp giấy chứng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Không ngẩng đầu lên, người đàn ông trả lời:
- Mời chị ra bộ phận một cửa, sẽ tiếp nhận hồ sơ và làm các thủ tục hành chính cho chị.
Cô út vội nói:
- Hồ sơ thủ tục của tôi đầy đủ nhưng cô nhân viên một cửa yêu cầu tôi phải nộp thêm 500.000đồng tiền bồi dưỡng, như vậy đúng hay sai ạ?
Chánh Văn phòng vội đứng lên:
- Có chuyện đó sao? Mời chị ngồi uống nước để tôi kiểm tra cụ thể…
Không để ông ấy nói hết, cô út đã ngăn lại:
- Tôi nói để anh biết nhân viên của anh thế nào thôi, còn việc anh xử lý thế nào là việc của anh. Mà tôi được biết, Điều 24 Luật phòng, chống tham nhũng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải được thực hiện công khai. Mong anh xem lại, vì còn rất nhiều người đến làm các thủ tục hành chính đấy ạ.
Thấy cô út xách túi đứng lên, đồng chí Chánh Văn phòng vội nói:
- Rất cảm ơn chị đã góp ý cho ngành chúng tôi, con sâu bỏ rầu nồi canh, nhất định chúng tôi sẽ kiểm điểm nghiêm túc và không bao giờ để tình trạng này xảy ra nữa ạ.
Cô Út vội ra về để hoàn tất các thủ tục cho ngày khai trương phòng khám đang đến rất gần./.