Liên kết website

HIỂU BIẾT VẪN HƠN

29/12/2017

Cứ cuối tuần, mọi người trong xóm lại tụ tập lại tập thể dục cùng nhau.Qua các buổi tụ tập thì mọi người cũng nói chuyện, bàn tán về nhiều chuyện xung quanh các vấn đề trong cuộc sống.

Hôm nay, đang nói về chuyện các quy định của pháp luật hiện nay rất nhiều, các bác nói rằng không thể biết hết được.
Có bác bảo rằng: “Những luật nào có các quy định liên quan đến cuộc sống hàng ngày của mình thì tôi còn quan tâm, biết đôi chút, chứ có những luật về chuyên ngành thì tôi cũng không tìm hiểu kỹ vì cũng có nhiều ngôn ngữ chuyên ngành, cũng khó hiểu”.
Một cô khác thêm vào: Bây giờ thời đại công nghệ thông tin, muốn tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề gì chúng ta có thể vào máy tính, điện thoại có mạng để tìm hiểu. Nhưng cho tôi hỏi, tôi có nghe thời sự nói về văn bản quy phạm pháp luật, tôi chưa hiểu là cái gì, bình thường chỉ nghe là Luật, văn bản pháp luật thôi chứ văn bản quy phạm pháp luật là cái gì các bác nhỉ.
Chị K – người đang công tác trong lĩnh vực pháp luật giải thích thêm: Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và được Nhà nước bảo đảm thực hiện bác ạ.
Một bác hỏi tiếp: Chắc chỉ có cơ quan trung ương mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật thôi cô nhỉ?
Chị K (vừa trả lời vừa tìm kiếm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên điện thoại): Đây rồi, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định rất rõ. Theo quy định tại Điều 4 Luật này thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Các bác xôn xao bàn tán: ôi, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật thế à, cứ tưởng có mỗi luật thôi đấy. Thế ra, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã cũng được ban hành văn bản quy phạm pháp luật cơ đấy.
Chị X: Vâng. Theo quy định tại Điều 30 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.
Những vấn đề nào chúng ta quan tâm và liên quan đến cuộc sống của mình thì chúng ta nên tìm và đọc các quy định của pháp luật để tìm hiểu và thực hiện cho đúng các bác ạ. Một mặt là chúng ta tìm hiểu pháp luật để áp dụng vào cuộc sống, mặt khác là để biết quyền và nghĩa vụ của mình được pháp luật quy định như thế nào, giám sát xem chính quyền địa phương đã thực hiện đúng chưa để có ý kiến, bảo vệ quyền của mình các bác ạ.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 142 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, của Nhân dân tại các thôn, làng, buôn, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố về dự thảo nghị quyết, dự thảo quyết định bằng các hình thức thích hợp.
Do đó, các bác cũng chú ý tham gia ý kiến nếu có liên quan đến quyền và nghĩa vụ mình, để đảm bảo quyền, lợi của mình và quyền lợi chung của xã hội các bác ạ.
Mọi người: cô nói phải lắm. Nay phải thường xuyên xem thời sự, đọc báo, nghe đài để nghe ngóng thông tin thôi. Lâu nay chúng tôi cứ nghĩ đơn giản, việc xây dựng pháp luật là của cơ quan nhà nước, của cấp trên chứ không nghĩ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình như vậy.Chúng tôi sẽ để ý và có ý kiến nếu có liên quan đến chúng tôi.
Các tin đã đưa ngày: