Liên kết website

CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY ƯỚC Ở KHU CHUNG CƯ

29/12/2017

Phân vai: - Bác Thành: Trưởng nhà chung cư H - Anh Mạnh: Cư dân nhà chung cư H.

Bối cảnh: Sáng sớm, tại công viên gần chung cư H. Bác Thành và anh Mạnh đi tập thể dục thì gặp nhau.
Anh Mạnh: Cháu chào bác Thành. Bác đi thể dục sớm thế?
Bác Thành: Mạnh à? Cháu đi đánh cầu lông đấy hả?
Anh Mạnh Vâng. Phải có tý thể dục, thể thao cho nó dẻo dai bác ạ. Với lại dạo này cháu cứ bị mất ngủ. Cứ khoảng 3h sáng là thức giấc
Bác Thành: Cháu còn trẻ thế đã trằn trọc gì mà không ngủ được?
Anh Mạnh: Nào cháu có trằn trọc gì đâu bác? Nhưng cháu phải cái thính ngủ. Dạo gần đây, cứ gần sáng lại có tiếng chó sủa râm ran, không biết hộ nhà ai nuôi chó. Bác có nghe thấy không ạ?
Bác Thành: Cháu nói bác mới nhớ, thỉnh thoảng bên nhà bác cũng nghe thấy. Mà bác tưởng ở chung cư thì không được nuôi chó mèo nhỉ.
Anh Mạnh: Có luật nào cấm đâu ạ. Nội quy của tòa nhà cũng không quy định. Gia đình nào thích thì họ cứ nuôi thôi bác ạ.
Bác Thành: Nhưng mà bác thấy cũng nhiều cái bất tiện. Tuy là quyền tự do của mỗi người, nhưng đã xác định ở chung cư thì cũng cần phải chú ý đến tập thể, vì cộng đồng một chút. Ví dụ tiếng ồn, vệ sinh, rồi cả việc đưa chó, mèo vào thang máy. Khu mình nhiều trẻ nhỏ, chó, mèo đi chung thang máy với người, nhiều lúc không tránh khỏi nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu nhỏ.
Anh Mạnh: Cháu thấy khu mình còn nhiều vấn đề lắm: nào là xe cộ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vân vân và vân vân. Pháp luật, nội quy là một chuyện, cháu thấy quan trọng là dân mình chưa tự giác đấy bác ạ.
Bác Thành: Ừ, bác cũng đang định hôm nào họp các trưởng, phó tầng đưa ra đề xuất xây dựng một quy ước chung cho tổ dân phố để thỏa thuận hết các vấn đề chung này thì khu mình mới đi vào quy củ được.
Anh Mạnh: Quy ước? Như hương ước của các làng ngày xưa ấy hả bác? Nhưng khu mình là khu chung cư mới, có được xây dựng quy ước không?
Bác Thành: Sao lại không được xây dựng quy ước? Bác được đi tập huấn về Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 ở quận thì được biết: Quy định, hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố là một nội dung của dân chủ, thuộc nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định. Khu chung cư của mình đã thành lập được tổ dân phố. Nếu có nhu cầu thì hoàn toàn có thể xây dựng quy ước.
          Anh Mạnh: Vậy hả bác? Nhưng không biết nội dung quy ước được quy định về những vấn đề gì?
Bác Thành: Thì những vấn đề mang tính chất tự quản chung của khu chung cư, đơn giản như việc nuôi gia súc, gia cầm; việc sử dụng thang máy; giữ gìn trật tự nhà để xe; quan hệ hàng xóm láng giềng…Rất nhiều vấn đề có thể thỏa thuận.
Anh Mạnh: Cháu thấy hay đấy bác ạ. Bác cứ nêu vấn đề này ra tại cuộc họp nhà chung cư mình đi ạ. Cháu sẽ đưa vấn đề này lên nhóm facebook của chung cư để thăm dò ý kiến cư dân. Mọi người cùng thảo luận nhất định sẽ có nhiều ý tưởng, nội dung hay.
Bác Thành: Đúng đấy. Cháu lấy ý kiến đi rồi tập hợp kết quả để bác báo cáo bác Thủy - Tổ trưởng tổ dân phố, nếu nhận được sự đồng thuận của cư dân sẽ cho triển khai sớm.
Anh Mạnh: À vừa rồi, bác nói quy ước phải được nhân dân biểu quyết thông qua. Pháp luật có quy định tỷ lệ bao nhiêu % cư dân đồng ý thì được thông qua quy ước không bác?
Bác Thành: Có chứ. Theo quy định, nội dung của hương ước, quy ước được thông qua khi có 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.
Anh Mạnh Thế lại phải tổ chức họp toàn thể cư dân của Tổ dân phố à bác? Cháu thấy khó đấy. Như lần trước họp bầu Tổ trưởng, cả bác Tổ trưởng dân phố và bác Trưởng Ban Công tác Mặt trân Tổ dân phố động viên, đôn đốc từng hộ đi họp mới đông đủ. Tuy có một tòa nhà thôi nhưng số hộ của mình cũng đông, họp được là cả vấn đề đấy.
Bác Thành: Có hai cách thức tổ chức để nhân dân bàn và biểu quyết. Ta có thể tổ chức họp hoặc có thể phát phiếu lấy ý kiến đến tới từng hộ gia đình, sau đó tổng hợp kết quả.
 Anh Mạnh: Ôi, nếu có thể thống nhất bằng phiếu lấy ý kiến thì cháu nghĩ là làm được. Sau khi nhân dân thông qua quy ước là có thể thực hiện ngay hay phải làm thủ tục gì nữa không bác?
Bác Thành: Có chứ. Sau khi có kết quả nhân dân bàn, biểu quyết thông qua hương ước, quy ước, Tổ trưởng Tổ dân phố phải báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân phường để làm thủ tục trình Ủy ban nhân dân quận ra quyết định công nhận thì mới có giá trị thi hành.
Anh Mạnh: Cũng nhiều thủ tục bác nhỉ?
Bác Thành: Thời hạn cũng nhanh gọn lắm. Theo quy định thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Tổ trưởng Tổ dân phố, Ủy ban nhân dân phường phải lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân quận. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân phường, Ủy ban nhân dân quận phải xem xét, ra quyết định công nhận. Thủ tục đó nhằm bảo đảm để nội dung của quy ước không trái pháp luật, trái đạo đức, bảo đảm được xây dựng dân chủ, tự nguyện. Hơn nữa, khi được Ủy ban nhân dân quận công nhận chẳng phải việc thực hiện bản quy ước của chúng ta sẽ có hiệu lực hơn sao?
Anh Mạnh:Vậy thì tốt quá bác nhỉ! Có quy ước rồi cháu tin khu chung cư mình sẽ đi vào nề nếp, an ninh trật tự cũng được đảm bảo hơn, tình cảm giữa các hộ dân sẽ càng thêm gắn bó. Bác cháu mình phải đề xuất để triển khai ngay thôi ạ.
Bác Thành: Đúng là tuổi trẻ. Làm cái gì cũng xông xáo. Tinh thần thế mới tốt. Phải triển khai ngay!
Cả hai người cùng cười lớn.
Văn bản pháp luật sử dụng: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Điều 13. Những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết
1. Hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố.
2. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
3. Bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Điều 14. Hình thức nhân dân bàn, biểu quyết
1. Nhân dân bàn và biểu quyết những nội dung quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh này bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố;
b) Phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.
2. Trường hợp tổ chức họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình thì việc biểu quyết được thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín; hình thức biểu quyết do hội nghị quyết định; nếu số người tán thành chưa đạt quá 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố thì tổ chức lại cuộc họp.
3. Trường hợp không tổ chức lại được cuộc họp thì phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình, trừ việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
Khoản 1 Điều 15. Giá trị thi hành đối với những việc nhân dân bàn, biểu quyết
“Đối với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh này, nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì có giá trị thi hành sau khi ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) ra quyết định công nhận.”
Khoản 1 Điều 16.
 Việc công nhận hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố được thực hiện như sau:
a) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm báo cáo ngay với Uỷ ban nhân dân cấp xã kết quả việc nhân dân bàn, biểu quyết;
b) Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải lập hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện;
c) Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải xem xét, ra quyết định công nhận; trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Các tin đã đưa ngày: