Liên kết website

Thông tư số 01/2011/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn

25/04/2011

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động chăn nuôi lợn; vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn; động vật khác cảm nhiễm với bệnh dịch tả lợn.

            Theo Thông tư, Bệnh dịch tả lợn (Classical Swine Fever) là bệnh truyền nhiễm của loài lợn, gây ra bởi một loại vi rút có cấu trúc ARN thuộc giống Pesti vi rút, họ Flaviridae. Bệnh chỉ xảy ra ở loài lợn với các thể cấp tính, á cấp tính, mạn tính hoặc dạng không điển hình. Bệnh dịch tả lợn có tốc độ lây lan rất nhanh và tỷ lệ chết đến 90% và thường ghép với bệnh khác như bệnh Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, Đóng dấu lợn. Vi rút dịch tả lợn sống lâu ở các sản phẩm thịt, thịt lợn đông lạnh, tuy nhiên vi rút dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát trùng thông thường như xút (NaOH) 2%, nuớc vôi 5%, nhiệt độ cao.

            Đường truyền lây: Vi rút xâm nhập thông qua con đường thương mại, vận chuyển. Lợn mẫn cảm có thể nhiễm bệnh trực tiếp từ con ốm sang con khoẻ, qua thức ăn, nước uống có chứa vi rút hoặc gián tiếp qua các chất bài tiết, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển hay do các động vật khác mang mầm bệnh.

            Triệu chứng: Thời gian nung bệnh từ 3-7 ngày và bệnh có thể xuất hiện ở một trong 3 thể:

            + Thể quá cấp tính: Bệnh xuất hiện đột ngột, không có triệu chứng ban đầu, lợn ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao 41-420C, dẫy dụa rồi chết nhanh trong vòng 24-48 giờ. Diễn biến trong vòng 1-2 ngày, tỷ lệ chết tới 100%.

            + Thể cấp tính: Lợn ủ rũ, kém ăn, rồi bỏ ăn, sốt cao 41-420C kéo dài đến lúc gần chết, mắt viêm đỏ có dử, chảy nước mũi, miệng có loét phủ nhựa vàng ở lợi, chân răng, hầu; lợn thường bị ói mửa, thở khó, nhịp thở rối loạn... Nếu ghép với các bệnh khác thì các triệu chứng trên trầm trọng hơn.

            + Thể mãn tính: Lợn tiêu chảy gầy yếu, lợn bệnh chết do kiệt sức, lợn có thể khỏi bệnh nhưng vẫn mang vi rút.

            Phòng bệnh:

            Người chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi thường xuyên (mùa hè hàng ngày cọ rửa chuồng, máng ăn, máng uống); sau khi xuất bán lợn, phải tổng tẩy uế, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường và để trống chuồng từ 5-7 ngày; lợn mới mua về phải nhốt riêng ít nhất 07 ngày để theo dõi lâm sàng cho đến khi chắc chắn lợn không có bệnh mới được nhập nuôi chung với đàn lợn cũ đang có.

            Tiêm phòng bệnh dịch tả lợn phải được thực hiện định kỳ mỗi năm 2 lần vào tháng 3-4 và tháng 9-10. Tiêm phòng bổ sung đối với lợn mới sinh, lợn chưa được tiêm trong thời gian tiêm định kỳ, tiêm nhắc lại đối với lợn hết thời gian miễn dịch.

            Người chăn nuôi lợn phải thực hiện giám sát lâm sàng đối với đàn lợn để chủ động phát hiện bệnh kịp thời, không dấu khi lợn mắc bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không vứt lợn chết bừa bãi.

            Chống dịch:

            Chủ vật nuôi khi phát hiện lợn có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn thì phải khai báo ngay với cơ quan thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y xã hoặc trưởng thôn, ấp; đồng thời cách ly ngay lợn mắc bệnh ra khu vực khác. Cán bộ thú y cơ sở, trạm Thú y huyện, Chi cục thú y, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm kiểm tra, xác minh bệnh dịch. Khi có đủ điều kiện công bố dịch theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh Thú y thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố dịch đồng thời công bố vùng bị uy hiếp, vùng đệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định của pháp luật.

            Dịch xuất hiện trên địa bàn xã thì công bố xã có dịch. Dịch xuất hiện ở 1/2 số xã trở lên thì công bố dịch toàn huyện; Dịch xuất hiện ở 1/2 số huyện trở lên thì công bố dịch toàn tỉnh. Cấm vận chuyển lợn mắc bệnh, sản phẩm chưa qua chế biến có nguồn gốc từ lợn, phân rác thải chăn nuôi ra khỏi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp trong thời gian có dịch. Đặt biển báo nơi có dịch tả lợn và hạn chế người không liên quan ra, vào vùng dịch; tiêu độc, khử trùng mọi phương tiện ra khỏi vùng có dịch. Khẩn trương tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn cho toàn bộ đàn lợn trong vùng dịch.

            Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố hết dịch khi có đủ các điều kiện sau: Tất cả lợn trong diện phải tiêm phòng thuộc vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn và đã có miễn dịch; đã qua 21 ngày kể từ ngày con lợn cuối cùng bị chết, bị giết mổ bắt buộc hoặc bị tiêu hủy, không có con lợn nào khác bị mắc bệnh hoặc bị chết vì bệnh dịch tả lợn; đã thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần liên tục trong 2 tuần đối với hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi đã bị dịch, vùng có dịch.

            Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Các tin đã đưa ngày: