Liên kết website

Hà Nội: Tăng cường phổ biến pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm

24/10/2021

Trên cơ sở kết quả chỉ đạo điểm đã đạt được của Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012-2016, giai đoạn 2017 – 2021 Thành phố Hà Nội đã lựa chọn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức và phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm đạt những kết quả tích cực.

Theo đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo huyện Mỹ Đức, quận Bắc Từ Liêm tổ chức các hoạt động PBGDPL bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với nhu cầu của người dân; biên soạn tài liệu chuyên đề về đất đai, các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; các văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cấp phát cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở và Nhân dân trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân... giúp cho nhân dân hiểu và chấp hành theo quy định của pháp luật.

UBND Thành phố đã tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giải đáp pháp luật về đất đai cho 600 lượt cán bộ và Nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (năm 2018 và năm 2020); 01 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho 300 lượt cán bộ và Nhân dân phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm năm 2019.

UBND Thành phố bố trí kinh phí và chỉ đạo UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức sân khấu tại UBND phường Minh Khai (năm 2019) theo hình thức sân khấu hóa với các nội dung liên quan đến pháp luật hình sự, dân sự, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự, quy tắc ứng xử nơi công cộng... Cuộc thi được tổ chức với sự tham gia của 08 đội thi đến từ các Tổ dân phố thuộc phường. Thông qua trả lời các câu hỏi về pháp luật của Ban Giám khảo, thi tiểu phẩm của các đội thi đã giúp người dân đến theo dõi cuộc thi hiểu biết hơn về pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Các quận, huyện, phường, xã được lựa chọn chỉ đạo điểm đã tập trung triển khai thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL theo kế hoạch đã đề ra. Nhiều mô hình sáng tạo về tuyên truyền, PBGDPL được triển khai trên địa bàn như: Tổ chức nghiên cứu các vướng mắc, khó khăn trong việc thi hành pháp luật; tạo nhóm zalo trao đổi các thông tin về các văn bản pháp luật; tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo chuyên đề; tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm; “Tuổi trẻ sống đẹp, tham gia xây dựng văn hóa người Hà Nội”; nhóm đồng đẳng chia nhỏ từ 5-7 người để tuyên truyền cho phù hợp với giờ lao động và sinh hoạt của họ...; tuyên truyền lưu động trực tiếp tới các Tổ dân phố trên địa bàn bằng hình thức đạp xe tuyên truyền; tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; tự phòng, tự vệ về an ninh trật tự ; Tổ tư vấn pháp luật tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em; câu lạc bộ phụ nữ và pháp luật; Nhóm Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 35 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng...

Những cách làm của Hà Nội trong việc phổ biến pháp luật ở địa bàn trọng điểm đã mang lại những hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực, đặc biệt là các đơn vị, cán bộ trực tiếp làm công tác PBGDPL trong tham mưu cho lãnh đạo những sáng kiến, giải pháp sát với thực tế của địa phương, đơn vị mình quản lý; chủ động, tích cực thực hiện tốt vai trò đầu mối phối hợp trong điều phối, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan;

Đòng thời, tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác tuyên truyền, PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị các cấp; phát huy vai trò của cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể tại địa bàn trọng điểm tham gia giám sát, phê bình, nhắc nhở, giáo dục các thành viên tích cực gương mẫu, nghiêm túc chấp hành và thực hiện đúng pháp luật; chú trọng phát hiện các mô hình, cách làm mới về PBGDPL có hiệu quả, phù hợp với thực tế tại địa bàn; rút ra bài học kinh nghiệm và định hướng giải pháp để tiếp tục phát huy, kế thừa kết quả của Đề án trong thời gian tới. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời kịp thời nhắc nhở, đôn đốc, có cơ chế xử lý phù hợp những đơn vị, cá nhân còn thiếu trách nhiệm trong thực hiện Đề án để tạo động lực thúc đẩy Đề án hoạt động có hiệu quả.

Trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng mạng xã hội facebook, zalo, tin nhắn điện thoại) để tuyên truyền, PBGDPL là một hình thức mang lại hiệu quả thiết thực, có tính lan tỏa rộng rãi trong Nhân dân.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử 
Các tin đã đưa ngày: