Liên kết website

THI HÀNH ÁN THẤU TÌNH, ĐẠT LÝ

29/12/2017

N.V Vinh và Lò Văn Khá là hàng xóm láng giềng của nhau. Do mâu thuẫn cá nhân, anh Vinh đã đánh anh Khá gãy tay. Tòa án nhân dân huyện C đã ra bản án số 18/2017/HSST ngày 01/5/2017 tuyên: N.V Vinh phạm tội: “Cố ý gây thương tích”, bị phạt 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng. Về phần dân sự, N.V Vinh phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho anh Khá 20 triệu đồng.

Theo yêu cầu của anh Khá, Chi cục Thi hành án dân sự huyện C ra quyết định thi hành án theo yêu cầu số 16/QĐ-CCTHADS ngày 02/7/2017 thi hành khoản tiền bồi thường đối với anh Vinh. Chấp hành viên đã tống đạt quyết định thi hành án hợp lệ cho các đương sự. Hết thời gian tự nguyện, Chấp hành viên phối hợp với Trưởng thôn đến nhà thực hiện việc thuyết phục, vận động anh Vinh và gia đình tự nguyện thi hành án.
CÁC NHÂN VẬT:
  •  Anh Hiếu – Chấp hành viên Thi hành án
  • Chị Dung – Thư ký Thi hành án
  • Ông Sầm – Trưởng bản
  • Vinh – Người phải thi hành án
  • Anh Khá – Người được Thi hành án
  • Ông Pha – Bố của Vinh
  • Bà Son – Mẹ của Vinh
 
[Ông Pha ngồi trầm ngâm bên bàn trà, đang châm điếu thuốc lào đưa lên miệng hút thì vợ ông – bà Son bước vào]
Bà Son: Ôi cha, trời nắng chi mà nắng khiếp!
[Bà Son đặt phích nước lên bàn, tay gạt mồ hôi trên trán, trách khéo chồng]
Bà Son: Ông hút ít thuốc thôi, hút nhiều ảnh hướng tới sức khỏe, rồi lại khổ thân tôi với con.
[Ông Pha đặt chiếc điếu cày xuống đất, rồi xua tay]
Ông Pha: Này, thế thằng Vinh đi đâu mà tôi không thấy nó?
Bà Son: Thằng Vinh á? Chắc nó đi đâu, một tý thôi ông ạ. Ông uống chén trà đi, tôi vừa mới hãm xong đấy.
[Ông Pha uống chén nước trà vợ ông mới rót. Vừa lúc đó, anh Vinh – con trai ông bà đội mũ phớt, đeo hai tai phone, nhún nhẩy bước vào nhà]
Bà Son: Vinh! Mày làm gì mà lắc lư như lên đồng thế hả?
[Nói rồi, bà Son đến lôi cái tai phone trên người Vinh ra]
Vinh: Mẹ này, con đang nghe nhạc hip hop.
Ông Pha: Hít với chả hốt, không có gì ăn thì cũng vứt hết.
Vinh: Bố này…
[Bà Son lắc đầu ngao ngán rồi đứng dậy đội nón đi ra ngoài sân; còn Vinh bỏ tai phone vào túi quần rồi ngồi xuống ghế]
Ông Pha: Bố mẹ đã nói mày không biết bao nhiêu lần rồi, mày phải đi tìm việc mà làm đi, hai thân già này không thể nuôi mày mãi được.
Vinh: Thì con cũng biết thế, con đang gặp mấy đứa bạn của con để bàn việc chứ con có lông bông nữa đâu mà bố mẹ phải lo nhiều.
[Hai bố con Vinh vừa dứt câu thì bà Son hốt hoảng chạy vào nhà]
Bà Son: Ông ơi! Có ai đến nhà ta đấy, tôi thấy đông lắm
Ông Pha: Bà bình tĩnh để tôi xem thế nào đã.
[Vinh lấp ló sau cánh cửa nhìn ra ngoài sân]
Vinh: Á, thằng Khá. Chắc nó rủ người nhà nó sang đòi tiền con, để con sống chết với nó một lần, đi tù cũng được.
[Nói rồi, Vinh chạy lại lấy chiếc điếu cày của bố dựng cạnh chân bàn, định chạy ra ngoài sân thì bị ông Pha cản lại]
Ông Pha: Dừng lại, tao nói mày dừng lại cơ mà.
[Từ phía ngoài sân, Chấp hành viên Thi hành án cùng Trưởng thôn- ông Sầm đã cất giọng đánh tiếng chào]
Trưởng thôn: Mọi người có ai ở nhà không?
Ông Pha: Chào Trưởng bản, chào các cán bộ!
Trưởng thôn: Xin chào ông bà Pha!
[Ông Pha bắt tay Trưởng bản và cán bộ rồi mời họ vào trong nhà, bà Son đon đả đi rót nước mời khách]
Ông Pha: Hôm nay, Trưởng bản dẫn cán bộ xuống nhà ta để xác minh hộ nghèo có phải không?
Trưởng thôn: Không, không! Gia đình ta làm gì có tên trong danh sách hộ nghèo? Xin giới thiệu với ông bà, đây là hai cán bộ đến từ cơ quan thi hành án huyện. Hôm nay, cán bộ đến đây làm việc về cái chuyện bồi thường của thằng Vinh và thằng Khá đó.
Bà Son: Ồ, vậy thì mời Trưởng thôn, mời cán bộ ngồi xuống đây uống miếng nước!
[Mọi người cùng ngồi xuống bàn uống nước, chỉ có Vinh là đứng phía sau ông Pha]
Anh Hiếu: Xin giới thiệu với gia đình, tôi là Nguyễn Văn Hiếu – Chấp hành viên, còn đây là đồng chí Phạm Thị Dung – Thư ký. Như bác Trưởng thôn đã nói, hôm nay chúng tôi đến đây để làm việc về việc bồi thường thiệt hại của anh Vinh nhà ta với anh Khá theo Bản án đã có hiệu lực pháp luật, sau đây xin mời đồng chí thư kí thông qua nội dung vụ việc.
Chị Dung: Tôi xin phép được thông qua nội dung vụ việc: Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2017/HSST ngày 01/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện thì anh Vinh phải bồi thường thiệt hại cho sức khỏe của anh Khá với số tiền là 20 triệu đồng. Theo Điều 45 Luật thi hành án dân sự, thời hạn thi hành án là 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ Quyết định thi hành án. Nhưng hôm nay, đã quá thời hạn tự nguyện thi hành án nên chúng tôi đến đây để xem xét cụ thể và có phương án xử lý.
[Anh Vinh đi lại phía sau bàn uống nước và lo lắng; bà Son thì đứng ngồi không yên sau khi nghe thông báo của cán bộ thi hành án]
Anh Hiếu: Anh Vinh, anh có ý kiến gì không?
Vinh: Tôi… tôi chưa nhất trí.
Anh Hiếu: Anh chưa nhất trí về việc gì?
Vinh: Tòa xử nhưng tôi chưa thấy thỏa đáng. Thằng Khá nó nhảy vào tôi trước, tôi đánh lại thì Tòa lại xử tôi án treo, lại còn bắt tôi phải bồi thường nữa… Tôi không nhất trí.
[Vừa nói, Vinh vừa chỉ tay lên trần nhà]
Anh Hiếu: Anh Vinh này, anh Khá anh ấy mới nhảy vào xô anh thôi, mà anh đã đánh anh ấy gãy tay phải đi điều trị ở bệnh viện. Tòa xử anh phải bồi thường như vậy là đúng với quy định của pháp luật rồi. Anh còn thắc mắc gì nữa.
Vinh: Tòa xử chưa đúng
[Vinh vẫn cố chấp chưa chịu nhận lỗi về mình, đúng lúc này thì ông Pha đứng lên có ý kiến]
Ông Pha: Việc thằng Vinh và thằng Khá đánh nhau tôi không biết, việc Tòa xử thằng Vinh phải bồi thường, ta cũng không biết. Thằng Khá bị gãy tay thì thằng Vinh sang nhà thằng Khá mà làm công cho nhà nó.
Bà Son: [Cũng nói thêm vào với chồng] Đúng rồi chứ.
Trưởng thôn: Ông Pha nói như thế là không được rồi, con dại thì cái mang.
Ông Pha: [Lớn tiếng] Mang gì mà mang, việc nó đánh nhau thì các ông phải đi hỏi nó chứ. Nó hai mấy tuổi rồi, tôi không còn trách nhiệm với nó nữa.
Anh Hiếu: Các bác bình tĩnh đi. Hai bác này, việc anh Vinh làm anh Vinh chịu là đúng rồi. Nhưng anh Vinh đang ở trong gia đình hai bác, cho nên cơ quan thi hành án đến tại gia đình ta để làm việc là đúng theo quy định của pháp luật. Còn việc hai bác bảo cơ quan thi hành án bắt anh Vinh đến nhà anh Khá để làm công trừ nợ là trái với quy định của pháp luật, cơ quan thi hành án chúng tôi không thể làm được đâu ạ.
Ông Pha: Cán bộ có nói nữa thì ta cũng không làm gì được đâu
[Ông Pha, bà Son vẫn nhất định không chịu phối hợp cùng cơ quan thi hành án]
Anh Hiếu: Hai bác này, anh Vinh nhà ta đã đánh anh Khá đến gãy tay phải đi viện điều trị dài ngày, công việc thì phải bỏ dở, hoàn cảnh gia đình anh Khá cũng rất khó khăn. Hai bác nhìn vào đấy cũng thấy thương anh Khá chứ? Nếu anh Vinh không bồi thường cho anh Khá ấy, thì không những ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của gia đình ta, mà còn trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm hương ước của làng ta đấy hai bác ạ.
Ông Pha: Lời cán bộ nói thì ta biết rồi. Thằng Vinh đã làm được gì đâu, bao nhiêu năm nay hai thân già này vẫn phải lo từng bữa ăn cho nó, chứ nó có mang ra được đồng nào cho cái nhà này đâu.
Anh Hiếu: Bác Pha này, tuy anh Vinh chưa đi làm nhưng cũng biết làm việc đồng áng, việc nhà đóng góp vào cho gia đình ta. Vì thế, hai bác cũng xem xét để hỗ trợ một phần nào đấy để bồi thường cho anh Khá. Còn nếu anh Vinh không bồi thường thì theo Điều 74 Luật thi hành án dân sự, sửa đổi, bổ sung năm 2014 và khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản tương ứng với phần đóng góp của anh Vinh vào gia đình đấy.
[Chị Dung nãy giờ ngồi ghi biên bản, cũng bổ sung ý động viên, thuyết phục người thực hiện thi hành án]
Chị Dung: Thưa hai bác, anh Vinh ạ, việc bồi thường của anh Vinh, gia đình ta nên giải quyết thế nào cho hợp tình, hợp lý. Vấn đề cưỡng chế cũng chỉ là việc bất đắc dĩ thôi. Mà theo Điều 73 Luật thi hành án dân sự thì người thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế rất nhiều.
[Anh Vinh nãy giờ nghe giải thích nhưng vẫn chưa chịu đồngý với việc thi hành án]
Vinh: Cưỡng chế à? Lấy gì ở ta mà cưỡng chế?
Bà Son: Lấy gì mà cưỡng với chả chế?
[Các cán bộ thi hành án vẫn rất kiên trì giải thích để anh Vinh và gia đình thực hiện]
Anh Hiếu: Anh Vinh nói như vậy là không đúng rồi. Qua xác minh của cơ quan thi hành án thì chúng tôi được biết, gia đình ta còn có 2 con trâu đấy chứ không phải là không có gì đâu. Mà 2 con trâu này anh Vinh đã chăn nuôi từ khi nó còn là nghé, giờ lớn như thế.
[Vinh vẫn tỏ vẻ chống đối]
Trưởng thôn: Vinh à, bác nghe tin cháu sắp lấy vợ phải không? Cháu đang có cái án treo trên đầu rồi mà cháu còn không chịu bồi thường cho người ta thì hỏi rằng, rồi đây bà con làng xóm sẽ nói gì về cháu? Thế rồi, bên nhà gái liệu họ có còn đồng ý gả con gái họ cho cháu nữa không? Cháu phải nghĩ lại đi cháu ạ. Thế rồi, vợ chồng cháu sẽ làm ăn công việc gì được với ai nữa.
Vinh: Cháu không sợ, lấy vợ xong cháu sẽ đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan, chứ ở nhà lấy cái gì mà nuôi gia đình hả bác.
Anh Hiếu: Anh Vinh này, theo Bộ luật hình sự về xóa án tích và Điều 16 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì nếu anh chưa nộp xong khoản tiền bồi thường cho anh Khá thì anh chưa thể xóa án tích và không thể đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài được đâu anh Vinh ạ.
Vinh: Thật vậy hả cán bộ?
[Vinh bắt đầu tỏ vẻ lo lắng]
Chị Dung: Đúng đấy anh Vinh ạ, văn bản pháp luật đây anh có thể tham khảo thêm [Chị Dung nói rồi đưa cuốn sách Bộ luật hình sự cho anh Vinh xem].
[Bà Son nãy giờ ngồi yên nghe cán bộ thi hành án phân tích, bà đã hiểu ra vấn đề, liền nói nhỏ với chồng]
Bà Son: Bố thằng Vinh này, tôi nghe cán bộ nói hợp tình hợp lý đấy chứ, tôi thấy cũng phù hợp. Giờ nhà mình không có tiền, hay ta bán bớt một con trâu đi để lấy tiền cho thằng Vinh bồi thường cho thằng Khá, ý ông thế nào?
Ông Pha: Nhưng bán trâu đi, ta lấy gì mà làm đồng.
Bà Son: Ừ thì nhà ta vẫn còn con nữa mà ông. Như cán bộ nói, theo pháp luật thì con trai mình sai rồi. Nếu nó không bồi thường thì sau này ảnh hưởng đến tương lai, công việc rồi vợ con nó nữa. Hơn nữa, nếu mà vì việc này mà gia đình ta lại tai tiếng một lần nữa thì không nên ông ạ. Thôi thì con dại cái mang ông ạ, phận cha mẹ chúng ta không thể làm ngơ được.
Ông Pha: Mẹ nó đã nói thế rồi thì ngày mai thằng Vinh dắt con trâu đực ra chợ bán rồi mang tiền nộp cho cơ quan thi hành án luôn đi.
Anh Hiếu: Gia đình ta chịu phối hợp với cơ quan thi hành án như vậy rất là mừng. Nhưng con trâu đấy bán được bao nhiêu tiền ạ?
Bà Son: Ô, trâu bán được nhiều tiền lắm
Ông Pha: Ừ thì khoảng 18 triệu đấy.
Anh Hiếu: Vậy thì vẫn chưa đủ số tiền phải bồi thường là 20 triệu đồng rồi thưa hai bác
Bà Son: Vậy thì gia đình ta chịu thôi, chúng tôi lấy đâu ra tiền nữa bây giờ
Vinh: Cán bộ à, bố mẹ tôi đã vì tôi mà phải bán trâu đi rồi, thôi cán bộ xem xét có thể hỗ trợ gia đình tôi được phần nào hay không?
Chị Dung: Bây giờ chỉ còn có một cách thôi ạ, đó là thỏa thuận với người được thi hành án thôi
Trưởng thôn: Vậy để ta đi gọi thằng Khá cho.
[Một lát sau bác Trưởng thôn đưa anh Khá– tay vẫn phải bó bột sang nhà ông bà Pha]
Anh Khá: Chào cán bộ, chào mọi người.
Bà Son: Ừ, chào cháu.
Anh Hiếu: Anh Khá ạ, hôm nay cơ quan thi hành án chúng tôi có tới nhà anh Vinh để thực hiện Quyết định của Tòa án về việc thi hành bồi thường thiệt hại cho anh. Sau quá trình động viên, thuyết phục thì gia đình ông Pha cũng đã nhận ra trách nhiệm đối với con cái là anh Vinh đây cũng đã nhận ra lỗi lầm của mình. Gia đình đã quyết định sẽ bán con trâu được 18 triệu, thôi anh nhận số tiền này để bù vào số tiền phải bồi thường, ý anh thế nào?
Anh Khá: Không không,Tòa đã xử thế rồi, tôi không đồng ý. Tôi lấy đủ số tiền 20 triệu như bản án đã tuyên.
Anh Hiếu: Anh Khá này, anh bình tĩnh đi. Vì tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, thôi anh nghĩ lại, gia đình và anh Vinh đã rất cố gắng và nhận lỗi rồi, anh nhận đi cho trọn vẹn nghĩa tình.
Anh Khá: Cán bộ đã nói thế rồi, hơn nữa nhà tôi với nhà bác Pha đây cũng cùng xóm với nhau nên tôi bằng lòng chấp nhận. Có điều, nhà tôi cũng chưa có trâu cày, nên gia đình không phải dắt trâu đi bán nữa cũng được. Tôi sẽ lấy con trâu đó và xem như việc thi hành án của anh Vinh với tôi là xong.
Vinh: [Lại gần anh Khá] Việc em làm anh đau em biết lỗi rồi. Em xin lỗi anh.
[Anh Khá gật đầu đồng ý]
Ông Pha: Cảm ơn cháu Khá, cảm ơn các cán bộ! Bây giờ thì gia đình tôi đã thông suốt hết rồi, mong cán bộ và cháu Khá đây thông cảm cho chúng tôi.
Trưởng thôn: Sự việc giải quyết như vậy có phải là thấu tình đạt lý không có chứ?
[Mọi người ai lấy đều vui vẻ và bắt tay nhau]
 
 
Các tin đã đưa ngày: