Liên kết website

Ngày 23/7/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm

01/01/0001

Nghị định này quy định trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tài sản (sau đây gọi chung là đăng ký giao dịch bảo đảm); tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.

 

Theo đó, các giao dịch bảo đảm phải đăng ký bao gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển; các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định.

Các giao dịch bảo đảm bằng tài sản không thuộc các trường hợp nêu trên được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định như sau: trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; trong trường hợp tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm thông tin về giao dịch bảo đảm được ghi vào sổ đăng bạ tàu bay, sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam; trong trường hợp tài sản bảo đảm là các tài sản khác thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

Việc đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký đến thời điểm xóa đăng ký theo đơn của người yêu cầu xóa đăng ký.

Hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm được nộp theo một trong 4 phương thức: nộp trực tiếp tại trụ sở của cơ quan đăng ký; gửi qua đường bưu điện; gửi qua fax hoặc thư điện tử đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản tại các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản với điều kiện người yêu cầu đăng ký đã đăng ký khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15h thì hoàn thành việc đăng ký ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì cũng không quá 03 ngày làm việc.

Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm từ chối đăng ký khi có một trong các căn cứ sau: Không thuộc thẩm quyền đăng ký; hồ sơ đăng ký không hợp lệ; người yêu cầu đăng ký không nộp lệ phí đăng ký hoặc không thanh toán lệ phí đúng thời hạn; yêu cầu đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót trong trường hợp đã xóa đăng ký giao dịch bảo đảm; khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu trữ tại cơ quan đăng ký; khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không đúng sự thật hoặc có giấy tờ giả mạo.

Về quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, có các nhiệm vụ mới và quan trọng như: Trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm; chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm; chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan ban hành, quản lý và hướng dẫn việc sử dụng các mẫu đơn, giấy tờ, sổ đăng ký, tổ chức quản lý Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm; hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảmNgoài ra, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đã bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đồng thời quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm. Một trong những quy định mới tại Nghị định 83/2010/NĐ-CP đó là giao Sở Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm ở địa phương. Nghị định cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các cơ quan có liên quan. Đây là một trong những điểm mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm tăng cường việc công khai, minh bạch hoá thông tin về tài sản bảo đảm. Để cơ chế phối hợp trao đổi thông tin về tài sản bảo đảm thực sự có hiệu quả khi triển khai trong thực tế, Nghị định của Chính phủ cũng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an hướng dẫn trình tự, thủ tục trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/9/2010 và thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Các tin đã đưa ngày: