Thành và Phong là đôi bạn thân từ cấp 1. Cả hai hiện đang là sinh viên năm nhất đại học. Nhân dịp sinh nhật 19 tuổi, bố mẹ tặng Phong môt chiếc xe máy thể thao thức thời. Một buổi chiều nọ, Phong điều khiển chiếc xe máy đến nhà Thành chơi. Thành có cậu em trai tên Huy năm nay học lớp 10. Hai anh em cũng thân thiết như anh em ruột.
Huy: Ôi anh Phong! Xe của anh đây à? Ui “sang, xịn, hịn” quá anh ơi. Mà có thật của anh không?
Thành (vui vẻ trêu đùa): Mày cứ đùa, không phải của anh ấy thì của mày chắc! Làm gì mà bày đặt.
Huy: Anh không phải trêu em!
Phong: Của anh đấy, anh vừa được bố mẹ tặng nhân dịp sinh nhật.
Huy: Thích thật đấy. Em cũng ước mơ có một chiếc xe như thế này
Thấy Huy háo hức khác thường, Phong lên tiếng
Phong: Chú mày có muốn thử lượn một vòng cho biết không? Biết đi xe máy rồi đúng không? Hôm nọ anh vừa nghe anh Thành kể chú mày bị sưng đầu gối lên vì tập xe máy à?
Mấy anh em cùng cười vang
Huy (mừng rỡ): Anh nói thật hả anh! Có có, anh cho em thử đi xe “hịn” một vòng nhé!
Thành: Mày cứ nối giáo cho giặc đi, nó đau chân còn chưa khỏi kìa. Tao đã bảo bố mẹ tao rồi, cho nó đi xe bus đi học cho an toàn. Làm gì mà phải mua xe máy vội, mới mười mấy tuổi đầu mà đua đòi. Hôm nọ ga nhầm té ngã, may không ai bị ảnh hưởng. Thế mà vẫn còn ham.
Phong: Mày cứ kìm hãm em nó làm gì! Thanh niên tầm tuổi này phải biết đi xe là đúng. Tao với mày hồi bằng nó thì cũng chả thích quá còn gì! Huy đâu, cho chú mày thử một vòng đấy. Khóa đây, cầm lấy!
Thành: Nếu mà xảy ra việc gì thì mày đừng hối hận đấy! (Huy nói với vẻ mặt như khẳng định việc Phong không nên cho Huy mượn xe đi).
Phong: Mày cứ yên tâm! Có gì tao chịu trách nhiệm!
Vui quá, Huy cầm lấy chìa khóa mà Phong ném cho, tra ổ khóa và chạy vọt đi, tỏ ra rất phấn khích.
Mười lăm phút sau, rồi 30 phút sau mà vẫn chưa thấy Huy quay lại. Thành và Phong trong lòng nóng như lửa đốt. Linh cảm thấy có điều chẳng lành, Phong lên tiếng
Phong: Thành ơi, tao lo quá. Không biết thằng Huy đi đâu mà mất hút thế này, chắc là có chuyện gì xảy ra rồi. Điện thoại thì không thấy trả lời. Hay tao với mày đi tìm nó đi!
Thành tỏ rõ vẻ lo lắng nhưng vẫn cố gắng trấn an bạn của mình
Thành: Mày ăn nói linh tinh cái gì thế? Chuyện gì là chuyện gì? Mày biết thừa thằng Huy nhà tao nó ham chơi rồi. Mà đấy mày xem, tao đã bảo rồi mà mày không nghe tao cơ. Thôi đợi chút nữa mà không thấy nó quay về thì tao với mày đi tìm.
Thành vừa dứt lời, một cuộc điện thoại số lạ gọi đến. Vừa nghe điện thoại, mặt Thành trắng bệch
Thành: Chết rồi mày ơi, thằng Huy gây ra tai nạn rồi!
Hai thằng nhanh chóng rời khỏi nhà, đến hiện trường nơi xảy ra tai nạn, cách nhà không xa. Rất đông mọi người tụ tập xung quanh. Hai thằng đến nơi thì được biết có một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra. Huy do lái xe không vững và không làm chủ được tốc độ nên đã đâm vào chị G – người đang đi bộ trên đường khiến cả hai bị thương rất nặng. Người dân đã đưa Huy và chị G đến bệnh viện cấp cứu và chị G đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Thành và Phong không còn quan tâm đến chiếc xe máy mới «sang, xịn, hịn» đang méo mó, chỏng chơ ở giữa đường kia nữa, vội vã hộc tốc đến bệnh viện thì bố mẹ của Thành đang khóc lóc, tuyệt vọng ở trong đó. Vừa đến bệnh viện thì nghe tin chị G – nạn nhân bị Huy đâm phải đã tử vong do chấn thương quá nặng. Huy thì đang nằm trên giường bệnh, bó bột trắng toát gần như toàn thân. Hai thằng bàng hoàng, sợ hãi
Phong (không giữ nổi bình tĩnh): Chết rồi Thành ơi, tất cả mọi lỗi lầm này là do tao. Giá mà tao nghe lời mày thì đã không xảy ra câu chuyện này! Tao phải làm gì bây giờ???
Thành: Mày phải bình tĩnh thì mới giải quyết được chứ!
Hai tháng sau, tại phiên tòa xét xử, Tòa án tuyên xử phạt Phong về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điểm a khoản 1 Điều 264 BLHS năm 2015 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Theo đó, người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà làm chết người thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Hành vi của Phong đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại đến tính mạng của chị G. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự an toàn xã hội, xâm phạm đến trật tự, an toàn trong hoạt động giao thông đường bộ, đồng thời xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Do đó, hành vi của Phong đủ yếu tố cấu thành tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Giọt nước mắt của sự hối hận muộn màng lăn dài trên gương mặt của Phong tại phiên tòa khiến cả hội trường xót xa!