Liên kết website

Chung sức vì tuổi trẻ

11/06/2013

Cô giáo Lan vừa dắt xe ra ngoài ngõ, đang định lên xe đi thì bỗng nghe thấy tiếng gọi với:

 

- Cô Lan, cô Lan ơi. Dừng lại cho chị nói chuyện một chút!

Thì ra là bác Thúy, người cùng làng với cô. Bác Thúy có con trai tên là Tuấn năm nay lên lớp 11; mặc dù không trực tiếp chủ nhiệm nhưng cô cũng dạy Tuấn môn Hóa ở trường và ở lớp học thêm. Thấy bộ dạng hớt ha, hớt hải của bác Thúy, cô Lan hỏi:

- Có việc gì vậy chị?

Bác Thúy chạy đến bên cô, sốt sắng:

- Cô có muộn giờ làm không? Vào nhà cho tôi hỏi chuyện này một chút.

Cô giáo Lan liền quay xe lại và nói:

- Chưa đến giờ dạy đâu ạ. Em mời chị vào trong nhà, ta nói chuyện

Cô dẫn bác Thúy vào trong nhà. Vừa vào trong, chẳng kịp nước non gì, lời nói của bác Thúy bật ra, tựa như dồn nén đã lâu:

- Thằng cháu Tuấn nó bị nghiện rồi cô ạ. Hôm qua, cháu nó thủ thỉ với tôi, thú nhận là đã bị nghiện ma túy.

- Trời ơi. Cháu nó bị nghiện lâu chưa hả chị? Cô Lan ngạc nhiên, cái cặp sách rơi tuột xuống nền nhà.

Mắt bác Thúy đỏ hoe, giọng bác nghèn nghẹn:

- Cũng mới cô ạ. Nó bị bạn bè lôi kéo, bảo là hút một hai lần không nghiện, thế là thử. Thử lần 1, lần 2 rồi lần 3, lần 4 đến bây giờ khi đã có dấu hiệu bị nghiện rồi thì nó sợ, thú nhận với chị và đòi chị cho đi cai nghiện. Chị thì quanh năm buôn bán, không biết đưa cháu nó đi cai nghiện như thế nào. Cô là cô giáo dạy cháu, lại làm công tác xã hội nhiều, cô tư vấn giúp chị với.

Nghe đầu đuôi sự tình, cô giáo Lan mới nhẹ nhàng trả lời bác Thúy:

- Cám ơn chị đã tin tưởng em. Em đã từng phụ trách công tác đoàn ở trường nhiều năm nên cũng nắm khá rõ về việc cai nghiện.Theo em, trước hết, khi phát hiện cháu Tuấn bị nghiện, anh chị phải thông báo cho Ủy ban nhân dân xã về tình trạng nghiện của cháu và đăng ký cai nghiện cho cháu.

- Đăng ký cai nghiện là đăng ký gì hả cô?  – Bác Thúy hỏi lại.

Để bác Thúy hiểu rõ, cặn kẽ, cô giáo Lan bắt đầu giải thích một cách tỷ mỷ:

- Hiện nay, nhà nước ta quy định ba hình thức cai nghiện bao gồm: cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng và cai nghiện tại cơ sở cai nghiện[1]. Đối với hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình thì gia đình tự cai nghiện cho cháu Tuấn dưới sự hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp xã và sự giúp đỡ của tổ công tác cai nghiện ma túy. Các công việc như điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện sẽ do bác sĩ được đào tạo và được Sở Y tế cấp chứng chỉ thực hiện theo phác đồ điều trị cai nghiện do Bộ Y Tế ban hành[2]. Người nghiện ma túy sau khi hoàn thành giai đoạn cắt cơn sẽ do gia đình quản lý và phối hợp với tổ công tác cai nghiện ma túy[3] hướng dẫn, giúp đỡ người nghiện thực hiện kế hoạch cai nghiện để hiệu quả được cao nhất. Trong trường hợp hai anh chị không có điều kiện điều trị cắt cơn, giải độc cho cháu ngay tại nhà thì có thể đăng ký hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Quá trình tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cũng giống như cai nghiện tại gia đình, chỉ khác ở điểm việc cắt cơn, giải độc cho người nghiện được thực hiện tại cơ sở điều trị cắt cơn ở địa phương hoặc ở các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội[4].

 Thấy có điều chưa hiểu, bác Thúy liền ngắt lời cô Lan:

- Thế nếu cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng xong mà cháu Tuấn vẫn còn nghiện thì nên làm thế nào hả cô?

Nghe xong câu hỏi, cô Lan mỉm cười rồi nói:

- Chị yên tâm, hiện nay, xã ta đang được tuyên dương vì giảm được số lượng người nghiện. Phần lớn là do tổ công tác cai nghiện ma túy của xã ta hoạt động rất hiệu quả. Chị có thể hoàn toàn yên tâm cho cháu cai nghiện ngay tại gia đình hoặc cai nghiện tại cộng đồng. Vì cháu đang ở độ tuổi vị thành niên, cần phải có sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ nên cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong trường hợp cháu đã cai nghiện tại gia đình hoặc tại cộng đồng mà vẫn còn nghiện thì ta phải đưa cháu đến các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, nếu gia đình muốn thì có thể tự nguyện làm đơn xin cho cháu vào cơ sở cai nghiện[5] mà không cần phải thực hiện việc cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng.

- Cô có thể nói rõ hơn về việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện được không? Chị muốn biết thêm về các hình thức cai nghiện khác trước khi quyết định.

- Cũng không có gì phức tạp đâu ạ. Chị có thể cho cháu Tuấn đến cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội của tỉnh. Đây là cơ sở cai nghiện do nhà nước thành lập. Vì cháu Tuấn là người chưa thành niên nên khi cai nghiện ở đây sẽ được hưởng những chế độ ưu đãi riêng mà nhà nước quy định. Cháu sẽ được tiếp tục học văn hóa theo chương trình bình thường. Bên cạnh đó, cháu sẽ được lao động, trị liệu phù hợp và khám, chữa bệnh định kỳ để phát triển khỏe mạnh.

- Ồ! Như thế thì tốt quá. Nhưng liệu ngoài những gì cô đã nói, còn có cách cai nghiện nào nữa không?

- Còn chứ ạ. – Cô Lan phân trần - Nếu chị không muốn cho cháu đến cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội thì có thể đưa cháu đến những cơ sở cai nghiện tự nguyện. Đây là những cơ sở cai nghiện do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Gia đình có thể tiến hành ký hợp đồng dịch vụ cai nghiện với họ và đưa cháu vào đấy.

            Sau khi nghe xong cô giáo Lan tư vấn về các hình thức cai nghiện, bác Thúy chợt suy nghĩ trầm tư, một lúc sau, bác mới khẽ nói:

- Còn một việc mà chị đang đắn đo nữa em ạ. Đây là việc mà chị đang suy nghĩ rất nhiều. Chị băn khoăn không biết là cho cháu đi cai nghiện như thế này liệu có bị coi là phạm pháp và ảnh hưởng đến hồ sơ, lý lịch của cháu sau này không?

Cô Lan vội vàng trấn an bác Thúy:

- Ồ. Không đâu chị ạ. Về vấn đề này thì pháp luật quy định rất rõ, việc cai nghiện ma túy đối với người chưa thành niên không bị coi là việc xử lý vi phạm hành chính[6]. Do đó, gia đình hãy cai nghiện cho cháu mà không nên lo lắng gì nhiều.

Như giải được nút thắt trong lòng, bác Thúy “à” lên một tiếng nhẹ nhõm rồi nói:

- Cám ơn em vì đã tư vấn cho chị nhé. Chị sẽ về bàn với chồng và ngay chiều nay sẽ đưa cháu lên ủy ban xã để khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện.

- Vâng. Có gì thì chị cứ hỏi em, em sẽ tư vấn cho ạ. Hiện nay, em có địa chỉ liên lạc của bác tổ trưởng tổ công tác cai nghiện ma túy của xã mình và địa chỉ liên lạc của các cơ sở cai nghiện ma túy, nếu chị cần, em sẽ liên hệ giúp.

Ngẫm nghĩ một lát, cô giáo Lan lại nói tiếp:

- Vì cháu Tuấn còn nhỏ và non nớt nên gia đình mình cần phải có trách nhiệm với cháu. Anh chị cần phải động viên, giúp đỡ cháu, đừng nên chì chiết, trách móc, đồng thời phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho chính quyền và người có thẩm quyền trong việc cai nghiện cho cháu. Sự ủng hộ của gia đình mới chính là chìa khóa quyết định việc cháu có cai nghiện thành công hay không. – Ngừng một lúc rồi cô giáo Lan nói tiếp – Về việc để cho cháu bị bạn bè lôi kéo dẫn đến nghiện ma túy, nhà trường cũng có lỗi. Em sẽ báo cáo tình trạng của cháu đến cô giáo chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường để từ đó, nhà trường sẽ phối hợp với gia đình cai nghiện cho cháu. Bên cạnh đó, em sẽ kiến nghị với Ban giám hiệu nhà trường để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy, giáo dục lối sống lành mạnh cho học sinh và quản lý học sinh một cách chặt chẽ hơn nữa.

- Được thế thì còn gì bằng. Nếu được nhà trường tạo điều kiện thì việc cai nghiện của cháu sẽ thuận lợi hơn. Trăm sự đành nhờ cô, cô giáo ạ.

Bác Thúy cảm ơn cô giáo Lan rồi ra về. Trong lòng bác lúc này nhẹ nhõm hơn rất nhiều, bao nhiêu khúc mắc trong lòng đã được giải tỏa. Bác nhìn chăm chăm vào con đường phía trước và suy nghĩ: Ma túy thật sự là một hiểm họa đối với tuổi trẻ, nhưng nếu có gia đình và nhà trường cùng hợp sức giúp đỡ thì việc cai nghiện sẽ dễ dàng hơn, tương lai của những người trẻ tuổi sẽ vẫn luôn tươi sáng.



[1] Khoản 2 Điều 26 Luật Phòng, chống ma túy

[2] Khoản 3 Điều 23 Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/09/2010 quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

[3] Điều 5 Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/09/2010

[4] Khoản 1 Điều 23 Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/09/2010

[5] Khoản 1,2 Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy

[6] Khoản 3 Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy

Các tin cũ hơn
Các tin đã đưa ngày: