Nghị định quy định cụ thể hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm như: Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy; vi phạm về hồ sơ quản lý công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy; vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, bảo quản và sử dụng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sản xuất, kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; vi phạm quy định trong vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong thiết kế, lắp đặt, quản lý, sử dụng điện; vi phạm quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong thiết kế, thi công, kiểm tra, bảo trì hệ thống chống sét; vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng; vi phạm quy định về khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy và ngăn cháy; vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy; vi phạm về phương án chữa cháy của cơ sở; vi phạm về thông tin báo cháy; vi phạm về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy; vi phạm về công tác chữa cháy; hành vi để xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình; xử phạt cá nhân, tổ chức để xảy ra cháy, nổ…
Đáng chú ý là Nghị định số 52/2012/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ từ 10 - 20 triệu đồng, tăng 02 lần so với quy định cũ. Đây cũng là mức phạt được áp dụng cho các hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép quy định; không thiết kế, lắp đặt các hệ thống điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định; xây dựng công trình vi phạm khoảng cách ngăn cháy…
Mức phạt tiền cao nhất là từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: hành vi sử dụng trái phép chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định; không làm tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy theo quy định; làm mất tác dụng ngăn cháy của tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy; cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định; mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành; cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không tách riêng hợp đồng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói theo quy định; không trích nộp phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định; vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000 đồng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy nêu trên còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm gây ra; buộc khôi phục tình trạng ban đầu; di chuyển chất nguy hiểm về cháy, nổ do vi phạm hành chính gây ra đến kho, địa điểm theo quy định...
Nghị định này thay thế Nghị định số 123/2005/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/08/2012.