Cảnh 1: Chị Minh vừa đi làm về đã thấy chị Hồng đang cùng mẹ mình bóc lạc.
Chị Minh: Chị Hồng sang chơi đấy à. Lâu lắm rồi nhỉ.
Chị Hồng: Tôi mới sang, cũng có một chút việc muốn nhờ cô.
Bà Chinh: Thôi vào nhà uống nước, nói chuyện với cái Minh xem thế nào, bác bóc tý là xong thôi mà.
Chị Minh: Chị vào nhà đi, em cất đồ rồi em lên.
Chị Hồng: Thôi cứ ngồi đây vừa bóc lạc với bà vừa nói chuyện cũng được. Ngồi ngoài này gió mát.
Chị Minh: Vâng, vậy chị chờ em chút nhé.
Ba người vừa bóc lạc vừa nói chuyện.
Chị Hồng thẽ thọt: Cô Minh ạ, anh Sơn nhà tôi về rồi.
Chị Minh: Vậy hả chị, mừng quá, mong là lần này anh ấy cai hẳn được ma túy.
Chị Hồng: Cũng nhờ cô giới thiệu cho mới được thế.
Chị Minh: Anh Sơn về lâu chưa ạ.
Chị Hồng: Cũng được một thời gian rồi. Nhưng còn ngại với hàng xóm họ hàng nên chỉ quanh quẩn trong nhà.
Chị Minh: Cũng khổ thân, nhưng cũng đâu thể trốn mãi được ở nhà.
Chị Hồng: Ừ, chị đang tính tìm việc cho anh ấy làm. Nhưng mà lý lịch như vậy cũng khó xin việc. Nên đang tính vay vốn mở hàng quán gì đó tự làm thôi.
Chị Minh: Anh chị mà mở quán bán hàng cũng tính tìm địa điểm thích hợp.
Chị Hồng: Hai vợ chồng chị bàn nhau làm quán ăn đêm ở gần mấy khu công nghiệp ở huyện bên. Rồi bán thêm hàng tạp hóa nữa.
Chị Minh: Em thấy được đấy. Giờ cuối năm nên công nhân làm tăng ca, làm đêm cũng nhiều, lúc về họ thường ăn tối. Nhưng sang tận huyện bên mở quán thì hơi xa, đi lại không tiện lắm.
Chị Hồng: Hoàn cành anh Sơn như thế, anh ấy không muốn mở quán gần nhà dù quanh khu nhà mình đây cũng có nhà máy, xí nghiệp. Sợ ai biết lại chỉ trỏ không hay. Bán hàng ăn đêm cũng tránh gặp người quen. Cái gì cũng dần dần cô ạ.
Chị Minh: Anh chị tính thế cũng phải, hòa nhập cộng đồng dần dần thôi chị ạ.
Chị Hồng: Ngặt nỗi giờ chưa có đồng vốn nào. Hồi anh ấy nghiện, tài sản đội nón ra đi hết cả rồi. Còn mỗi cái xác nhà chui ra chui vào thôi.
Chị Minh: Này chị đừng có nghĩ đến đi vay lãi nặng, lao vào tín dụng đen là gay đấy. Giờ nhà nước đang có chính sách cho người đã cai nghiện được vay vốn ngân hàng làm ăn. Em sẽ giúp chị vay vốn theo diện này.
Chị Hồng: Thế còn gì bằng. Cô hỏi giúp chị nhé. Mừng quá bà ạ, nói thật với bà, với hoàn cảnh của nhà cháu, nghĩ ra làm gì đã khó, nghĩ xong rồi lại không có đồng nào thì làm ăn được gì ở thời buổi này.
Bà Chinh: Chị nói đúng đấy, giờ tụi trẻ học đại học, có tận mấy cái bằng mà đi xin việc, đi làm ăn còn khó khăn nữa là… Thôi cũng mừng cho anh Sơn đã cai được để trở về với gia đình, lại còn có ý chí làm ăn nữa.
Chị Hồng: Nhiều lúc cháu cũng chán lắm bà ạ, nhưng nghĩ anh ấy đã trở về mà còn sức khỏe , nên cố tìm việc gì đó mà làm ăn, chứ nhàn cư vi thì bất thiện.
Nói rồi chị Hồng đứng dậy ra về. Bà Chinh và chị Minh tiếp tục bóc nốt chỗ lạc cho xong.
Bà Chinh: Người nghiện cũng được cho vay vốn à?
Chị Minh: Không phải người nghiện đâu mẹ mà là người sau cai nghiện ma túy. Họ phải cai nghiện được mới cho vay, chứ cho mấy ông nghiện vay các ông ấy mang đi mua thuốc hết.
Bà Chinh: Ừ, phải thế chứ.
Chị Minh: Vâng, đây là chủ trương nhân văn của nhà nước để giúp người đã cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng mẹ ạ.
Bà Chinh: Con sớm hỏi cho nó, chứ cũng tội nghiệp, khổ mãi. Thằng Sơn cũng là đứa ngoan. Nó nghiện cũng là do bạn bè xúi giục thôi mà.
Chị Minh: Dù sao anh ấy cũng đã cai được ma túy. Mong là về lần này anh ấy chí thú làm ăn.
Cảnh 2: Hôm sau, tranh thủ buổi trưa, chị Minh sang bên Ngân hàng chính sách xã hội
Chị Thu: Minh à, tìm mình có việc gì thế? Ngồi đi.
Chị Minh: Chuyện là tớ có bà chị họ có chồng chị ấy vừa cai nghiện về, nay muốn vay vốn làm ăn. Không biết anh ấy có thuộc diện được vay hay không?
Chị Thu: Chắc chắn là nhà chị ấy được vay rồi.
Chị Minh: Giấy tờ vay vốn có phức tạp lắm không.
Chị Thu: Cũng đơn giản thôi mà. Cậu nói chị ấy làm cho tớ cái đơn kèm theo Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Còn các thứ khác như cư trú hợp pháp và sinh sống ổn định tại địa phương nơi vay vốn, tham gia thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội
[1] thì rõ rồi.
Chị Minh: Thế thì cũng nhanh thôi, để tý về tớ gọi điện cho chị ấy chuẩn bị.
Chị Thu: Nhớ dặn chị ấy trong hồ sơ có thêm phương án sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ vay theo cam kết.
Chị Minh: Này, khoảng bao lâu thì nhận được tiền vay vốn nhỉ?
Chị Thu: Thường thì khoảng mười lăm, hai mươi ngày thôi.
Chị Minh: Ừ, vậy là yên tâm rồi, để tớ bảo chị ấy chuẩn bị luôn. Cảm ơn cậu.
Cảnh 3: Tối ấy chị Minh đến nhà chị Hồng, anh Sơn
Chị Hồng: Cô Minh vào đây, chuyện hôm trước hỏi cô thế nào rồi, chị sốt ruột quá
Chị Minh: Em đã hỏi kỹ cho chị rồi, nhà mình đủ điều kiện vay vốn đấy.
Anh Sơn từ dưới nhà đi lên.
Anh Sơn: Cô sang chơi.
Chị Minh: Anh dạo này khỏe hơn dạo trước.
Anh Sơn: Về nhà ăn được ngủ được cũng khỏe hơn nhiều.
Chị Minh nói cho chị Hồng, anh Sơn thủ tục vay vốn theo hướng dẫn của chị Thu.
Chị Hồng: Tôi cũng lo không được, hoặc có được thì giấy tờ phức tạp. Nhưng nghe cô vừa nói thì mừng quá, được vay vốn làm ăn mà thủ tục đơn giản. Không biết trường hợp của anh chị thì được vay bao nhiêu tiền.
Chị Minh: Tùy nhu cầu và khả năng trả nợ của mình để nhà nước xét, cho vay mức vốn phù hợp. Nghe đâu mức cho vay tối đa đối với hộ gia đình là 30 triệu đồng/hộ.
[2]
Chị Hồng: Còn lãi thì thế nào nhỉ?
Chị Minh: Lãi cũng thấp mà chị, bằng lãi suất cho vay hộ nghèo. Chị nộp hồ sơ, họ sẽ giải thích về mức lãi suất cụ thể đối trường hợp vay của nhà mình.
Anh Sơn: Tôi định vay khoảng 03 năm. Không biết có được không.
Chị Minh: Thời hạn cho vay tối đa là 60 tháng. Còn thời hạn cụ thể do mình và Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
[3]
Anh Sơn: Cám ơn cô Minh, hôm nào anh chị mở quán nhớ đến đấy.
Chị Hồng: May nhờ cô chứ chả biết hỏi ai việc này. Hôm nào mở quán chị sẽ gọi điện ra mừng cho anh nhé.
Chị Minh: Hôm đấy em sẽ ra sớm. Giờ em về đi ăn đám hỏi con trai bà My đây.