Theo Pháp lệnh, có 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, gồm: cấm cá nhân sở hữu vũ khí (trừ vũ khí thô sơ gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ); các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép; vận chuyển, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn; giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; mua bán trái phép, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…
Pháp lệnh cũng quy định, 05 đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm, lực lượng chống buôn lậu Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu và An ninh hàng không.
04 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao, gồm: Các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao; Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh; Tổ chức khác có nhu cầu trang bị vũ khí thể thao để tập luyện, thi đấu thể thao được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, cấp phép hoạt động.
03 đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ là: các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng và đối tượng được trang bị vũ khí thể thao; Đội kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường; ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; cơ quan thi hành án dân sự; Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc: Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Cũng theo Pháp lệnh này, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kì nguồn nào hoặc khi phát hiện, nhặt được vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì phải khai báo, giao nộp cho cơ quan Quân sự, Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.