Liên kết website

NHƯỜNG NHỊN

29/12/2017

Bà Thu: nguyên đơn Ông Đông: chồng bà Thu - người đại diện cho bà Thu Bà Thành: Là Dì của bà Thu Ông Sự: Là cha đẻ của bà Thu Luật sư: người đại diện cho bị đơn Đại diện Tòa

Tại tòa, nguyên đơn vắng mặt là bà Thu 65 tuổi phải ngồi xe lăn. Người chồng 70 thay mặt vợ trình bày trước tòa.
Bị đơn là 6 người em cùng cha khác mẹ với nguyên đơn, những người này đang ở nước ngoài nên chỉ có luật sư của họ xuất hiện.
Phiên tòa vắng mặt cả bị đơn và nguyên đơn.
Do bị đơn không có mặt, nên suốt cả phiên tòa hầu hết là lời trình bày của phía nguyên đơn. Miếng đất tranh chấp rộng 70m2, nằm ở ngay trung tâm Thành phố Tỉnh X (là tài sản riêng của bà Thành do bố, mẹ đẻ cho bà trước khi lấy chồng).
Ông Đông: Vợ tôi là Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1953). Khi vợ tôi còn đang ở tuổi chập chững tập đi thì người mẹ không may qua đời. Họ hàng vun đắp cho người dì là bà Nguyễn Thị Thành “nối duyên” của người chị xấu số.
“Sảy mẹ bú dì”, người dì thương cháu gái đồng thời cũng là con riêng của chồng (ông Sự) như con đẻ. Do kinh tế lúc bấy giờ còn khó khăn nên vợ tôi phải ở lại quê nhà với bà nội. Cha và dì đi lập nghiệp ở nơi xa. Cuộc hôn nhân lần thứ 2 này, cha của bà được 6 người con (trong đó, người con trai út, đến nay vừa đủ 17 tuổi là người chưa thành niên). Gia đình khá sung túc.
Ở quê, tôi và vợ nên duyên. Bốn người con ra đời, vợ chồng tôi đều là cán bộ nhà nước, cuộc sống cũng ổn định. Tuy không ở gần nhưng những người anh em cùng cha khác mẹ thường xuyên thư từ thăm hỏi.
Cả 6 người em cùng cha khác mẹ với vợ tôi lần lượt chuyển sang định cư ở nước ngoài. Lúc này, người dì thường xuyên viết thư cho vợ tôi kể về cuộc sống cô quạnh sau khi chồng mất, mong muốn vợ chồng tôi chuyển đến sống cùng.
Thời điểm đó vợ chồng tôi đều là cán bộ nhà nước, công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Những người em cùng cha khác mẹ với vợ tôi ở nước ngoài liên tục viết thư về động viên. Họ nói họ có cuộc sống thành đạt ở trời Tây, thương anh chị thiệt thòi nên sẽ không tranh chấp tài sản mà chỉ mong chúng tôi ở Việt Nam chăm sóc mẹ. Vợ tôi suy nghĩ lắm, cô ấy nói: bố mẹ không còn, dì cũng như mẹ, không nỡ để dì sống một mình...”.Vậy là vợ chồng tôi khắn gói rời quê đi ở với dì.
Mấy năm sau thì dì ruột cũng sang định cư cùng các con. Trước khi đi bà viết giấy: Để lại mảnh đất cho con gái là Nguyễn Thị Thu và con rể là Nguyễn Đông. Sau khi mẹ mất, anh chị em trong và ngoài nước vẫn giữ quan hệ tốt, thư qua thư lại động viên nhau.
Nhưng mấy năm nay, những người em cùng cha khác mẹ bắt đầu đòi nhà. Họ cho rằng vợ chồng tôi chỉ là người ở nhờ, nên giờ phải trả lại. Những người này đồng ý hỗ trợ tiền để vợ chồng tôi chuyển đi. Thương lượng không thành, những người anh em trên ra phòng công chứng kê khai mảnh đất là di sản thừa kế đứng tên họ.
Vợ chồng tôi biết tin bèn đưa đơn kiện, yêu cầu đưa tên vợ tôi vào danh sách những người thừa kế.
Ông Đông – người đại diện nguyên đơn nộp cho tòa án mảnh giấy đã ố vàng, nói: “Trước lúc xuất cảnh dì tôi viết giấy ghi rõ, để lại mảnh đất cho con gái là Nguyễn Thị Thu và con rể là Nguyễn Đông”.
Luật sư phía bị đơn (phản bác): Tờ giấy không có giá trị do bà Thu không phải con ruột.
Ông Đông: Thời điểm đó, đi xuất cảnh là phải giao đất lại cho nhà nước, nhờ có vợ chồng tôi gìn giữ mấy chục năm nên mảnh đất vẫn còn. Sáu ngôi mộ của gia đình dì tôi cũng chăm sóc chu đáo, 2 lần quy hoạch tôi bốc mộ mang về quê xây cất lại cho đàng hoàng.
Vợ chồng tôi cũng vì đất đai hương hỏa của ông bà nên giữ gìn chăm sóc.
Tôi là cán bộ nhà nước, 2 lần được đơn vị phân nhà đều từ chối vì nghĩ chúng tôi đã có nhà cửa đàng hoàng, để tiêu chuẩn đó dành cho những người khó khăn hơn. Thật không ngờ, bây giờ vợ chồng tôi ở tuổi gần đất xa trời thì các cô các cậu ấy về đòi nhà, đòi đất.
Ông Đông nói tiếp: Ban đầu họ đề nghị hỗ trợ 300 triệu đồng để vợ chồng tôi chuyển đi, thương lượng mấy năm không thành lại đề nghị 800 triệu, rồi gần đây là 2 tỷ đồng. Miếng đất hiện giờ trị giá khoảng 18 tỷ, họ đều là những người thành đạt và có vị trí ở nước ngoài nhưng họ kỳ kèo trả giá mãi nên chẳng đặng thì đừng ở tuổi này chúng tôi còn phải ra đứng trước tòa.
Suốt cả buổi sáng, Hội đồng xét xử kiên nhẫn nghe đại diện nguyên đơn trình bày, đến đây đại diện Viện kiểm sát lên tiếng:
Đại diện Viện kiểm: Thế ông yêu cầu như thế nào?
Ông Đông: Gia đình tôi cả con lẫn cháu là hơn 10 người, tôi không cần ở Thành phố, chỉ mong mua được căn nhà ở ngoại thành để cả nhà chung sống. Tôi đã tham khảo nhiều nơi, ngôi nhà nhỏ đủ cho gia đình tôi sống khoảng 4 tỷ đồng.
Đại diện Viện kiểm sát quay sang luật sư của bị đơn: Phía bị đơn hỗ trợ tối đa được bao nhiêu?
Luật sư: Khoảng 2 tỷ.
Đại diện Viện kiểm sát (phân tích) Đất đai thì bao nhiêu cũng không đủ, nhưng theo tôi nghĩ mảnh đất 2 tỷ để cho 10 người ở cũng không dễ mua. Những người trong vụ án cũng chẳng phải người ngoài đều ruột già máu mủ cả, mấy chục năm tình nghĩa giờ cuối đời còn nhìn nhau. Luật sư có cần Hội đồng xét xử dừng phiên tòa để trao đổi với phía bị đơn thêm không?
15 phút trôi qua, luật sư trình bày:
Luật sư:  Thân chủ tôi cảm ơn thiện chí của Hội đồng xét xử, vụ án kéo dài 2 bên đều thiệt hại, thân chủ tôi đồng ý thương lượng thêm. Tuy nhiên, phía chúng tôi vẫn cho rằng yêu cầu 4 tỷ là quá cao so với giá trị ngôi nhà.
Ông Đông: “Dưới 4 tỷ gia đình tôi không chấp nhận”.
Đại diện Viện kiểm sát: “Tôi nghĩ phía bị đơn có thể hỗ trợ thêm một chút để gia đình bà Thu có chỗ ổn định cuộc sống, phía nguyên đơn cũng nên giảm một chút, cả hai đều khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình thì vụ án sẽ kéo dài hai bên đều thiệt hại, tình cảm mấy chục năm cũng không còn.
Sau khi nghe Hội đồng xét xử phân tích hai bên đồng ý dừng phiên tòa để tiếp tục thương lượng. Tuy nhiên, sau thời gian thương lượng, hai bên không đi đến thống nhất.
Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phân tích:
Về tính hợp pháp của di chúc: Di chúc của bà Thành phù hợp với quy định tại Điều 627, Điều 628 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể: di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực. Tuy nhiên, theo quy định tại 630 Bộ luật dân sự năm 2015 thì một di chúc được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (i) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật. (ii) Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. (iii) Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. (iv) Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện theo quy định nêu trên.
Từ những chứng cứ do các bên cung cấp, trong trường hợp này, di chúc của bà Thành do chính bà Thành viết và ký tên, phù hợp với quy định tại Điều 627, Điều 628 và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015. Như vậy, di chúc của bà Thành là hợp pháp.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng là tài sản riêng của người được thừa kế. Căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ có liên quan và lời khai của đại diện nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, ghĩa vụ liên quan, Tòa nhận thấy, mảnh đất tranh chấp rộng 70 m2 là tài sản riêng của bà Thành. Vì vậy, bà Thành có quyền sở hữu riêng tài sản này và có quyền định đoạt để lại thừa kế cho người khác mà không cần có sự đồng ý của chồng (chồng bà Thành là ông Sự đã chết trước bà Thành), hay các con.
Về nguyên tắc, các con của bà Thành đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Thành nếu di sản được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp này thuộc diện thừa kế theo di chúc do bà Thành đã lập di chúc để định đoạt di sản của mình (di chúc hợp pháp).
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, thì bà Thành có quyền quyết định người thừa kế theo di chúc của mình mà không phụ thuộc vào việc phải cho tất cả những người thân của mình được hưởng thừa kế. Tuy nhiên, trường hợp của người con út (17 tuổi là người chưa thành niên) thuộc diện được hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc (Điều 644), do đó, trường hợp bà Thành không cho người con út được hưởng thừa kế, thì người con út của bà vẫn được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật.
Theo định giá của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, thì mảnh đất 70m2 trị giá 18 tỷ vào thời điểm hiện tại. 06 người con của bà Thành, đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo luật. Vậy, bà Thu mặc dù được thừa kế toàn bộ mảnh đất theo di chúc, nhưng sẽ được hưởng thừa kế sau khi trừ đi giá trị phần di sản mà người thừa kế (con trai út của bà Thành là người chưa thành niên) không phụ thuộc vào nội dung di chúc được hưởng. Cụ thể phần di sản mà bà Thu được hưởng là 18 tỷ - {(18 tỷ/6) x 2/3} = 16 tỷ đồng. Con trai út của bà Thành là người chưa thành niên được hưởng trị giá 02 tỷ đồng.
Sau khi nghe Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa giải thích và tuyên án, các thành viên trong gia đình đều hiểu quy định của pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, quy định của pháp luật là vậy, nhưng trên tất cả là tình máu mủ, huyết thống, mỗi người hãy nhường nhịn nhau một chút thì giữ được tình cảm anh, em, lợi ích hài hòa, đạo lý vẹn toàn. Chỉ vì lợi ích trước mắt mà họ đánh mất một giá trị rất lớn là tình cảm anh, chị, em ruột thịt không gì có thể mua được.
Các tin đã đưa ngày: