Liên kết website

VUI BUỒN CHUYỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

29/12/2017

Trong buổi sinh hoạt Chi bộ thôn X cuối năm, ông Nguyễn Văn K là Trưởng thôn được giao nhiệm vụ quán triệt, phổ biến đến toàn thể đảng viên trong thôn về một số nội dung xây dựng nông thôn mới, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Ông K phổ biến hơn một giờ đồng hồ về nội dung xây dựng nông thôn mới:
Kính thưa đồng chí Trần Văn B - Bí thư Chi bộ, thưa toàn thể các đồng chí, sau đây tôi xin phổ biến đến các đồng chí nội dung về xây dựng nông thôn mới:
“Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ngày 5 tháng 8 năm 2008).
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 4 tháng 6 năm 2010, đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai thực hiện bên cạnh những thành tựu to lớn mà nó mang lại thì ở đâu đó, ở một số địa phương nào đó đã xuất hiện những bất cập khiến người nông dân dở khóc, dở cười.
Thật vậy, chỉ cách đây vài tháng, có sự việc gây xôn xao dư luận cả nước, đó là việc một vị cán bộ xã đã phê vào sơ yếu lý lịch của cháu học sinh mang đầy tính chất không thiện chí, nó ảnh hưởng xấu tới con đường tương lai của cháu chỉ vì lời nhận xét mang đầy màu sắc phê bình: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương".
Chủ trương của Đảng là lấy dân làm gốc rễ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả mọi người dân được học tập và làm việc chính đáng, vậy em phải đi đâu?làm gì? ai dám công nhận em với một lý lịch xấu xí sặc mùi tính chủ quan của ông cán bộ ấy?
Còn nữa, để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì phải xây dựng nhà văn hóa để làm nơi cho quần chúng nhân dân sinh hoạt, hội họp, nhưng nhiều nơi đã xây dựng theo kiểu không tính toán đến tình hình thực tiễn của địa phương mình sao cho phù hợp mà cứ xây dựng tràn lan theo kiểu thôn có nhà văn hóa của thôn, xóm có nhà văn hóa của xóm, xã có nhà văn hóa của xã, và theo tiêu chí cái nào cũng phải đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...mặc dù nhiều nơi xây xong chẳng biết để làm gì, cả tháng chẳng sinh hoạt được một lần. Thật sự rất lãng phí.
Một câu chuyện khác, để được công nhận chuẩn nông thôn mới thì phải xây dựng đường giao thông nông thôn. Người dân phấn khởi, hồ hởi đóng góp tiền của chung sức cùng với chính quyền để xây dựng, dân chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy con đường nào đi qua khu dân cư đông đúc, hay con đường huyết mạch đưa ra ruộng đồng, nhưng đường về tới sân ông trưởng thôn thì mới quá, to đẹp quá... Và người ta lại thấy một tình trạng chung là: ở đâu có trưởng thôn thì con đường qua nhà trưởng thôn cũng phải được làm nhanh nhất, sớm nhất, chất lượng nhất, còn những con đường nào khác và đi đâu thì dân cứ hãy chờ đợi, ông trưởng thôn sẽ làm sau!
Để được công nhận đã đạt chuẩn nông thôn mới - phải giảm được tỉ lệ đói nghèo, và thế là một loạt các hộ vẫn còn chạy ăn từng bữa, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, con cái đi học thì chật vật mà đã được cán bộ thôn, xã cho ra khỏi danh sách hộ nghèo. Vậy là, thôn có cái áo mới nhưng chỉ để ngắm, chẳng có người dân nào được mặc.
Mặt khác, việc xây dựng các công trình thủy lợi, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn ... cần có vốn lớn, vốn ấy được huy đông một phần trong dân, một phần kinh phí của nhà nước, nếu không đủ lại đi vay, mà vay xong thì phải trả, và người trả lại là dân, lại bổ đầu người, đầu hộ, nếu không đóng góp thì lại xảy ra trường hợp bút phê lý lịch dở khóc dở cười như câu chuyện đầu tiên. Tất cả lại trở thành một vòng tròn luẩn quẩn.
Câu chuyện thì còn nhiều, mỗi nơi mỗi khác, nhưng từ thực tiễn bất cập ấy đã giúp cho chúng ta những bài học và kinh nghiệm quý báu đó là:
Cần hiểu về chương trình mục tiêu quốc gia này một cách đúng đắn như sau: xây dựng nông thôn mới phải lấy nông dân làm chủ thể, nông dân phải tự mình làm và được hưởng thụ thành quả của mình, họ vượt qua khó khăn về vật chất, nhà nước chỉ hỗ trợ kích cầu mà thôi. Chúng ta cần triệt để loại bỏ xây dựng nông thôn mới theo kiểu phong trào, phát triển bề nổi, chú trọng về hình thức. Từ cán bộ, chính quyền địa phương với người nông dân cần phải cố gắng để đưa chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển về chiều sâu, có sự chuyển biến về chất, xây dựng dựa trên sự phù hợp với thực tiễn của địa phương. Việc xây dựng nông thôn mới phải toàn diện, không chỉ làm đường giao thông, xây trụ sở, nhà văn hóa mà cái chính là phải chăm lo cho cuộc sống của người dân được tốt hơn, tình làng nghĩa xóm thuận hòa, đồng thuận giữa chính quyền với người dân, có như vậy thì chương trình nông thôn mới mới có giá trị và ý nghĩa.”.
Ông K đang cao hứng trình bày về nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thì ông A là một đảng viên trong Chi bộ đứng lên nói: Tôi thấy đồng chí nói rất đúng, nhưng theo hiểu biết của tôi, việc xây dựng nông thôn mới không chỉ làm đường giao thông, xây trụ sở, nhà văn hóa … mà điều rất quan trọng là thực hiện dân chủ ở cơ sở để nhân dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Vậy, xin hỏi đồng chí, theo quy định của pháp luật thì những nội dung nào nhân dân tham gia ý kiến và thông qua hình thức nào?
Đến đây, ông K ấp úng, thì đồng chí Trần Văn B - Bí thư Chi bộ đứng dậy trả lời: Thưa các đồng chí, nội dung đồng chí A hỏi, tôi đã nghiên cứu Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, nên phổ biến đến các đồng chí:
Tại Điều 19 của Pháp lệnh có quy định về những nội dung nhân dân tham gia ý kiến gồm:
(i) Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; ph¬ương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành nghề của cấp xã.
(ii) Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã.
(iii) Dự thảo kế hoạch triển khai các ch¬ương trình, dự án trên địa bàn cấp xã; chủ tr¬ương, phư¬ơng án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư¬; ph¬ương án quy hoạch khu dân cư¬.
(iv) Dự thảo đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp đến cấp xã.
(v) Những nội dung khác cần phải lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.
Điều 20 của Pháp lệnh có quy định về hình thức để nhân dân tham gia ý kiến là: (i) Họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố; (ii) Phát phiếu lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình; (iii) Thông qua hòm thư¬ góp ý.
Đồng chí A: Bây giờ tôi mới hiểu là mình được tham gia ý kiến nhiều nội dung của địa phương như vậy, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất của xã. Đề nghị đồng chí Bí thư phô tô Pháp lệnh này cho tất cả đảng viên trong chi bộ nghiên cứu và tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân trong thôn.
Đến đây, các đồng chí đảng viên trong Chi bộ bàn tán sôi nổi về những nội dung nhân dân tham gia ý kiến và các hình thức tham gia ý kiến để phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ của mọi người dân trong thôn, chung tay xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Kết thúc buổi sinh hoạt Chi bộ thôn X cuối năm, các đảng viên ra về vẫn còn râm ran bàn câu chuyện dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển.
Các tin đã đưa ngày: