Liên kết website

ĐỂ LẠI TÀI SẢN THỪA KẾ CHO CON

29/12/2017

Bà Hạ, ông Vinh năm nay cũng đã nhiều tuổi. Trước đây do làm ăn kinh doanh nên cũng có của ăn, của để. Họ dành dụm xây được một ngôi nhà 04 tầng và mua được một vài miếng đất ở khu vực ngoại ô thành phố. Hai ông bà có 03 người con (02 trai, 01 gái), nay đã trưởng thành và có gia đình riêng. Cũng vì nghĩ đến tuổi “gần đất xa trời”, hai ông bà đôi lần đã bàn với nhau về việc lập di chúc để lại tài sản cho các con. Một buổi tối nọ, sau khi ăn cơm xong, hai ông bà lại nhắc đến chuyện phân chia tài sản cho các con…

- Ông này, mình cũng già rồi, sinh lão bệnh tử chẳng ai nói trước được điều gì, tôi định bàn với mình lập di chúc. Vợ chồng mình bao năm nay dành dụm được cái gì, giờ chia đều cho các con, ông thấy có được không? – Bà Hạ nói với chồng.
- Ừ, mấy hôm nay tôi cũng trăn trở điều bà nói. Tôi nghe bà nói cũng giống suy nghĩ của tôi đó. Chúng ta nên lập di chúc nhưng phải đảm bảo tính hợp pháp. – Ông Vinh đáp lại lời của vợ.
- Liệu có cần thiết phải làm như thế không hả ông, tôi thấy như thế phức tạp ra, chúng ta tự viết di chúc định đoạt không được à? – Bà Hạ băn khoăn.
- Cần, cần chứ bà! Tôi biết pháp luật quy định thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Được nhà nước xác nhận về mặt pháp lý thì phải hơn chứ bà. Bà không nghe báo, đài, ti vi thông tin bao nhiêu vụ việc chỉ vì di chúc mà anh em ruột thịt mâu thuẫn, “sứt đầu mẻ trán” hay sao? Tôi không tin các con mình đến mức như thế, nhưng mà mình cứ làm cho chắc bà ạ…
Nghe chồng quả quyết như vậy, bà Hạ cũng thấy hợp lý. Hai ông bà quyết định đến Ủy ban nhân dân phường để làm thủ tục lập di chúc. Để tìm hiểu kỹ,  ông Vinh bà Hạ sang nhà chị Liên – là hàng xóm của ông bà và hiện là công chức Tư pháp – Hộ tịch của phường để hỏi kỹ về thủ tục lập di chúc.
Tại nhà chị Liên, sau khi nghe ông Vinh, bà Hạ trình bày mong muốn của mình, chị Liên nói:
- Hai bác quyết định làm như thế là đúng đó. Cháu làm ở phường mình thấy bây giờ cũng có nhiều người đến làm thủ tục chứng thực di chúc rồi hai bác ạ.
- Cô nói thế thì tôi cũng yên tâm hơn. Cô Liên này, tôi không biết công chứng hay chứng thực di chúc thì khác nhau điều gì không? – Bà Hạ hỏi.
- À, là thế này bác ạ. Điều 635 và Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc. Công chứng di chúc được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng, còn hai bác quyết định lập di chúc tại Ủy ban nhân dân phường thì là chứng thực di chúc đó ạ! – Cô Liên giải đáp thắc mắc của bà Hạ.
- Cô có thể cho chúng tôi biết rõ về thủ tục lập di chúc tại Ủy ban nhân dân phường được không? - Ông Vinh hỏi.
- Dạ, việc lập di chúc tại Ủy ban nhân dân cấp xã nói chung phải tuân theo thủ tục được luật quy định cũng không phức tạp lắm đâu ạ. Trước tiên, người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi đó, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Sau đó, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã; khi đó người này sẽ chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng hai bác ạ! – Cô Liên trả lời.
- Thế à cô! Vậy ai là người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã vậy hả cô? – Ông Vinh hỏi tiếp.
- Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, một trong những thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã là chứng thực di chúc. Khi đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi được Chủ tịch ủy quyền sẽ thực hiện ký chứng thực. Sau đó, di chúc sẽ được đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã đó thưa hai bác! – Chị Liên giải thích.
- Cô nói thế thì chúng tôi hiểu rồi. Nhân đây cũng hỏi thêm cô, lệ phí chứng thực di chúc theo quy định là bao nhiêu hả cô, có mất nhiều chi phí không để chúng tôi còn chuẩn bị? – Bà Hạ hỏi.
- Bác ạ! Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 226/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực, mức thu phí chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch là 50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch bác ạ. Chứng thực di chúc là một trong các giao dịch phải nộp phí chứng thực theo quy định cháu vừa nêu nên hai bác cần chuẩn bị 50.000 đồng tiền phí chứng thực để nộp cho Ủy ban nhân dân phường ạ - Chị Liên say sưa giải đáp.
Nhờ có cô Liên – công chức Tư pháp – Hộ tịch mà ông Vinh, bà Hạ được giải đáp tận tình những băn khoăn, thắc mắc của mình về việc lập di chúc có chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Về nhà, hai ông bà bàn bạc, thống nhất với nhau về nội dung di chúc và ngay ngày hôm sau, họ ra Ủy ban nhân dân phường để được hướng dẫn và thực hiện thủ tục lập di chúc tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo nguyện vọng của mình.
Văn bản sử dụng:
1. Bộ luật Dân sự năm 2015: Điều 635, Điều 636.
2. Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/02/2015 quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch:  Điều 5
3. Thông tư số 226/2016/TT- BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực: Điều 4
 
Các tin đã đưa ngày: