Thẩm định trên 42.000 văn bản
Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành. Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, tham mưu kịp thời, có chất lượng để kịp thời góp ý, thẩm định các chính sách, quy định để ứng phó với đại dịch Covid-19. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 28 đề nghị, các Sở Tư pháp thẩm định 294 đề nghị xây dựng VBQPPL; toàn Ngành đã thẩm định 5.808 dự thảo VBQPPL.
Bộ Tư pháp cho biết, tính cả nhiệm kỳ, toàn Ngành đã thẩm định trên 42.000 văn bản. Báo cáo thẩm định của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng có chất lượng và thể hiện rõ quan điểm về điều kiện trình các dự án, dự thảo VBQPPL, được các cơ quan, cá nhân liên quan đánh giá cao, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng văn bản.
Công tác kiểm tra VBQPPL tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác xử lý văn bản trái pháp luật được đẩy mạnh thông qua việc theo dõi, đôn đốc xử lý và kiến nghị xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng hơn công tác tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền, tích cực thực hiện kiểm tra văn bản theo lĩnh vực, địa bàn và các nguồn thông tin.
Năm 2020, toàn Ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 9.804 VBQPPL; qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 234 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (chiếm tỉ lệ 2,38% trên tổng số văn bản được kiểm tra, giảm 0,4% so với năm cuối của nhiệm kỳ trước). Tính cả giai đoạn 2016-2020, Bộ Tư pháp và Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền hơn 40.000 văn bản.
Năm 2020, công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đạt nhiều kết quả ấn tượng. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã tổ chức rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, với gần 8.800 văn bản; qua đó, các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản đã được Chính phủ Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu. Bộ Tư pháp cũng có Báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ và gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham khảo về kết quả rà soát quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid -19 đến nền kinh tế. Theo thống kê, năm 2020 toàn Ngành đã tập trung rà soát được 32.187 VBQPPL, kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 4.765 văn bản; nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức rà soát được số lượng văn bản lớn.
Trong cả nhiệm kỳ, công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đã được Bộ, ngành Tư pháp thực hiện thường xuyên, tổ chức rà soát theo nhiều chuyên đề, lĩnh vực (đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, xây dựng, đất đai, y tế…); đồng thời định kỳ hằng năm công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực; thực hiện và hoàn thành việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014-2018 thống nhất trong cả nước. Qua đó, góp phần quan trọng vào xây dựng, hoàn thiện và công khai, kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật minh bạch hệ thống pháp luật.
Kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhìn nhận, chất lượng của một số quy định pháp luật chưa cao; tính dự báo, khả thi và ổn định của hệ thống pháp luật còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án luật do các Bộ, ngành chủ trì xây dựng chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng. Vẫn còn tình trạng các dự án, dự thảo văn bản sau khi đã đưa vào chương trình nhưng phải xin lùi, rút điều chỉnh. Tình trạng nợ, chậm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh tại các Bộ, ngành đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục hiệu quả và có xu hướng tăng trở lại trong vài năm gần đây
Bên cạnh đó, còn khá nhiều văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận nhưng chậm được xử lý. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật nhìn chung chưa được thực hiện một cách thỏa đáng, chỉ mới ở mức độ rút kinh nghiệm, phê bình, chưa bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL.
Năm 2021, Bộ Tư pháp xác định sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL để kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và việc xử lý kết quả rà soát VBQPPL đã được thực hiện trong năm 2020.
Nguồn: baophapluat.vn