Liên kết website

CON DẠI CÁI MANG

29/12/2017

Gia đình anh Lực, chị Hiền kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng. Cháu Kiên là con của hai anh chị năm nay học lớp 6. Vì công việc kinh doanh cuối năm rất bận rộn nên hai anh chị không quan tâm sát sao đến cậu con trai duy nhất của mình. Mãi đến khi có người nói với anh chị thì thì mới tá hỏa ra là Kiên đã tự ý bán chiếc xe đạp (món quà mà hai anh chị đã mua cho cháu hồi đầu năm học mới) cho ông Tiến - chủ quán cầm đồ ở đầu phố với giá 1.200.000 đồng. Sau khi biết chuyện, anh chị đã hỏi han, tìm hiểu ngọn ngành nguyên nhân và sau đó cùng cả cháu Kiên đến nhà ông Tiến để chuộc chiếc xe đạp về.

Anh Lực, chị Hiền: Chào anh Tiến, hôm nay nhà tôi và cả cháu Kiên đến đây là muốn chuộc lại chiếc xe đạp mà cháu Kiên nhà tôi đã bán cho anh mấy hôm trước. Bác thông cảm, cuối năm nhà tôi bận rộn quá nên cháu tự ý bán cho bác khi không hỏi ý kiến chúng tôi.
Ông Tiến (tỏ vẻ bực bội): Cái anh chị này hay thật, “tiền trao, cháo múc” rồi, nó đã bán cho tôi rồi, tôi đưa tiền cho nó rồi, hà cớ gì hôm nay anh chị lại đến đây đòi lại tôi? Thằng Kiên đâu, mày nói đi. Có phải hôm trước hai chúng ta đã thỏa thuận hết rồi đúng không?
Kiên (lý nhí, sợ sệt): Dạ, cháu xin lỗi, tại hôm đó cháu cần tiền quá...
Ông Tiến: Á, à, mày định giở trò lật lọng à. Mày có nhớ hôm đấy mày năn nỉ  với tao như thế nào không, mà hôm nay lại bày trò đòi lại? Mày cần tiền làm cái gì, tao biết thừa mấy cái thằng học sinh như mày, cần tiền để chơi game chứ gì???
Anh Lực: Bác nghe em nói. Sau khi biết chuyện, em cũng đã hỏi rõ ngọn ngành cháu Kiên nhà em rồi. Em cũng đã phân tích, mắng cháu. Cuối năm gia đình em bận quá, cũng xin tự nhận là nhà em có lỗi khi đã không quan tâm sát sao đến cháu. Đúng là dạo này nó có ham mê chơi điện tử thật, nó bán cho bác chiếc xe này đúng là như lý do bác vừa nói.
Ông Tiến: Đấy, tao có nói sai cái gì đâu...
Anh Lực: Hôm nay nhà em thiện chí đến đây, mong bác cho gia đình em được chuộc lại chiếc xe mà cháu Kiên đã lỡ dại bán cho bác. Em sẽ hoàn lại cho bác đúng số tiền hôm trước mà bác đã đưa cho cháu Kiên nhà em...
Ông Tiến: ...Ừm, thôi được. Nể tình anh chị hàng xóm láng giềng với nhau, tôi đồng ý cho chuộc lại chiếc xe đạp. Tuy nhiên, ngoài số tiền 1.200.000 đồng hôm trước mà tôi đã đưa cho con anh chị ra thì anh chị phải đưa thêm cho tôi 700.000 đồng...
Chị Hiền: Bác nói cái gì? Tại sao chúng tôi phải đưa thêm cho bác 700.000 đồng nữa?
Ông Tiến: Số tiền đó là vì tôi đã thay một số phụ tùng của xe và sửa chữa, tân trang thêm xe. Chiếc xe cũng không mới mẻ gì đâu thưa với anh chị...
Chị Hiền (tức giận): Bác nói thế mà nghe được à, vợ chồng tôi mới mua cho nó mới được vài tháng nay, xe vẫn còn mới như thế kia. Bác định lừa chúng tôi mà tưởng dễ như vậy à?
Ông Tiến: Ơ cái cô này, cô ăn nói cho cẩn thận. Liệu mà về dậy con đi... Thôi không có chuộc chiếc gì ở đây nữa. Tôi nói cho cô biết, việc mua bán giữa tôi và con nhà anh chị là hoàn toàn tự nguyện, tôi không có sai điều gì cả. Nể tình tôi mới quyết định cho nhà chị chuộc lại mà chị lại nói thế. Tôi quyết định không cho nhà anh chị chuộc lại nữa...
Anh Lực: Bác bình tĩnh, nhà em nóng giận mới nói thế thôi. Thôi em nói thế này bác thấy có được không, bác cho nhà em chuộc lại chiếc xe. Ngoài số tiền 1.200.000 đồng mà cháu Kiên nhà em đã nhận, em sẽ thêm cho bác 200.000 đồng nữa có được không?
Hai bên lời qua tiếng lại và kết quả là ông Tiến vẫn một mực cho rằng giao dịch mua bán giữa mình và cháu Kiên là hoàn toàn tự nguyện, không bị pháp luật cấm. Anh Lực chị Hiền thì cho rằng, cháu Kiên mới có 12 tuổi nên việc mua bán mà không được sự đồng ý của cha mẹ thì không được pháp luật công nhận. Việc ông Tiến đòi hỏi thêm số tiền 700.000 để chuộc chiếc xe là hết sức quá đáng. Không ai chịu ai, nên Lực và chị Hiền về nhà.
Tại nhà anh Lực, chị Hiền
Chị Hiền (nói với chồng): Anh ạ, chắc mình phải ra Tòa kiện cho ông Tiến này biết phải trái đúng sai thế nào... Có thay thế sửa chữa cái gì đâu mà những 700.000 đồng nữa. 200.000 như anh nói là đã quá lắm rồi mà vẫn còn không chịu?
Anh Lực: Em cứ bình tĩnh đã, cứ như thế thì cũng có giải quyết được cái gì đâu? Còn nhiều cách giải quyết nữa chứ cái gì cũng ra Tòa chắc gì đã tốt đâu.
Chị Hiền: Anh nghe ông Tiến nói thế mà vẫn còn bình tĩnh được à. Anh nói đi, không ra Tòa thì làm cách nào mà đòi được chiếc xe đạp về đây?
Anh Lực: Anh nghĩ rồi, anh tính thế này. Anh định sang nhờ bà Hòa – Tổ trưởng tổ hòa giải của tổ dân phố mình để nhờ bác ấy hòa giải giúp. Hôm trước vợ chồng nhà thằng Long bên kia đường có mâu thuẫn, xích mích, cứ tưởng bỏ nhau đến nơi mà nhờ bác ấy hòa giải cho giờ lại bình thường rồi đấy. Ra Tòa vừa tốn kém, vừa mất thời gian, lại chẳng còn tình nghĩa gì nữa. Em thấy có được không?
Và thế là anh Lực, chị Hiền quyết định sẽ nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ. Anh chị cùng sang nhà bà Hòa trình bày vụ việc đã xảy ra. Nhận được lời đề nghị, bà Hòa đã tìm hiểu sự việc; sau đó bà mời anh Lực, chị Hiền và ông Tiến đến nhà bà để tiến hành hòa giải.
 Tại nhà bà Hòa, hai bên đều có mặt đầy đủ và trình bày vụ việc đã xảy ra.
Ông Tiến (nói với bà Hòa): Chị nói xem, từ đầu tôi đã định để anh chị này chuộc lại chiếc xe đạp rồi. Tôi cũng chỉ muốn bù đắp lại một ít chi phí mà tôi đã bỏ ra sửa chữa, thay thế phụ tùng chiếc xe thôi mà chị Hiền lại bảo tôi là lừa chị ta. Nói thế thử hỏi chị nghe được không?
Chị Hiền (nổi nóng): Cháu Kiên nhà em năm nay mới 12 tuổi. Em đã tìm hiểu rồi, trong trường hợp này, việc mua bán giữa bác Tiến và con em cho dù có thỏa thuận, tự nguyện đi chăng nữa thì cũng không được công nhận, phải không bà Hòa?
Bà Hòa: Anh, chị cứ bình tĩnh, hôm nay mọi người có mặt ở đây, nhờ tôi hòa giải. Các anh chị trình bày đúng sự thật và nguyện vọng của mình. Hàng xóm với nhau, đừng vì chuyện bé cỏn con mà mất hết tình nghĩa. Anh Lực và chị Hiền đã đến nhà tôi trình bày vụ việc và nhờ tôi hòa giải giúp. Hôm nay tôi mời mọi người đến đây để tiến hành hòa giải. Căn cứ nội dung vụ việc thì tôi thấy trường hợp này thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.
Anh Lực: Mong bác công bằng, phân tích và hòa giải vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Em cũng không muốn vì chuyện non nớt của con trẻ mà làm mất đi tình nghĩa xóm giềng?
Bà Hòa: Anh Lực nghĩ như thế là đúng đó… (Bà quay sang ông Tiến và nói): Anh Tiến này, theo như tôi nghe hai bên trình bày từ nãy tới giờ thì tôi hiểu rằng, mâu thuẫn chính trong vụ việc đó là việc anh thực hiện giao dịch dân sự (mua chiếc xe đạp đối với cháu A mới 12 tuổi – là người chưa thành niên) khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ cháu là anh Lực, chị Hiền đây. Theo tôi, hai bên cần bình tĩnh, để tôi phân tích thêm một số quy định của pháp luật liên quan trong trường hợp này cho các anh, chị hiểu rõ thêm nhé!
Chị Hiền (sốt sắng): Em nói việc mua bán chiếc xe đạp giữa con em và anh Tiến là không hợp pháp có đúng không bác?
Hòa (mở Bộ luật Dân sự năm 2015 và nói): Việc anh Tiến mua xe của cháu Kiên đúng là không phù hợp với quy định của Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015[1], bởi đã vi phạm quy định về chủ thể tham gia giao dịch. Bộ luật này quy định: “khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 125”.
Anh Lực: Khoản 2 Điều 125 quy định như thế nào hả bác?
Bà Hòa: Khoản 2 Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một số trường hợp mà giao dịch dân sự của người chưa thành niên xác lập nhưng không bị vô hiệu như nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó; giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ hoặc giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
Chị Hiền: Như vậy em hiểu đúng pháp luật đúng không bác?
Ông Tiến: Tôi không quan tâm, tôi chỉ biết là thuận mua vừa bán, chúng tôi đã thỏa thuận với nhau, không có chuyện vô hiệu vô hiếc gì ở đây cả!
Bà Hòa: Anh Tiến nói thế là không được, chúng ta phải tuân thủ pháp luật. Việc làm của anh sẽ phù hợp khi không thuộc một trong các trường hợp bị pháp luật cấm. Theo quy định trên, giao dịch giữa anh và cháu Kiên sẽ bị vô hiệu, quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được giải quyết dựa trên căn cứ quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015[2], theo đó các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Ông Tiến: Thế chi phí mà tôi bỏ ra để sửa chữa, thay thế phụ tùng chiếc xe đạp thì tính sao đây?
Bà Hòa: Theo quy định của pháp luật, anh Tiến phải trả lại chiếc xe đạp cho anh Lực, chị Hiền là bố mẹ cháu Kiên. Anh Lực, chị Hiền có nghĩa vụ trả lại anh Tiến số tiền là 1.200.000 đồng. Vì anh Tiến đã bỏ ra một phần chi phí để sửa chữa, thay thế phụ tùng cho chiếc xe, nên anh Lực chị Hiền cũng phải hoàn trả cho anh Tiến khoản tiền đó.
Anh Lực (nói với ông Tiến): Hôm trước bác bảo chi phí bỏ ra là 700.000 đồng, theo em thấy là không hợp lý. Nhà em vừa mới mua chiếc xe đạp này cho cháu nhân dịp cháu vào năm học mới được có 3,4 tháng nay, xe vẫn còn mới chưa phải thay thế cái gì. Bác xem thế này có được không? Ngoài số tiền 1.200.000 đồng ra, gia đình em sẽ đưa thêm cho bác 300.000 đồng nữa, coi như là bù đắp chi phí đó, bác xem có được không?
Bà Hòa: Tôi thấy mức đó là hợp lý rồi đó. Ông bà ta đã có câu “Không tham của người”, “Con dại cái mang”, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là vì thế. Cùng là hàng xóm, đầu ngõ cuối ngõ, tuân thủ các quy định pháp luật để giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý. Anh Tiến và nhà anh Lực, chị Hiền thấy thế nào?
Ông Tiến (quay sang nói với bà Hòa): Thôi, nể bà, bà đã nói thế thì tôi đồng ý. Cuối cùng, ông Tiến đồng ý trả lại chiếc xe đạp mà ông đã có giao dịch mua bán với cháu Kiên. Anh Lực và chị Hiền đồng ý trả cho ông Tiến số tiền 1.500.000 đồng, trong đó 1.200.000 đồng tiền mà ông Tiến đã đưa cho cháu Kiên và 300.000 đồng chi phí sửa chữa thêm. Hai bên đạt được thỏa thuận và thiện chí thực hiện.
Văn bản sử dụng:
1. Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành
2. Bộ luật dân sự năm 2015:
- Điều 125. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
“1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:
a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.”
- Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
 
 
 
Các tin đã đưa ngày: