Liên kết website

Hãy giúp con

11/06/2013

Cả tuần nay nhà ông Lực buồn như có đám. Ông Lực đóng cửa không giao tiếp với bên ngoài. Ông hết ngồi lại nằm, đến bữa chẳng buồn dậy ăn cơm. Những người trong nhà ra vào lặng lẽ, im lìm không ai nói chuyện với ai câu nào. Chẳng là mấy hôm trước, gia đình ông phát hiện cậu Ba – con trai ông - lén hút ma túy. Sau mấy ngày đóng cửa nằm nhà, hôm nay ông ra khỏi nhà, đi từ sáng đến chiều mà không nói đi đâu. Tối mịt ông trở về cùng một chàng trai. Cơm nước xong, ông cho tập trung cả nhà bàn chuyện của thằng Ba. Ông giới thiệu với mọi người đây là anh Tá con trai ông Hỉ – bạn ông từ thời bộ đội. Trước đây anh Tá cũng đã từng nghiện ma túy nhưng nhờ quyết tâm của bản thân cộng với sự giúp đỡ của gia đình và người thân, anh Tá đã từ bỏ được ma túy. Hôm nay ông mời anh Tá về nhà để chia sẻ cùng gia đình câu chuyện của anh và những kinh nghiệm về cai nghiện ma túy. Ông muốn cả gia đình và quan trọng nhất là cậu Ba cùng nghe để tìm biện pháp thích hợp cai nghiện cho cậu.

 

Anh Tá kể : “Cháu sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố bộ đội, mẹ là giáo viên. Tốt nghiệp Trung học phổ thông cháu thi đậu vào một trường đại học, nhưng, vì ham chơi, lại a dua bạn bè, cháu lần mò tìm đến và thử cảm giác "đê mê" của chất trắng. Cũng chỉ vì muốn khẳng định độ "sành điệu" của dân chơi, càng ngày cháu càng lún sâu và trượt dài cùng ma túy. Cháu bỏ bê việc học hành ở giảng đường đại học, nói dối cha mẹ xin tiền đóng học phí để có tiền mua thuốc. Thế rồi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, ba mẹ cháu sốc vì phát hiện đứa con trai ngoan bấy lâu của mình trở thành một con nghiện mà không hề hay biết. Nghĩ đến tương lai của con, cha mẹ cháu đã quyết tâm cai nghiện cho cháu. Một lần, khi đi tham quan trại cai nghiện, cháu tận mắt chứng kiến một thanh niên nói với mẹ mình: "Bà mà không lãnh tôi về là tôi giết bà luôn". Câu nói đường cùng của đứa con nghiện đã thức tỉnh trái tim cháu. Cháu sợ rằng đến một lúc nào đó mình cũng sẽ có những hành động tàn bạo đối với người thân sinh ra mình. Cháu sợ mình sẽ trở thành đứa con bất hiếu. Vì thế nên cháu quyết tâm cai nghiện cho bằng được”.

Ông Lực hỏi:  Anh có thể kể cho mọi người nghe anh đã cai nghiện như thế nào không ?

-  Được chứ bác. Vượt qua mặc cảm về gia đình có người nghiện, cha mẹ cháu đã đăng ký cho cháu hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng. Được sự quan tâm, chăm sóc của chính quyền trong điều trị cắt cơn nghiện, sự gần gũi, động viên của gia đình, người thân, sự giám sát chặt chẽ của cán bộ hỗ trợ, giúp đỡ cộng với quyết tâm cai nghiện làm lại cuộc đời, cháu đã vượt qua được khó khăn và thoát khỏi vũng bùn ma túy.

- Thế có những hình thức cai nghiện nào ? Thằng Ba nhà tôi áp dụng hình thức cai nghiện nào là phù hợp ?

- Thưa bác, theo quy định của pháp luật có ba hình thức cai nghiện ma túy đó là: cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng và cai nghiện ma túy tại trung tâm cai nghiện ([1]). Em Ba đây mới nghiện vì thế tốt nhất là gia đình không nên đưa em đến Trung tâm cai nghiện mà nên áp dụng hình thức cai nghiện tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

- Đúng vậy, nó còn ít tuổi cứ để nó ở nhà gia đình sẽ quản lý và giúp nó cai nghiện – Bà Lực nói.

- Không thể để nó ở nhà để cai nghiện được. Bố mẹ đã già yếu làm sao mà quản lý, giám sát được nó. Chúng con lại không sống ở đây nên không thường xuyên về nhà được. – Anh con trai thứ hai lên tiếng phản đối - Phải đưa nó đến Trung tâm cai nghiện cách ly với bên ngoài nó mới có thể từ bỏ được ma túy.

Anh Tá chia sẻ:  Với tư cách là một người đã thoát khỏi sự lệ thuộc của ma túy bao năm nay, theo cháu đối với những người mới bắt đầu nghiện hoặc những em học sinh thì không nên đưa đến cơ sở cai nghiện và cần tránh xa những con nghiện. Đối với trường hợp em Ba nhà mình, nếu có điều kiện thì cai nghiện tại gia đình; còn không có điều kiện điều trị cắt cơn tại gia đình thì nhà ta nên tự nguyện đăng ký cai nghiện tại cộng đồng.

- Vậy anh nói rõ về hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng đi ? – Ông Lực tiếp lời.

-  Vâng, thưa bác. Cai nghiện ma túy tại cộng đồng là hình thức cai nghiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các tổ chức đoàn thể và gia đình người nghiện trong việc tổ chức các hoạt động cai nghiện. Hình thức này thuận lợi cho người nghiện là được sự gần gũi và giúp đõ của gia đình, người thân, được gia đình, người thân và chính quyền địa phương giúp đỡ, hỗ trợ, quan tâm, động viên và giám sát việc cai nghiện.

- Tôi nghe nói cai nghiện tại cộng đồng, người ta tập trung những người nghiện vào một nơi, nếu thế thì khác gì cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. Có khi ở cộng đồng còn không đủ điều kiện để quản lý, giám sát người nghiện như ở các cơ sở cai nghiện? – Bà Lực thắc mắc.

- Có khác đấy bác ạ. Việc tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng được thực hiện theo trình tự sau: Bước 1, khám sức khỏe ban đầu cho người cai nghiện ma túy, làm hồ sơ và các xét nghiệm cần thiết để làm cơ sở xây dựng kế hoạch điều trị cai nghiện riêng đối với từng người. Bước 2, điều trị cắt cơn nghiện, giải độc. Việc điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại cộng đồng được thực hiện tại Cơ sở điều trị cắt cơn của địa phương hoặc kết hợp với Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, hoặc các cơ sở khác được phép điều trị cắt cơn và phải do y, bác sĩ được đào tạo, tập huấn về điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy và được Sở Y tế cấp tỉnh cấp chứng chỉ; áp dụng đúng bài thuốc, phác đồ điều trị cắt cơn nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành. Bước 3, quản lý giám sát người nghiện ma túy sau khi hoàn thành giai đoạn điều trị cắt cơn. Người nghiện ma túy sau khi hoàn thành giai đoạn điều trị cắt cơn được lập sổ theo dõi diễn biến hành vi, tâm lý và đưa trở về quản lý tại gia đình. Tổ công tác cai nghiện ma túy của địa phương ([2]) sẽ phân công cán bộ hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy trong việc thực hiện kế hoạch cai nghiện; phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể nơi người nghiện ma túy cư trú để quản lý, giám sát và hỗ trợ người cai nghiện.

- Nếu như vậy thì tốt quá, gia đình ta có thể cai nghiện cho thằng Ba tại cộng đồng ông nhé – Bà Lực nói chen vào.

- Chưa hết đâu bác ạ - Anh Tá nói tiếp : Cán bộ Tổ công tác được phân công hỗ trợ người cai nghiện phải có kế hoạch, biện pháp quản lý, giáo dục, tư vấn người cai nghiện trong suốt thời gian cai nghiện, bảo đảm cho người cai nghiện thực hiện đúng và đủ quy trình cai nghiện; hàng tháng báo cáo với Tổ trưởng Tổ công tác về việc thực hiện kế hoạch cai nghiện của ngư­ời cai nghiện. Trong thời gian cai nghiện, Tổ công tác tổ chức xét nghiệm chất ma túy đột xuất hoặc định kỳ để đánh giá kết quả cai nghiện.

- Gia đình bác muốn áp dụng hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho thằng Ba thì thủ tục đăng ký như thế nào ? Ông Lực hỏi.

- Hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng cáp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ mười hai tuổi trở lên ([3]) . Những người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự nguyện đăng ký cai nghiện nhưng không có điều kiện điều trị cắt cơn tại gia đình, có thể đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng ([4]) bằng cách nộp hồ sơ đăng ký cho Tổ công tác cai nghiện của địa phương. Hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng ([5]) gồm: Đơn đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng của bản thân hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy và bản sơ yếu lý lịch của người nghiện ma túy. Thời hạn cai nghiện ma túy tại cộng đồng là từ 6 tháng đến 1 năm kể từ ngày quyết định cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng được ký

- Vậy gia đình ta có nhất trí đăng ký cho thằng Ba tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng không ? Ý thằng Ba thế nào ? – ông Lực hỏi.

- Dạ. Con đồng ý. Ngay ngày mai con sẽ làm Hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng. Bố mẹ hãy giúp con.

- À mà Ba phải nhớ trong đơn đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng phải có cam kết tự nguyện cai nghiện ma túy  – Anh Tá nhắc. 

Anh Tá nói thêm: "Theo kinh nghiệm của cháu, để giúp một người cai nghiện thành công thì cần phải có đầy đủ ba yếu tố: Cá nhân, gia đình và xã hội. Nếu như chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố đó thì việc cai nghiện cũng thất bại. Trong hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình người nghiện ma túy cũng phải có trách nhiệm, đó là: chăm sóc, quản lý, theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện ma túy sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội; phối hợp với Tổ công tác, cán bộ Tổ công tác được phân công giúp đỡ người cai nghiện trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy thực hiện kế hoạch cai nghiện, xoá bỏ mặc cảm, quyết tâm cai nghiện, tái hoà nhập cộng đồng”

- Đúng thế. Vậy cả nhà ta sẽ phối hợp với cán bộ Tổ công tác trong việc hỗ trợ, giúp đỡ chú Ba thực hiện kế hoạch cai nghiện. – Anh  con trai thứ hai tiếp lời.

- Con hứa với cả gia đình con sẽ quyết tâm cai nghiện, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về chuyên môn và kế hoạch cai nghiện cá nhân. Con quyết tâm ra khỏi vũng bùn ma túy. Bố mẹ và anh chị hãy giúp con.



[1] Khoản 2 Điều 26 Luật Phòng, chống ma túy

[2] Tổ công tác cai nghiện ma túy thành lập theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010 quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng

[3] Điều 3 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010

[4] Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010

[5] Điều 13 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010

Các tin đã đưa ngày: