Liên kết website

QUYỀN GIÁM SÁT CỦA NHÂN DÂN

29/12/2017

Phân vai: - Ông Can: Tổ trưởng tổ dân phố - Bà Mai, anh Tuấn: người dân - Bà Bích: Trưởng Ban Thanh tra nhân dân - Ông Lý: Chủ đơn vị thi công

Cảnh 1: Trước cửa nhà ông Tổ trưởng Tổ dân phố
Bà Mai: Ông Can! Ông Can ơi!
Ông Can (từ trong nhà đi ra): Ai đấy?... Bà Mai à, có việc gì không bà?
Bà Mai: ông ra trước cửa nhà tôi mà xem, đang cãi nhau rồi đây này
Ông Can (giọng sốt sắng): Ai với ai ?
 Bà Mai: Thì tay Lý chủ xây dựng với cả mấy hộ dân trong ngõ 236 nhà tôi. Vẫn là đoạn đường bê tông kết hợp hệ thống thoát nước mà chủ trương cả nhà nước và nhân dân cùng làm đấy. Thôi ông theo tôi nhanh đi không lại cãi nhau to đây này.
 Ông Lý (với lấy chiếc áo khoác): Mình đi đi
Cảnh 2: Tại ngõ 236, ông Lý – chủ đơn vị thi công đang tranh cãi với người dân trong ngõ. Ông Can và bà Mai đến đã thấy cãi nhau
 Ông Lý: Bà là ai mà bà nói nhiều thế hả? bà xây hay chúng tôi xây?
Bà Bích: Tôi là Trưởng ban Thanh tra nhân dân, các anh là người xây nhưng chúng tôi có quyền giám sát, có quyền lên tiếng khi các anh làm sai. Vì đây là đường dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến từng hộ dân, công trình này cả nhà nước và nhân dân cùng làm thì nhân dân phải biết các anh đang làm gì chứ.
Ông Can: Có chuyện gì đấy các cô chú?
 Bà Bích: Bác ạ, mấy hôm nay người dân trong ngõ phát hiện đội xây dựng của ông Lý đây làm việc gian dối, rút ruột công trình xây dựng.
Ông Lý: này, này, bà đừng có vu oan giá họa, chúng tôi làm theo thiết kế hẳn hoi.
Anh Tuấn: Không phải chúng tôi đổ oan đâu. Từ hôm các ông làm ở đây chúng tôi đã quan sát thấy các ông trong quá trình thi công còn làm hỏng hệ thống thoát nước của các hộ dân, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là đường mương hai bên rãnh cống từ đoạn nhà anh tôi đến nhà chú Khải khoảng 100m các anh làm sắt một bên phi 6, một bên phi 8. Đấy không rút ruột công trình thì là gì?
 Ông Lý: Các ông, bà lấy bằng chứng đâu mà nói chúng tôi rút ruột. Mà thôi, tôi không đôi co với các ông, bà. Đã thế, hôm nay chúng tôi nghỉ. (Quay lại bảo với công nhân): Các anh em, đi về.
Bà Bích: Chúng tôi sẽ phản ánh lên phường để có biện pháp xử lý với các ông.
 Ông Lý: bà muốn lên đâu thì lên, tôi làm theo thiết kế chả sợ thằng nào.
Ông Lý và đội thợ ra về, mọi người vào nhà bà Bích ngồi
Anh Tuấn: Theo em nghĩ, bây giờ chúng ta sẽ viết đơn phản ánh lên phường đề nghị giải quyết. Việc xây dựng hệ thống cống thoát nước nếu không cẩn thận sẽ gây ngập úng vào mùa mưa chứ chẳng chơi đâu.
 Ông Can: Phải làm đơn chứ, việc này không thể ngưng trệ được, tôi còn nhớ rõ là hôm họp tổ dân phố, đại diện phường có phổ biến trước nhân dân theo thiết kế sẽ phải bóc nền đường cũ với độ sâu 0,5m để chuyển đi, đối với hệ thống cống rãnh thoát nước sẽ được nạo vét bùn, thay thế các tấm đan bị hỏng. Chứ cô chú nhìn xem, mới làm mà như này thì ẩu quá, ai lại không nạo vét bùn, để dồn ứ lên vừa hôi tanh vừa không có nơi thoát nước, thế này bảo sao mùa mưa nước cứ ngập hết cả ngõ. Chưa kể, mấy cái nắp cống công nhân đổ ở ngõ bên nữa, mỏng lắm, tôi sợ xe cộ đi lại vài lần là có vấn đề ngay. Chứng tỏ là cái đội này không làm đúng thiết kế rồi. Tôi phải làm ra nhẽ chuyện này mới được.
Anh Tuấn: Nhân tiện, các bác cho em hỏi, pháp luật có quy định người dân mình được quyền giám sát không hả bác?
Bà Bích: có chứ chú. Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định rõ: Nhân dân được quyền giám sát nhiều hạng mục, trong đó có các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn xã, giám sát việc quản lý quỹ do nhân dân đóng góp.
 Anh Tuấn: Vậy ạ. Thế mình phải làm đơn thôi bác ạ. Bỏ qua chuyện này khác nào mình tiếp tay cho hành vi tham nhũng.
Ông Can: anh nói đúng, bây giờ chúng ta viết đơn luôn rồi hỏi ý kiến bà con trong ngõ xem có ai đồng ý thì ký vào đơn để gửi lên phường cho kịp thời.
(Bà Bích chuẩn bị giấy bút, cả 3 người cùng ngồi thảo luận viết đơn phản ánh)
Văn bản pháp luật sử dụng: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007
Điều 23. Những nội dung nhân dân giám sát
Nhân dân giám sát việc thực hiện các nội dung quy định tại các điều 5, 10, 13 và 19 của Pháp lệnh này.
            Điều 5. Những nội dung công khai
1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ph­ương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã.
2. Dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân.
4. Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp.
5. Chủ trư­ơng, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo đư­ợc vay vốn phát triển sản xuất, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế.
6. Đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp tới cấp xã.
7. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, của cán bộ thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.
8. Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã mà chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh này.
9. Đối tư­ợng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu.
10. Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện.
11. Những nội dung khác theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.
Điều 10. Nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp
Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ tr­ương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư­ phù hợp với quy định của pháp luật.
            Điều 13. Những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết
1. Hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố.
2. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
3. Bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Điều 19. Những nội dung nhân dân tham gia ý kiến
1. Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; ph­ương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành nghề của cấp xã.
2. Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã.
3. Dự thảo kế hoạch triển khai các ch­ương trình, dự án trên địa bàn cấp xã; chủ tr­ương, phư­ơng án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư­; ph­ương án quy hoạch khu dân cư­.
4. Dự thảo đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp đến cấp xã.
5. Những nội dung khác cần phải lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.
 
Các tin đã đưa ngày: