Bà Loan và Bà Mai xuất hiện
Bà Loan: Này tôi nói cho nhà bà biết. Con trâu ấy là của nhà tôi nhá!
Ba Mai: Bà đừng có hồ đồ, nó là của nhà tôi nhá?
Bà Loan: Hồ đồ là thế nào? Trâu cái, màu ánh bạc, chân thấp và mảnh.
Nó là trâu nhà tôi nhá!
Ba Mai: Này, đừng cậy nhà đông người mà cướp trâu nhà tôi. Tôi thách đấy!
Bà Loan: Không phải thách. Tôi đã báo cho tổ hòa giải rồi nhá!
Bà Mai: Bà cứ việc mà gọi !
Ba Loan: Được ! Hãy đợi đấy !
Tại nhà ông Khá, Bà Mi và ông Long đến
Bà Mi: Ông Khá có nhà không đấy?
Ông Khá: Có tôi đây, mời các ông bà cứ vào
Ông Long: Như bữa trước đã trao đổi qua điện thoại với ông, nay tôi và bà Mi - tổ hòa giải thôn Đoài sang để cùng trao đổi, thảo luận cụ thể để giải quyết tranh chấp về con trâu chỗ bà Loan thôn này với bà Mai thôn bên tôi.
Ông Khá: Vâng! Mời ông bà vào nhà
Bà Mi: Thôi, ngồi ngoài này cho mát các ông ạ (lấy nón quạt).
Nói rồi bà Mi ngồi ngay xuống bộ ghế đá ngoài sân, dưới gốc cây mít.
Ông Khá: Vậy mời ông bà ngồi đi (chỉ tay vào bộ bàn ghế đá). Tôi lấy ấm trà tươi bà nhà tôi mới ủ. Đợi ít phút, mọi người trong tổ hòa giải đến, chúng ta sẽ trao đổi
Ông Khá lấy trà mời khách, bà Thái, ông Hoàng thôn Kim đến
Ông Khá: Ô đây rồi, đây rồi! Mời các ông, các bà ngồi. Đây là bà Thái, hòa giải viên thôn Kim; ông Hoàng là Thẩm phán về hưu – chúng tôi mời tham gia tổ hòa giải
Bà Mi – Ông Khá: Mời ông bà ngồi!
Ông Khá: Thưa các ông bà, chuyện là thế này. Hôm trước Bà Loan “Tươi” có đến nhà tôi có trình bày về việc tranh chấp con trâu với nhà bà Mai – người thôn Đoài. Do đây là tranh chấp giữa 2 hộ dân ở 2 thôn khác nhau nên tôi đã gọi điện trao đổi, thống nhất. Hôm nay tổ hòa giải 2 thôn chúng ta sẽ cùng bàn cách hòa giải trường hợp này. Tôi xin phép chủ trì cuộc họp, Bà Mi giúp tôi ghi biển bản buổi làm việc. Các ông, bà nhất trí không?
Tất cả mọi người: Nhất trí !
Ông Khá: Vâng! Theo như bà Loan trình bày, Bà Loan nghe nói ở nhà bà Mai có con trâu rất giống với con trâu của mình bị mất nên bà Loan đã sang nhà Bà Mai để xin lại trâu. Nhưng khi tới nơi thì bà Mai nói rằng đây là con trâu bị thất lạc mà bà Mai cũng mới tìm thấy. Vì vậy bà Mai không đồng ý cho bà Loan lấy lại trâu. Nhận thấy con trâu trong chuồng rất giống trâu nhà mình nên bà Loan cho rằng mà Mai tham lam lấy trâu của người khác, do đó 2 bên đã to tiếng. Bà Loan linh cảm đó là con trâu của nhà mình nên đề nghị tổ hòa giải giải quyết giúp.
Bà Mi: Chỉ là linh cảm thôi thì không được mà phải có bằng chứng rõ ràng mới có thể kết luận được là trâu của ai chứ.
Ông Khá: Cái khó ở đây là trâu của 2 nhà qua mô tả lại giống nhau quá các ông các bà ạ. Nào là cùng trâu cái màu trắng bạc, chân thấp và mảnh, đuôi ngắn.
Bà Thái: Vậy thì khó thật! Chúng giống nhau thế này thì biết làm sao?
(Mọi người im lặng suy nghĩ thì bất chợt có tiếng chó sủa)
Bà Mi: Con chó của ông sao vậy?
Ông Khá: Cu cậu muốn đi vệ sinh đấy, tôi sẽ cho cu cậu đi
Ông Khá đứng dậy mở chuồng cho chó ra sau vườn. Ông Long bất chợt kêu lên
Ông Long: Trời ơi! tôi đã có cách rồi!
Bà Mi: Cách gì vậy ông.
Ông Long: Các cụ ta có câu “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Trâu, chó là những con vật rất nhớ đường về, mà con trâu nhà bà Loan mới bị thất lạc có mấy ngày. Nên phương án tôi đưa ra sẽ là thả con trâu ra ngoài đồng. Tối đến trâu đi về nhà nào thì khắc sẽ thuộc về nhà đó.
Bà Thái: Ô, Đúng rồi, hay quá! Tôi nhất trí với phương án này của ông Long.
Ông Khá: Vậy để tôi mời bà Loan, bà Mai đến để xem họ có nhất trí với gợi ý của tổ ta không.
Ông Khá bật máy điện thoại nói chuyện với bà Loan, bà Mai. Lát sau 2 bà đã có mặt
Hai bà: Xin chào các bác.
Mọi người: Chào 2 bà, mời 2 bà ngồi.
Ông Khá: Thế này bà Loan, bà Mai ạ. Sau khi tiếp nhận yêu cầu đề nghị hòa giải tranh chấp trâu giữa 2 hộ gia đình. Tổ hòa giải chúng tôi đã bàn bạc và đưa ra phương án thế này, hai bà xem có được không. Ta sẽ thả trâu ra đồng. Bà Thái, bà Mi sáng sẽ giúp thả trâu ra đồng, cột ở gốc cây đa gần bờ mương cho trâu gặm cỏ. Chiều tối ông Hoàng sẽ cùng bà Loan, bà Mai theo dõi xem trâu về nhà ai. Ta sẽ làm 3 lần trong 3 ngày. Trâu về nhà nào thì sẽ thuộc về nhà đó. Không biết ý hai bà thế nào?
Bà Loan: Tôi nhất trí.
Bà Mai: (một chút suy nghĩ, tự lẩm bẩm nói 1 mình) Nó ở nhà mình 2-3 ngày rồi, nếu quen đường về nhà mình thì mình được trâu, nếu ko về thì ít nhất mình cũng phải đòi tiền nuôi trâu chứ nhỉ? Đi đâu mà thiệt (cười mưu mô, tính toán) Tôi cũng nhất trí. Nhưng nếu phải trả trâu cho bà Loan, thì công chăn trâu của tôi có được trả không?
Ông Hoàng: Có đây rồi! trên trang Thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ninh, (Ông Hoàng giơ điện thoại ra và đọc):
Khoản 2 Điều 231. Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc.
Bà Loan, bà Mai: Vậy, chúng tôi nhất trí.
Ba ngày sau. Vẫn tại nhà ông Khá, có đông đủ mọi người
Ông Long: Thưa các ông bà, như chúng ta đã thống nhất theo phương án “Trâu tự tìm về chuồng” có sự chứng kiến của tổ hòa giải và 2 gia đình đang đi tìm trâu lạc là nhà và Loan với nhà bà Mai. Kết quả là sau 3 ngày con trâu đều đi về nhà bà Loan. Vậy chúng tôi thấy không có cơ sở nào để bà Mai nhận con trâu này là của mình. Do đó, bà Mai phải trả lại con trâu cho bà Loan như đã thống nhất.
Mọi người: Đúng đấy bà Mai ạ.
Bà Mai: Vâng, nhưng tôi vẫn chưa thấy thuyết phục cho lắm, lỡ con trâu của tôi nó bị lẫn thì sao?
Ông Hoàng: Bà Mai này, đặc tính của trâu thì bà biết rõ còn gì. Trong trường hợp 2 bà không thể thỏa thuận được thì có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Ra Tòa người ta làm rõ trâu của ai, mất nhiều thời gian theo đuổi vụ kiện, ảnh hưởng đến làm ăn, lại còn phải trả án phí nữa. Ý bà thế nào?
Bà Mai: Ôi thôi, thế thì phức tạp, tốn kém quá...(ngập ngừng). Thôi, tôi xin được trả lại trâu cho bà Loan.
Bà Loan (Phấn khởi cầm tay bà Mai) Cảm ơn bà, bà để tôi trả bà chi phí bà đã trông giữ trâu cho nhà tôi thời gian qua.
Bà Mai: Thôi, tình làng nghĩa xóm, chỗ chị em mình bà bày vẽ làm gì. Coi như tôi giúp, bà không phải tiền nong gì nhé. Bà không giận tôi là tôi vui rồi.
Ông Khá: Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh về thiện chí của hai bà.
Ông Long: Bà Mai này, bà yên tâm, con trâu của nhà bà chưa tìm thấy, tôi sẽ báo cho xã thông báo trên loa truyền thanh. Tôi tin là sẽ tìm được nay mai thôi.
Bà Loan: Tôi xin cảm ơn bà Mai. Xin lỗi vì đã to tiếng với bà. Và cũng xin cảm ơn các ông bà Tổ hoà giải hai thôn đã hoà giải cho chúng tôi, tìm được trâu cho tôi thật là đơn giản.
Mọi người vui vẻ ngồi uống nước, nói chuyện rồi ra về../