Liên kết website

TIẾP CẬN THÔNG TIN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT NHƯ THỀ NÀO?

29/12/2017

Ngày chủ nhật đẹp trời, thời tiết mát mẻ. Như thường lệ, ông Hà trải bàn cờ tướng rồi ngồi xếp ngay ngắn để chờ mấy người bạn trong khu phố đến chơi, song không thấy ai. Ông sốt ruột đi ra đi vào, mãi cũng không thấy bà Lam - vợ ông đi chợ về. Một lát sau, ông mới thấy bóng dáng bà tất tả đi từ sân vào, ông kêu lên: - Cái bà này đi đâu mà mất mặt cả buổi sáng? Chợ búa gì mà mãi không thấy về lo cơm nước cho chồng con?

Bà Lam: Tôi đi chợ có mua bán gì đâu. Đi qua nhà bà Liên hàng xóm, bà ấy lôi vào nhà nói chuyện về Hội nghị sắp tới của khu phố mình. Ông không biết đấy thôi, hay và thiết thực lắm!
Ông Hà: Vấn đề gì vậy, tôi có nghe thấy ai nói gì đâu?
Bà Lam: Đấy, ông có chịu đi đến đâu. Sắp tới, Ủy ban nhân dân huyện đang chuẩn bị tập huấn về quyền tiếp cận thông tin về pháp luật cho nhân dân. Mọi người đang mong chờ được tham dự Hội nghị này đấy!
Ông Hà: Tiếp cận thông tin là gì? Sao nghe mà xa xôi thế. Đã thấy ai đưa giấy mời gì đâu?
Bà Lam từ từ ngồi xuống ghế rồi nói: Ông không biết chứ! Quyền tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin về pháp luật là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc đấy. Bà Liên vừa nói với tôi như thế.
Ông Hà: Quyền này được ghi nhận trong cả Tuyên ngôn thế giới cơ à?Bà có chắc chắn không đấy.
Bà Lam chưa kịp trả lời, đã có tiếng nói vọng ở ngoài vào:
Bác Lam nói chính xác quá! Ở Việt Nam, quyền được thông tin của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là quá trình thúc đẩy công bằng và thực thi pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin về pháp luật sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.
Thì ra là anh Hữu – cán bộ huyện, vừa là cháu họ của ông Hà đang đi từ ngoài sân vào, tay cầm theo mấy tờ giấy: Cháu qua đưa Giấy mời cho bác đi tham dự Hội nghị tập huấn về quyền này đây.
Bà Lam nghe xong hỏi: Cháu nói nghe như cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. May quá, có cháu Hữu ở đây! Tôi nghe bà Liên nói mà chưa hiểu rõ lắm. Bác muốn hỏi là người dân chỉ được quyền tiếp cận thông tin về pháp luật, hay mọi thông tin người dân đều được quyền tiếp cận?Văn bản pháp luật nào quy định về quyền này?
Anh Hữu: Quyền tiếp cận thông tin của công dân là một quyền Hiến định. Theo Điều 25 của Hiến pháp 2013, công dân có quyền tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin về pháp luật. Quyền được thông tin về pháp luật của công dân được quy định cụ thể tại Điều 2 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012: “Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập, pháp luật. Nhà nước đảm bảo, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật”.
Quyền này còn được cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Việc tiếp cận thông tin của công dân phải được thực hiện theo quy định của Luật tiếp cận thông tin. Không phải mọi thông tin người dân đều được quyền tiếp cận.
Ông Hà thắc mắc: Người dân có bắt buộc phải tự biết những thông tin về pháp luật không cháu? Hay Nhà nước phải có trách nhiệm phổ biến, giáo dục để người dân nắm được thông tin về pháp luật?
Anh Hữu: Theo Điều 48 và Điều 6 của Hiến pháp 2013: Người nước ngoài cư trú ở Việt nam; công dân Việt Nam có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Vì vậy, người dân bắt buộc phải tự biết những thông tin về pháp luật để lựa chọn hành vi xử sự phù hợp với quy định của pháp luật; nếu vi phạm pháp luật, sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định công dân phải chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật và Nhà nước cũng phải có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật. Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Trách nhiệm của Nhà nước và cả hệ thống chính trị là phải triển khai thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hai bác ạ.
Bà Lam: Thế các thông tin nào phải được công khai rộng rãi hả cháu?
Anh Hữu: Luật Tiếp cận thông tin năm 2016  quy định các thông tin sau đây phải được công khai rộng rãi: Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan Nhà nước; thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Nhà nước; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành pháp luật…
Ông Hà tấm tắc: Chà, pháp luật quy định cụ thể quá. Song bác muốn hỏi thêm là pháp luật có giới hạn người nào được tiếp cận với loại thông tin pháp luật nào không? Hay được quyền tự do tiếp cận những thông tin pháp luật mà mình muốn?
Anh Hữu: Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước trừ thông tin không được tiếp cận; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định. Người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ. Người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp Luật trẻ em và luật khác có quy định khác.
Bà Lam:  Thế thì những loại văn bản nào của nhà nước ban hành, người dân được quyền xem và đến đâu để được xem các văn bản này hả cháu?
Anh Hữu: Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc bí mật nhà nước bác ạ. Mọi người dân đều có quyền tiếp cận và tìm hiểu để thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ. Người dân có thể xem miễn phí trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; hệ thống công báo; Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn hoặc liên hệ với cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ triển khai thi hành văn bản đó hoặc được giao nhiệm vụ thực thi công vụ trong lĩnh vực đó. Dĩ nhiên văn bản đó phải không thuộc diện văn bản mật hoặc văn bản lưu hành nội bộ hai bác ạ…
Ông Hà: Để được thông tin về pháp luật, người dân có còn phải thực hiện những thủ tục gì không cháu? Có phải trả tiền để có thông tin pháp luật không?
Anh Hữu: Hiện nay có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng các hình thức: trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin; gửi phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin. Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin được quy định theo hướng: Đối với thông tin đơn giản có sẵn có thể cung cấp ngay thì người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay văn bản, bản chụp tài liệu. Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó, hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của các cơ quan tổ chức đơn vị khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo cho người yêu cầu đến trụ sở được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay văn bản, bản chụp tài liệu..., hoặc có văn bản thông báo về việc từ chối cung cấp thông tin.
Bà Lam: Tôi là tôi băn khoăn là trong quá trình tiếp cận thông tin về pháp luật, nếu người dân bị cản trở, họ phải làm gì?
Anh Hữu: Quyền được tiếp cận thông tin về pháp luật là một quyền con người, quyền cơ bản của công dân nên nó phải được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Trách nhiệm của tất cả các chủ thể, trong đó có các cơ quan nhà nước là phải bảo đảm để công dân thực hiện quyền này; mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền này của công dân đều là hành vi trái pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị áp dụng các biện pháp kỷ luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Nghe anh Hữa nói, cả ông Hà, bà Lam đều trầm trò: Cháu Hữu nói hay quá, ngày mai dù bận rộn thế nào, hai bác cũng sẽ đi tham dự Hội nghị để được phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Cảm ơn cháu nhé!
Cả ba cùng cười vui vẻ. Ngoài sân, nắng vàng hanh cuối thu tạo nên một màu sắc lãng mạn trải khắp vùng quê yên bình./.
 
 
 
Các tin đã đưa ngày: