Đảm bảo nghiêm minh, kịp thời
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC - Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022).
Để kịp thời triển khai thi hành Luật và tiếp tục thi hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 19/2020/NĐ-CP) đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, trong năm 2021, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, xác định những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể để thực hiện những nhiệm vụ đó.
Luật số 67/2020/QH14 gồm có 03 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật XLVPHC năm 2012 hiện hành.
Theo đó, nhiều nội dung cơ bản, quan trọng của Luật XLVPHC như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng và điều kiện, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính… đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn thi hành pháp luật về XLVPHC.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý công tác THPL về XLVPHC đối với các bộ, ngành và địa phương trong toàn quốc, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2021 là thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra tình hình THPL về XLVPHC, xử lý nghiêm minh, kịp thời, minh bạch, kiên quyết duy trì trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ thực thi pháp luật về XLVPHC, khắc phục tình trạng hoạt động công vụ về XLVPHC còn bị buông lỏng, thiếu nghiêm minh, thiếu thường xuyên, thiếu tính khẩn trương, quyết liệt để xảy ra vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong năm 2021, việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Tư pháp và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương. Để việc triển khai thi hành Luật được kịp thời, hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều công việc được giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Bước sang năm 2021, để tiếp tục triển khai thi hành có hiệu quả Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần lưu ý một số vấn đề.
Cụ thể, về việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của văn bản khi được ban hành và có hiệu lực.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch kiểm tra, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình THPL về XLVPHC; chú trọng kiểm tra liên ngành một số lĩnh vực trọng điểm như lĩnh vực y tế, giao thông, xây dựng, an toàn thực phẩm, tài nguyên nước và khai thác khoáng sản...
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục quan tâm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị định số 19/2020/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức để các cán bộ tư pháp, pháp chế phải có hiểu biết chuyên sâu pháp luật về XLVPHC, kinh nghiệm, kiến thức thực tế chuyên ngành đối với lĩnh vực được kiểm tra. Đây là một trong những thách thức cơ bản đặt ra và cần quan tâm, chú trọng thực hiện bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ pháp luật về XLVPHC trong năm 2021.
Bên cạnh đó, ở trung ương, Bộ Tư pháp tăng cường công tác tổ chức kiểm tra công tác THPL về XLVPHC ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm tra công tác thi hành pháp luật ở ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Ở địa phương: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở địa phương mình. Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình…
Nguồn: baophapluat.vn