Liên kết website

Chúng ta hãy cùng hành động

11/06/2013

Một ngày tháng 4, trời nắng nhẹ….

Giờ ra chơi ngắn ngủi giữa buổi học kết thúc, cầm xấp bài kiểm tra trong tay, cô Vân – giáo viên chủ nhiệm lớp 11B – bước vào lớp, mặt thoáng buồn…

 

Cô gật đầu, ra hiệu cả lớp ngồi xuống và gọi Trâm, lớp trưởng, trả bài kiểm tra cho cả lớp. Cô đưa mắt sang chỗ ngồi của Toàn, ghế vẫn trống. Nhìn khắp lớp một lượt nữa, đồng thời xem trên bàn giáo viên cũng không thấy có giấy xin phép, cô hỏi Trâm:

- Hôm nay bạn Toàn lại không đến lớp hả em?

- Dạ! Sáng nay bạn ấy có đến, nhưng giữa tiết 1 có 1 anh xin gặp, Toàn ra ngoài rồi đi tới giờ chưa thấy về lớp ạ. – Trâm rụt rè thưa.

- Cảm ơn em! Em tiếp tục trả bài cho các bạn, riêng bài của Toàn cô giữ lại nhé.

- Thưa cô, vâng ạ!

Buổi học hôm ấy, cô Vân thấy dường như dài hơn mọi ngày. Cuối giờ, cô gọi Trâm ở lại trao đổi.

- Dạo gần đây cô thấy Toàn hay nghỉ học, kết quả học tập sút hẳn. Cô đã gọi điện liên lạc với gia đình Toàn nhưng không được. Em có biết lý do vì sao bạn ấy nghỉ học không?- Cô Vân hỏi.

- Dạ, em cũng thấy hai tuần nay bạn ấy nghỉ học nhiều, tinh thần cũng không tốt lắm, đến lớp hay buồn ngủ, thỉnh thoảng lại ngủ gật trong lớp, có vẻ rất mệt mỏi.

- Bây giờ cô trò mình qua nhà bạn ấy nhé, em biết nhà bạn chứ?

- Vâng ạ. Trâm trả lời. Hai cô trò cùng đi tới nhà Toàn.

Căn nhà cấp 4 nhỏ nhưng gọn gàng. Tiếp hai cô trò là mẹ của Toàn, bà tầm ngoài 40 tuổi, vẻ mặt bơ phờ, mệt mỏi khiến bà trông già hơn tuổi. Khi cô giáo hỏi chuyện Toàn, bà mới biết là con mình bấy lâu nay bỏ học. Hằng ngày, Toàn vẫn đến trường bình thường và thỉnh thoảng về muộn vì “học thêm” – lý do Toàn nói với mẹ. Rưng rưng nước mắt, bà kể:

- Tôi và nhà tôi vốn xung khắc, kể từ ngày lấy nhau tới giờ, đã gần hai mươi năm, nhưng những ngày hạnh phúc thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chồng tôi tính tình cục cằn, thô lỗ, thường xuyên chửi bới, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ con. Thằng bé từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh mẹ bị đánh đập nên nó thương mẹ lắm cô giáo ạ! Không bao giờ nó để tôi phải làm việc nặng, nó toàn bảo để đó con làm, mẹ vào nghỉ ngơi…(Nói đến đây, bà lấy khăn lau nước mắt). Dạo gần đây, nhà tôi lại mê cờ bạc, thế là bao nhiêu đồ đạc trong nhà ông ta mang bán hết. Nhà có cái điện thoại, ông ta cũng đem bán đi rồi nên cô gọi không được. Thua bạc, ông ta về nhà lại đánh đập vợ con. Thằng bé vì bảo vệ tôi mà bị ông ấy đánh, rồi đuổi ra khỏi nhà. Thế là nó đi, nhưng khuya nó lại về, nó bảo lo cho mẹ, ai ngờ, giờ nó lại bỏ bê học hành như vậy! Cô giáo ơi, thằng bé là đứa ngoan ngoãn, nghe lời. Giờ nó như vậy, tất cả lỗi là do tôi! Cô giáo ơi, mong cô giúp đỡ cháu nó, trăm sự nhờ cô….

Mẹ Toàn sụt sùi, nhìn cô với ánh mắt đau khổ, cô Vân thấy lòng nặng trĩu. Chào tạm biệt mẹ Toàn, hai cô trò ra về, cả hai đều lo lắng, không biết Toàn lang thang chỗ nào.

Cuối buổi học hôm sau, Trâm quyết định đi theo Toàn mà không cho Toàn biết. Toàn không rẽ về nhà mà đi thẳng xuống cuối ngõ, nơi có mấy căn nhà bỏ hoang. Trong một căn phòng nghi ngút khói thuốc, có những kẻ vừa hút thuốc xong nằm vật ra một góc tận hưởng cảm giác “phê” do hơi thuốc mang lại. Tay run rẩy, Toàn cầm bật lửa, hơ dưới mảnh giấy trên có một thứ bột màu trắng và cố hít thứ khói đang bay lên…Tất cả những cảnh đó, đập vào mắt Trâm, không tin nổi, Trâm hét lên:“Toàn… cậu…” rồi bỏ chạy. Nhìn thấy Trâm, Toàn như sực tỉnh, vội đuổi theo.

- Trâm, chờ tôi với!!! Toàn gọi với theo.

Trâm quay lại nhìn Toàn, đôi mắt ngân ngấn nước, môi mấp máy không thành lời:

- Cậu… Cậu làm cái gì vậy?... Sao cậu lại như vậy???...

- Tôi, tôi…Toàn ấp úng.

Rồi nhìn Trâm, Toàn dứt khoát:

- Tôi chán nản, tôi là đồ bỏ đi, giá như không có tôi trên đời!

- Cậu nghĩ gì vậy, cậu còn có mẹ, còn chúng tôi, cậu có biết cậu bỏ học, mẹ đau lòng thế nào không? Giờ cậu là niềm hi vọng duy nhất của mẹ, vậy mà cậu lại thế này sao?

- Tất cả đã muộn. Tôi nghiện rồi! Cậu thấy rồi đấy, giờ thì cậu về đi! Toàn lạnh lùng đáp.

- Không, cậu phải đi với tôi. Cậu cần phải cai nghiện. Tôi và mọi người sẽ giúp cậu. Trâm kiên quyết.

- Ha ha… Cậu ngây thơ lắm, tôi chán lắm rồi! Toàn cười đau xót, rồi quay đi.

Trâm nức nở, cô không ngờ Toàn giờ lại như vậy. Hôm sau, Trâm đến gặp cô Vân, kể với cô về chuyện của Toàn, cô Vân cũng bất ngờ không kém. Hai cô trò quyết định tới gặp bà Mai – trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Sở Tư Pháp tỉnh để nhờ tư vấn giúp về trường hợp của Toàn

Cô giáo Vân và Trâm được bà Mai tiếp đón niềm nở. Sau khi nghe câu chuyện của hai người, bà đăm chiêu một lúc. Rồi bà bảo:

- Ma túy, nghiện thì dễ, nhưng để cai nghiện được thì phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và quyết tâm của người nghiện, bên cạnh đó cũng rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên của gia đình, nhà trường, sự quan tâm, chia sẻ của những người xung quanh.

- Vậy chúng tôi cần phải làm gì để giúp em Toàn từ bỏ ma túy? Cô Vân hỏi.

- Theo tôi, việc cần làm là phải báo cho gia đình Toàn biết về tình trạng nghiện của Toàn, động viên Toàn và gia đình khai báo với chính quyền địa phương và đăng ký hình thức cai nghiện thích hợp. Nếu em đó mới nghiện và quyết tâm cai nghiện có thể áp dụng hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Cai nghiện là một việc khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và cả tấm lòng nữa. Tôi tin với lòng yêu thương học trò của cô, của các bạn, cậu ấy sẽ sớm trở lại là một học trò ngoan ngoãn.

Nói rồi bà Mai nhìn cô giáo và Trâm. Hai người khẽ gật đầu.

- Có lẽ cô cũng nên trao đổi với gia đình Toàn để gia đình có trách nhiệm giáo dục con, em mình về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, quản lý, ngăn chặn con em không để họ tham gia tệ nạn ma túy.[1]

- Chị có thể nói cụ thể hơn về trách nhiệm của gia đình khi có người nhà mắc nghiện để em trao đổi với bố mẹ Toàn.

- Đúng thế. Khi trong gia đình có người nghiện ma túy, ngoài việc phải khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện với chính quyền địa phương, gia đình người nghiện phải có trách nhiệm động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế; theo dõi, phòng, ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy; phối hợp, hỗ trợ cán bộ y tế trong hoạt động cai nghiện[2].

- Em cám ơn chị nhiều. Em sẽ đến nhà Toàn nói chuyện với bố mẹ Toàn ngay và phối hợp cùng gia đình cai nghiện cho Toàn. Cô Vân nói.

- Nhân đây tôi nói để cô giáo và em biết, để ngăn chặn việc học sinh tham gia các tệ nạn xã hội, nhà trường cũng có trách nhiệm. Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, nhà trường có trách nhiệm: tổ chức thực hiện chương trình giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma túy; phối hợp với gia đình, cơ quan tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên về phòng chống ma túy; phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma túy.[3]

- Ồ! Nếu chị cộng tác với nhà trường trong việc phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh vào các giờ học ngoại khóa thì hay quá. Chị giúp nhà trường việc đó chị nhé. – Cô Vân vội vàng đề nghị.

- Được chứ. Tôi rất vui nếu được tham gia cùng nhà trường góp phần ngăn chặn tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Luật Phòng, chống ma túy nêu rõ phòng, chống ma túy là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội mà. Bà Mai trả lời

- Cám ơn chị, em xin phép về. Hẹn gặp chị trong giờ ngoại khóa của trường.

- Cháu chào bác, cháu về.

- Nhất định tôi sẽ đến. Chúng ta hãy cùng hành động để bảo vệ con em mình. Chào cô giáo, chào cháu.



[1] Khoản 1 Điều 6 Luật Phòng, chống ma túy

[2] Khoản 2 Điều 26 Luật Phòng, chống ma túy

[3] Điều 10 Luật Phòng, chống ma túy

Các tin cũ hơn
Các tin đã đưa ngày: