Liên kết website

Chuyện ở Trung tâm cai nghiện

11/06/2013

Được sự phân công của tòa soạn, tôi đến Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động và Xã hội tỉnh. Trung tâm nằm trên một ngọn đồi rộng với những dãy nhà làm việc, nhà ở của cán bộ, nhân viên và các khu nhà ở, điều trị bệnh nhân, nơi sản xuất, sân chơi thể thao của học viên được xây dựng mới khang trang, rộng rãi.

Biết tôi có ý định viết về một gương điển hình trong cai nghiện ma túy, anh Quân – Phó Giám đốc Trung tâm đưa tôi xuống khu vực sản xuất, lao động của các học viên để gặp một người mà theo anh Quân sẽ có nhiều điều để viết về người này.

Trên đường đi, anh Quân tranh thủ giới thiệu với tôi về Trung tâm: đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận, quản lý chữa trị, giáo dục, lao động, rèn luyện và phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy. Hiện nay, đơn vị đang tiếp nhận, quản lý, chữa trị, giáo dục hơn 300 đối tượng cai nghiện ma túy, bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện. Đa phần họ đều là những người nghiện ma túy nhiều năm, nhiều người thuộc thành phần phức tạp ở ngoài xã hội. Theo lời anh Quân, ngay khi tiếp nhận đối tượng, Trung tâm tiến hành lập hồ sơ và phân loại học viên dựa trên cơ sở độ tuổi, đặc điểm nhân thân, mức độ nghiện, tiền án, tiền sự để lên kế hoạch sắp xếp buồng ở cho phù hợp, thuận tiện trong công tác quản lý và giáo dục. Sau đó, học viên được kiểm tra sức khỏe ban đầu, phân loại, vào bệnh án để có hướng điều trị, theo dõi và thực hiện quy trình cắt cơn, giải độc, lao động trị liệu, học tập phù hợp với từng học viên.

- Người mà mình sẽ giới thiệu với cậu là người phải cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm – anh Quân nói.

- Theo em biết thì biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc là là biện pháp xử lý hành chính[1] phải không anh? – Tôi hỏi.

- Đúng. Đây là biện pháp xử lý hành chính áp dụng với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định – anh Quân chậm rãi trả lời - Nhưng cậu lưu ý, đối với người không có năng lực trách nhiệm hành chính, người đang mang thai hoặc phụ nữ hay người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì không bị áp dụng biện pháp này – anh Quân nói thêm.

- Thời hạn áp dụng biện pháp này vẫn là từ 12 tháng đến 24 tháng phải không anh?

Anh Quân gật đầu và chỉ tay ra phía vườn đồi. Hướng ánh mắt về phía anh chỉ, tôi thấy một nhóm học viên đang phát quang bụi rậm, cỏ tranh, đánh luống trồng rau. Họ làm việc mải miết trong cái nắng đầu mùa hè. Anh Quân cười nói: “Mới chỉ 3 tháng thôi mà các học viên đã biến khu vườn đồi cằn cỗi thành những ruộng, vườn rau xanh tốt để cải thiện bữa ăn đấy”.

Tiếp tục câu chuyện, tôi hỏi anh Quân:

- Em được biết, người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Còn đối với người không xác định được nơi cư trú thì sao?

- Đối với người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xác minh; trường hợp xác định được nơi cư trú thì có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về địa phương để xử lý; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc – Anh Quân trả lời.

- Người nghiện ma túy bị đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có được biết về việc lập hồ sơ không? – Tôi băn khoăn.

- Có chứ! – Anh Quân đáp lời - Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, cơ quan đã lập hồ sơ thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.

- Sau đó thì các bước tiếp theo như thế nào, hả anh?

- À, quy trình tiếp theo như thế này: khi người bị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ đọc xong hồ sơ thì hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện. Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và gửi Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Như vậy thì Toà án nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải không anh?

- Ừ. Pháp luật còn quy định rõ: trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực, Tòa án nhân dân đã ra quyết định phải gửi cho người bị áp dụng, Trưởng Công an cấp huyện và Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi đã gửi hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và các cơ quan hữu quan để thi hành.

- Vậy cơ quan nào có trách nhiệm thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?

- Cơ quan có trách nhiệm thi hành quyết định là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và Công an cấp huyện. Hai cơ quan này có trách nhiệm đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Mải nói chuyện, chúng tôi đã đến khu nhà làm việc của học viên. Ngoài một số đội lao động ngoài vườn đồi thì các đội còn lại làm việc tại xưởng may, xưởng mộc của Trung tâm. Đưa tôi vào xưởng mộc, chỉ tay về phía một thanh niên, anh Quân nói: “Đó là người mà tôi muốn giới thiệu với cậu đấy”. Thấy chúng tôi, cậu thanh niên rụt rè chào. Sau màn giới thiệu, anh Quân quay lại làm việc để chúng tôi tự nhiên nói chuyện. Nhìn gương mặt sáng sủa, khá thư sinh của cậu thanh niên, tôi không nghĩ rằng đây là con nghiện bị bắt buộc đưa vào Trung tâm. Sau phút rụt rè, e ngại ban đầu, bằng giọng trầm buồn, Thành – tên cậu thanh niên, kể cho tôi nghe về quá khứ lỗi lầm của mình. Thành năm nay hơn 21 tuổi, đã cai nghiện bắt buộc ở Trung tâm được gần hai năm. Thành sinh trưởng trong một gia đình tương đối khá giả, lại là con một, nên từ nhỏ đã được bố mẹ cưng chiều cũng như đặt hết niềm tin và hy vọng vào Thành. Không phụ lòng cha mẹ, những năm học cấp I, cấp II, Thành luôn là con ngoan, trò giỏi. Tuy nhiên, từ khi lên cấp III, những buồn vui chợt đi, chợt đến của tuổi mới lớn; những rủ rê, mời gọi của bạn bè, Thành đã đến vớí “nàng tiên trắng”, đến với ảo ảnh cuộc đời. Đã thử ma túy một lần thì khó mà dứt ra. Thế rồi Thành sa đà vào những “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm”, cứ về nhà là thấy buồn, là lại đi. Cha mẹ Thành rất đau buồn, nhưng vì sĩ diện nên ban đầu họ đã âm thầm tự cai nghiện cho con. Nhiều lúc không chịu được trước cơn vật vã thèm thuốc của Thành, mẹ Thành đã gạt nước mắt, cắn răng mua ma túy về cho con. Chính vì vậy tình trạng nghiện của Thành không cải thiện được. Bao nhiêu tiền của trong gia đình đã dồn hết cho Thành. Sau đó, Thành bị Ủy ban nhân dân phường áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nhưng kết quả không khả quan: Thành vẫn nghiện. Cuối cùng cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp đưa Thành vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khi vào Trung tâm, Thành đã là một “con nghiện” ma túy nặng, thể lực bị suy kiệt nghiêm trọng. “Lúc đó em đã nghĩ mình khó thoát khỏi cái chết” – Thành nói. Nhưng với sự tận tình của cán bộ, bác sĩ, nhân viên của Trung tâm, đồng thời thực hiện nghiêm quy trình trị liệu, Thành đã cắt cơn, sức khỏe dần hồi phục. “Trong đợt bố mẹ lên thăm em hồi đầu năm, mẹ em đã xúc động không cầm được nước mắt khi thấy em có nhiều tiến bộ như bây giờ. Bố em còn nói với các cán bộ, bác sĩ của Trung tâm rằng, bố mẹ em cứ ngỡ cuộc đời của em thế là bỏ đi, nào ngờ nhờ Trung tâm mà em được cai nghiện ma túy”. Thành bùi ngùi khi nhắc đến bố mẹ. “Còn hơn 3 tháng nữa là em hết thời hạn cai nghiện ở Trung tâm”. Mắt Thành ánh lên niềm vui khi nói với tôi điều đó. Khi được hỏi về lịch lao động, học tập ở Trung tâm, Thành cho biết, hàng ngày, học viên đến lớp, sinh hoạt tập trung vào các chủ đề về đạo đức, trách nhiệm với gia đình và xã hội, tác hại của ma túy, rồi thực hiện lao động trị liệu, chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe. Giờ nghỉ, học viên thư giãn bằng cách đọc báo, nghe đài, xem ti - vi. “Trong thời gian cai nghiện tại đây, em đã lấy được bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và chứng chỉ kỹ thuật viên tin học. Nếu không vào đây, không cai nghiện, em mãi vẫn là đứa chưa tốt nghiệp, chắc giờ đã mắc bệnh AIDS, có khi đã chết rồi anh ạ” - Thành nói rất thật lòng.

Trước khi chia tay, Thành nói với tôi: “Chuyện của em cũng không có gì đáng viết cả, nhưng anh cứ đưa lên báo để các bạn trẻ khác từ câu chuyện của em mà rút kinh nghiệm. Với những gì đã trải qua, em đã biết được tới hai cuộc sống: một là phá hỏng những gì tốt đẹp, hai là làm lại từng chút từ số không”. Thấy tôi hơi ngạc nhiên trước triết lý của Thành, Thành nói tiếp: “Em đã học được rất nhiều ở đây chứ không chỉ là cai nghiện đâu anh ạ. Tất cả những gì em cũng như các học viên khác đang nỗ lực là để được về nhà, lấy lại danh dự bản thân, niềm tin của gia đình, có cơ hội làm lại cuộc đời. Em đã tự thề rằng không bao giờ có lần cai nghiện sau nữa”.

Nhìn vào mắt Thành, tôi tin em sẽ làm được.

 


[1] Những quy định pháp luật trong câu chuyện áp dụng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (Điều 95, 96, 103, 104, 105, 107, 110).

Các tin cũ hơn
Các tin đã đưa ngày: