Liên kết website

ĐÃ CÓ BẢN ÁN CỦA TÒA ÁN

29/12/2017

Theo bản án dân sự số 125/2016/DS-ST do Tòa án nhân dân huyện NM tuyên thì bà Phạm Nhật H có nghĩa vụ trả bà Hoàng Thanh D 106 triệu đồng từ năm 2016 đến năm 2017, nhưng kể từ đó đến nay, bà H chỉ trả cho bà D 13.000.000 đồng. Vào một buổi sáng tại nhà bà D.

Ông Th - chồng bà D: Bà D, vào đây tôi có chuyện cần hỏi.
Đang quét sân, bà D dựng chổi vào bờ tường vào nhà đon đả hỏi chồng:
Bà D: Ông có chuyện gì vậy?
Ông Th: Thế bữa trước tôi kêu bà sang bà H trả nốt tiền, để chuẩn bị cho vợ chồng thằng K về nhà mới đến đâu rồi?
Bà D: Tôi cũng có sang nhưng bà ấy kêu khó khăn quá, nói vợ chồng mình thư thư giúp, rồi bà ấy sẽ thu xếp trả.
Ông Th: Cái gì, lần nào sang cũng khất lần khất nữa. Đó bà thấy chưa, đồng môn của bà đó, tốt quá còn gì!
Bà D: Ô hay cái ông này, ai bảo tiền gửi ngân hàng lãi chẳng được bao, cho bà ấy vay chỗ quen biết, lãi xuất lại cao… mà bây giờ ông lại trách tôi.
Ông Th: Thế không phải bà ấy là bạn đồng môn đồng meo với bà hả?
Bà D: Thì bà ấy là bạn tôi nhưng quyết định cho vay là ở ông chứ.
Ông Th: Thôi, không nói nhiều nữa, bà sang ngay bên đấy đòi tiền về đây cho tôi. Không trả, bà cứ ngồi đấy cho tôi.
Bà D: Ông sang đi, chứ tôi có ngồi đấy thì cũng vậy thôi, rồi bà ấy lại khất cho mà xem.
Ông Th: Bà ấy không trả thì bà đừng về nhà này nữa.
Bà D: Ông… ông…, ối làng nước ơi, các con ơi, về đây xem ông ấy đuổi mẹ ra khỏi nhà này. Ối giời ơi là giời.
Vừa hay lúc đó, ông P – hòa giải viên tổ hòa giải thôn có việc đi ngang qua thấy vậy liền rẽ vào hỏi:
Ông P: Bà D, ông bà có chuyện gì to tiếng, khóc lóc vậy.
Bà D: Đấy, ông xem. Có mỗi việc bà H vay tiền chưa trả nên ra thế. Việc quyết định cho bà H vay tiền là ở ông ấy, giờ không đòi được ông ấy đổ lỗi cho tôi, còn đòi đuổi tôi ra khỏi nhà nếu không đòi được tiền về thì ông bảo… Vừa kể bà D vừa nức nở khóc.
Ông P: Kìa, ông Th, vợ chồng tình nghĩa bao năm, sao lại chỉ vì chuyện như vậy mà nỡ…
Ông Th: Tôi đâu có đuổi bà ấy đâu, tôi chỉ bảo bà ấy bao giờ đòi được tiền thì về chứ.
Ông P: Thì đó, có khác gì ông đuổi bà D nếu bà H không trả tiền. Ủa, sao tôi tưởng tòa án đã ra bản án yêu cầu bà H trả nợ cho ông bà, bà H đã trả đủ tiền rồi chứ.
Ông Th: Mới trả được 13 triệu đồng thôi ông ạ.
Ông P: Vậy sao? Vẻ ngạc nhiên ông P nói tiếp:
Ông P: Tôi thấy, tuần trước bà Ng ở thôn trên kể vừa bán cho bà H mảnh đất 250 m2 với giá 900 triệu đồng mà. Không có tiền trả nợ sao có tiền mua đất.
Ông Th: Thật vậy sao ông. Đấy, đấy bà thấy chưa, thật thà cho lắm vào. Sang ngay bên đấy đòi tiền về cho tôi.
Bà D: Thì tôi cũng sang mòn hết cả dép bà ấy mới trả cho từng ấy thôi. Không nhẽ giờ tôi sang ăn chực nằm chờ ở bên đó chắc?
Suy nghĩ một lúc, ông P nói:
Ông P: Tình hình này chắc bà H cố tình chưa muốn trả ông bà tiền như trước kia tôi hòa giải rồi. Thế từ khi tòa ra bản án, ông bà đã yêu cầu thi hành chưa?
Bà D: Yêu cầu thi hành án hả ông? Thế nghĩa là sao hả ông? Khi nghe Tòa tuyên án tôi có nghe láng máng nhưng không hiểu lắm.
Ông P: À, bữa trước tôi đi tập huấn về công tác hòa giải ở cơ sở. Sẵn có giảng viên là cán bộ tòa án, có một ông hỏi luôn về trường hợp của ông ấy nên tôi mới biết. Thôi, ông bà sang tôi, nhà tôi có máy tính kết nối mạng Internet, tôi tìm xem nó quy định ở đâu.
Ông Th, bà D và ông P cùng đi về nhà ông P.
Vốn là công chức nhà nước nghỉ hưu nay về tham gia công tác hòa giải ở cơ sở nên ông P không khó gì để tìm ra văn bản pháp luật quy định về việc thi hành án dân sự.
Ông P: Đây, đây rồi. Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi năm 2014.
Ông bà đã lần nào yêu cầu thi hành án chưa?
Ông Th, bà D: Chưa, ông ạ. Vợ chồng tôi cứ nghĩ là Tòa án đã giải quyết thì bà ấy sẽ trả tiền, ai ngờ… mà chúng tôi cũng chả biết phải làm thể nào để yêu cầu… yêu cầu thi hành án nữa.
Ông P: Vậy sao? Thế thì đây: khoản 1 Điều 30 quy định: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án… Tiện đây, tôi tìm luôn xem mẫu đơn yêu cầu cho ông bà về làm.
Ông Th: Vậy thì tốt quá còn gì bằng. Nhờ ông tìm và in giúp luôn để tôi về làm. Mà ông cũng tìm giúp xem nhà nước họ quy định phải gửi đơn ở đâu để tôi còn biết.
Ông P: Ông bà đợi tôi lát, rồi, Điểm a khoản 1 Điều 35 Luật quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở”.
Như vậy, trường hợp của ông bà, ông bà làm đơn yêu cầu gửi cơ quan thi hành trên huyện ấy.
Ông Th: À, thế thì tôi biết, Cơ quan thi hành án dân sự huyện nằm ngay cạnh Tòa án huyện ấy mà. Bữa trước đi qua tôi hãy còn nhớ.
Bà D: May quá, hôm nay gặp được ông, chứ không thì… Thôi, trời cũng trưa rồi, vợ chồng tôi xin phép về viết đơn để đầu giờ chiều ông nhà tôi lên huyện ngay gửi đi ngay.
Ông P: Ấy khoan đã, theo tôi, bây giờ tôi và bà D sang nhà bà H một lần nữa xem sao. Nếu bà H trả tiền thì tốt, vừa giữ được hòa khí đôi bên, lại đỡ mất tiền phí thi hành án dân sự. Ông bà thấy sao?
Ông Th: Cũng được. Phiền ông đi cùng bà nhà tôi sang bên đó lần nữa vậy.
Đến cổng nhà bà H, ông P cất tiếng gọi:
Ông P: Bà H có nhà không vậy?
Từ trong nhà, nghe có tiếng gọi mình, bà từ trong nhà đi ra H thưa:
Bà H: Có, ai gọi tôi vậy?
Thấy ông P, bà D, bà H vội mở cổng mời hai người vào nhà.
Sau khi đã yên vị, vừa đỡ cốc nước bà H mời, ông P nói:
Ông P: Thế này bà H ạ. Sáng nay, tình cờ tôi đi qua nhà bà D và... Vợ chồng bà D định chiều nay lên cơ quan thi hành án dân sự nộp đơn yêu cầu thi hành án nhưng tôi khuyên từ từ, sang bà để cùng nhau trao đổi trước. Dù sao cũng là chỗ bạn bè tình nghĩa bấy nhiêu năm, có vay có trả, mà bản án của Tòa án tuyên cũng đã có hiệu lực rồi.
Bà H: Thì tôi cũng tính trả tiền bà D nhưng kẹt nỗi, dạo này buôn bán khó quá, chả thấy lời lãi đâu cả.
Bà D chen ngang: Bà nói thể nào ấy chứ. Bà có tiền mua đất gần tỷ đồng của bà Ng, mà lại không có trăm triệu trả tôi sao. Bà mà cứ loanh quanh không trả tiền là tôi yêu cầu cơ quan thi hành án đấy. Đơn yêu cầu thi hành án tôi cũng đã in ra rồi đây này, chỉ còn điền thông tin vào nữa thôi. (vừa nói, bà D vừa đặt tờ đơn lên bàn trước mặt bà H)
Nghe đến đây, biết mình không thể trì hoãn việc trả tiền bà D được nữa, bà H nói:
Bà H: Tại tôi đã dồn hết tiền mua mảnh đất đó nên xin bà thư thư cho mấy bữa, tôi xoay sở chỗ khác rồi trả bà.
Bà D: Lại thư thư bữa khác. Tôi không biết đâu, bây giờ bà không trả tôi là chiều nay ông nhà tôi lên huyện nộp đơn đấy.
Bà H: Quả thực là hiện giờ trong nhà tôi không có đủ tiền mà. Bà H nhăn nhó nhìn ông P vẻ cầu cứu.
Ông P: Bình tĩnh nào bà D. Nói rồi ông quay sang hỏi bà H.
Ông P: Thế bà tính xem, hiện có thể trả bà D được bao nhiêu?
Bà H: 18 triệu ạ.
Ông P: Theo tôi thấy thế này: Bây giờ bà H trả bà D 18 triệu, rồi hạn trong 03 ngày tới bà H phải trả hết số tiền cho bà D, nếu 3 ngày nữa bà H không trả, lúc ấy bà D hãy nộp đơn cho cơ quan thi hành án. Hai bà thấy thế nào?
Thấy giải pháp đưa ra hợp lý, cả hai bà đều nhất trí tán thành. Trước sự chứng kiến của ông P, bà H và bà D đã ký biên nhận trả nợ 18 triệu đồng, cam  kết thời hạn trả hết số tiền còn thiếu. Sau khi bà D cầm tiền, ông P cười nói:
Ông P: Thế 3 ngày nữa, tôi có cần phải xuất hiện nữa không?
Bà H: Dạ, thôi không làm phiền ông nữa. Ba ngày nữa tôi sẽ trực tiếp mang tiền sang trả bà D. Tôi cũng vừa ký giấy rồi đó ông.
Để thay đổi không khí, ông P hỏi thăm về tình hình học tập của cháu Tr, con gái bà H. Vốn là niềm tự hào của cả gia đình, nên bà H hào hứng kể về việc học của con... và việc đòi tiền được chuyển sang một chủ đề khác một cách nhanh chóng và người kể, người nghe đều say sưa cuốn theo cho đến khi ông P có điện thoại của vợ gọi về ăn cơm trưa.
 
 
Các tin đã đưa ngày: