Liên kết website

HIỂU BIẾT KHÔNG BAO GIỜ LÀ THỪA

29/12/2017

Nhân vật: Ông D: người am hiểu pháp luật Ông A, B, C: hàng xóm của ông D H: Cháu họ ông D.

Buổi chiều, các ông trong ngõ thường tụ tập uống nước, nói chuyện rôm rả ở nhà một ông nào đó. Hôm nay, các ông sang nhà ông A để hàn huyên và đánh cờ.
Cảnh 1: Tại nhà ông A.
Các ông đang nói chuyện thì nghe trên truyền hình có đoạn phóng sự nói về Luật Tiếp cận thông tin.
Bác A liền hỏi: Có cả Luật tiếp cận thông tin à các ông? Theo như thời sự đưa tin thì Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
Bác B: Công nhận nước mình quy định đầy đủ các lĩnh vực thật, chắc luật này ra đời nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của người dân.
Bác C: Chắc chắn là thế rồi ông ạ.
Bác A: Vậy tiếp cận thông tin được hiểu như thế nào hả các ông?
Bác D (một người am hiểu về pháp luật, có nhiều năm công tác liên quan đến pháp luật) lấy điện thoại ra, tìm Luật Tiếp cận thông tin rồi đọc lớn cho mọi người nghe: Khoản 3 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin quy định tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin các ông ạ.
Bác C: Vậy những ai có quyền tiếp cận thông tin hả ông D?
Bác D: Theo Điều 4 Luật Tiếp cận thông tin quy định chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin gồm:
- Công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Luật này.
- Người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật.
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ.
- Người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác.
Bác C: Pháp luật quy định đầy đủ nhỉ.
Bác A: Thế những thông tin nào công dân được tiếp cận ông nhỉ?
Bác D: Tại Điều 5 Luật Tiếp cận thông tin quy định công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật này; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật này.
Trong đó, Điều 6 Luật Tiếp cận thông tin quy định thông tin công dân không được tiếp cận bao gồm:
- Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật.
Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này.
- Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Và Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin quy định về thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện bao gồm:
- Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.
- Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.
- Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định trên.
Bác B: Nói cơ quan nào cho xa, đối với xã mình thì trách nhiệm cung cấp thông tin được quy định như thế nào, Bác thử tìm hiểu xem sao?
Bác D: Vâng. Theo quy định của Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ trường hợp thông tin công dân không được tiếp cận; đối với trường hợp Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp cho công dân cư trú trên địa bàn thông tin do mình và do các cơ quan ở cấp mình tạo ra, thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cung cấp cho công dân khác thông tin này trong trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bác B: Vậy, công dân được tiếp cận thông tin bằng những cách thức nào?
Bác D: Theo quy định tại Điều 10 Luật Tiếp cận thông tin thì Công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức sau: Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai; Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin ông ạ.
Bác A: Vậy những thông tin nào được công khai và thông tin nào được cung cấp theo yêu cầu?
Bác D: Luật Tiếp cận thông tin đã quy định đầy đủ rồi bác ạ. Theo đó, các thông tin sau đây phải được công khai rộng rãi:
- Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;
- Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;
- Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính;
- Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước;
- Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước;
- Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ;
- Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn;
- Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;
- Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động;
- Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân; nội quy, quy chế do cơ quan nhà nước ban hành;
- Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;
- Danh mục thông tin phải công khai theo quy định; tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước hoặc người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin;
- Thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng;
- Thông tin về thuế, phí, lệ phí;
- Thông tin khác phải được công khai theo quy định của pháp luật.
Ngoài thông tin quy định trên, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.
Những thông tin được cung cấp theo yêu cầu bao gồm:
  • Những thông tin phải được công khai theo quy định, nhưng thuộc trường hợp sau đây: thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai; thông tin hết thời hạn công khai theo quy định của pháp luật; thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được; thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định.
- Thông tin liên quan đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin phải được công khai và không thuộc những thông tin phải được công khai theo quy định, nhưng thuộc trường hợp trên.
Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện và khả năng thực tế của mình, cơ quan nhà nước có thể cung cấp thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.
Bác C: Tôi hỏi thêm 1 câu, tôi có thể ủy quyền cho người khác đến trụ sở cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin được không?
Bác D: Có đấy ông ạ. Luật Tiếp cận thông tin có quy định người yêu cầu có thể yêu cầu cung cấp thông tin có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 24).
Bác C: Thế à, thế sau này cần thông tin thì có thể nhờ người khác đến yêu cầu cung cấp thông tin hộ mình rồi. Pháp luật quy định như vậy là hợp lý và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân đấy.
Các ông ngồi nghe kỹ các quy định còn lại của Luật Tiếp cận thông tin, đến giờ cơm tối thì các ông ai về nhà đấy, nhưng trong đầu vẫn còn nhớ về các quy định về tiếp cận thông tin.
Cảnh 2: Tại nhà ông D
Vừa về đến nhà thì thấy H – cháu họ đến chơi. H chào hỏi ông D, rồi vào thẳng vấn đề.
H: Bác ơi, cháu muốn lên UBND xã để xin được photo tài liệu cháu đang cần thì có được không bác nhỉ?
Bác D: Uh, trước hết cháu phải kiểm tra xem tài liệu của cháu đã được công khai chưa, có thuộc trường hợp phải công khai hay không? Nếu thuộc trường hợp phải được công khai thì cháu thử tìm đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của UBND xã hay không? Bác nghe nói UBND xã mình đã có trang thông tin điện tử rồi đấy. Nếu không thấy cháu có thể đến UBND xã xin được cung cấp thông tin.
Theo đó, khi lên UBND xã thì đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay bản sao, bản chụp tài liệu.
Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo cho người yêu cầu đến trụ sở để đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc nhận bản sao, bản chụp tài liệu hoặc có văn bản thông báo về việc từ chối cung cấp thông tin.
Trường hợp cơ quan được yêu cầu cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, sao chép, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 10 ngày làm việc và phải có văn bản thông báo về việc gia hạn trong thời hạn cung cấp thông tin.
H: Dạ vâng. Sao đến lĩnh vực này bác cũng biết nhiều thế ạ. May quá, cháu gặp được bác.
Ông D: Chả là hôm nay, các bác vừa trao đổi về Luật Tiếp cận thông tin, biết được nhiều thông tin bổ ích lắm. Cháu có thời gian thì tìm hiểu đi, thực tế cũng cần áp dụng rất nhiều đấy. Hiểu biết không bao giờ là thừa, Nhà nước đã tạo điều kiện tốt để chúng ta tiếp cận thông tin thì chúng ta phải tận dụng cháu à.
H: Dạ vâng. Cháu sẽ tìm hiểu bác ạ. Cháu cảm ơn bác ạ.
Nói xong H chào tạm biệt bác D để ra về và thực hiện việc lấy thông tin từ UBND xã. Mấy hôm sau thấy H khoe với bác D là đã lấy được thông tin và cảm ơn Bác D đã tư vấn giúp.
 
 
 
Các tin đã đưa ngày: