Đối tượng áp dụng là tổ chức tín dụng bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã và công ty tài chính; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương trong thời gian chưa chuyển đổi thành ngân hàng hợp tác xã thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh theo quy định đối với ngân hàng hợp tác xã; các tổ chức (bao gồm tổ chức tín dụng nước ngoài trong trường hợp đồng bảo lãnh), cá nhân có liên quan đến nghiệp vụ bảo lãnh.
Thông tư quy định về quản lý ngoại hối trong bảo lãnh ngân hàng; những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp; xác định số dư bảo lãnh trong thực hiện quy định về giới hạn cấp tín dụng; sử dụng ngôn ngữ; áp dụng tập quán và lựa chọn giải quyết tranh chấp; phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh.
Đối với bên được bảo lãnh, điều kiện để được bảo lãnh ngân hàng là: Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; nghĩa vụ bảo lãnh và giao dịch phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh là hợp pháp; có khả năng thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ cam kết với các bên liên quan trong quan hệ bảo lãnh.
Đồng thời, Thông tư còn quy định về bảo lãnh đối với tổ chức là người không cư trú; hồ sơ đề nghị bảo lãnh; hợp đồng cấp bảo lãnh; cam kết bảo lãnh; thẩm quyền ký hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh; bảo đảm cho nghĩa vụ của bên được bảo lãnh; phí bảo lãnh; thời hạn bảo lãnh; miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh; đồng bảo lãnh; bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới; quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về bảo lãnh; quyền của bên bảo lãnh và bên bảo lãnh đối ứng; quyền của bên xác nhận bảo lãnh; nghĩa vụ của bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng và bên xác nhận bảo lãnh; quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh và quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/12/2012, thay thế Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/06/2006 của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế bảo lãnh ngân hàng.