Liên kết website

Dòng sông quê tôi

29/12/2015

Mặt trời còn chưa ló rạng, trên con đường đất còn lầy lội sau trận mưa rào đêm qua, bóng vài người dáng vẻ vội vã đang lao nhanh về phía Đình làng của xã Đồng Tiến. Hôm nay, đại diện lãnh đạo xã sẽ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến quần chúng để có biện pháp xử lý đối với nhà máy sản xuất quần áo AKONOCO vì đã gây ô nhiễm tới con sông là nguồn nước sinh hoạt của người dân trong xã.

Trong ngôi đình của làng giờ đã “chật ních” người dân đến tham gia, mọi người đều bàn luận xôn xao. Một người dân cao tuổi trong xã sau khi rít xong mồi thuốc lào, nhả khói rồi trầm ngâm nói.

Người dân ( q/c):

- Nói bọn trẻ bọn mày không tin chứ hồi tao còn bé, ngày nào tao cũng phải theo lũ bạn đi tắm sông, bắt cá trên con sông chảy qua làng mình. Hồi đó, nước sông vừa trong vừa mát chứ không bẩn thỉu, hôi thối như bây giờ đâu

Mấy cậu thanh niên xung quanh nghe thế cũng nhao nhao góp ý kiến.

 Vài thanh niên tranh nhau nói:

- (Thanh niên 1):  Bác nói đúng lắm, bây giờ con sông này có khác gì sông chết đâu chứ. Nước sông thì đen ngòm, mùi ôi  thối  bốc lên quanh năm.

- (Thanh niên 2): Trẻ khỏe như bọn cháu còn không chịu nổi chứ chưa nói đến các mấy bác lớn tuổi phải sống gần bờ sông, cứ đau ốm liên miên.

- (Thanh niên3): Chưa kể dạo này, xã mình còn xuất hiện lắm trường hợp mắc ung thư nữa chứ!

Một người dân đứng tuổi tiếp:

- Tất cả đều do cái nhà máy AKONOCO chứ đâu. Từ khi nó xây dựng ở cạnh con sông là cá chết, tôm chết, giờ đến người cũng sắp ngắc ngoải rồi đây. Giá mà con sông trở lại được như xưa!

Đúng lúc này anh Tuấn chủ tịch xã đứng lên phát biểu:

- Xin bà con trật tự để cuộc họp được bắt đầu. Kính thưa bà con, như bà con đã biết hôm nay chúng ta tập trung ở đây để bàn về phương án giải quyết đối với công ty AKONOCO. Đề cuộc họp được bắt đầu, tôi xin mời anh Vương là cán bộ Phòng Tư pháp huyện sẽ xuống trình bày phương án giải quyết cho bà con cùng nghe. Vâng, xin mời anh Vương.

Anh Vương và chủ tịch xã Tuấn ngồi bên cái bàn kê cao còn quần chúng nhân dân ngồi trên các manh chiếu trải trong Đình làng. Anh Vương vừa mở cặp tài liệu lấy ra những giấy tờ văn bản pháp luật để chuẩn bị cho buổi thuyết trình. Anh nhìn khắp dân chúng một lượt rồi trịnh trọng nói.

Anh Vương:

- Cám ơn anh Tuấn, thưa bà con. Hồi nãy được nghe bà con nói chuyện về công ty AKONOCO. Tôi biết bà con rất bức xúc nhưng bà con cứ yên tâm, nếu sau khi xác định được công ty đó đã làm ô nhiễm tới dòng sông xã ta thì thiệt hại đến đâu công ty sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bà con đến đấy

Vừa nghe thấy thế, một người dân liền nói lớn:

- Chúng tôi chỉ là nông dân ít học sao biết được mấy cái rắc rối đấy. Giờ chỉ biết là từ khi công ty đó tới là con sông trở nên hôi thối ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người thôi!

Tuấn vội đứng lên nói lớn:

- Bà con cứ yên tâm, pháp luật đã quy định rõ “Trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường” sẽ do các cơ quan nhà nước thực hiện. Xin mọi người hãy trật tự để nhe anh Vương giải thích. Mời anh Vương tiếp tục.

Anh Vương nhìn Tuấn gật đầu rồi nói tiếp:

 Cụ thể, Điều 3 của Nghị định số 113/2010/NĐ-CP ngày 03/12/2010 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường quy định như sau:

Anh Vương cầm văn bản Pháp luật lên rành rọt đọc cho mọi người nghe. Trong lúc anh Vương đọc các khuôn mặt của dân chúng chăm chú lắng nghe…

Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường quy định tại khoản 2 Điều này.

 Trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại được quy định như sau: Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra;  Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai xã, thị trấn, thị tứ trở lên; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên;  Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Trách nhiệm thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường được quy định như sau: Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn của mình, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên thuộc phạm vi quản lý của mình, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này; Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Cơ quan thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường quy định tại khoản 3 Điều này có trách nhiệm tính toán thiệt hại, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường và cung cấp kết quả cho cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này để yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục để thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.”

Đọc xong anh Vương nhìn mọi người nói tiếp:

- Như vậy, đối với trường hợp xã ta, thì Ủy ban nhân dân xã Đồng Tiến sẽ là cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và Ủy ban nhân dân huyện sẽ có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định rõ thiệt hại giúp cho UBND xã có cơ sở để yêu cầu. Như vậy thì bà con đã yên tâm chưa ạ?

Một đại diện người dân phát biểu:

- Ừ nếu thế chúng tôi tán thành thôi.

 Mọi người đồng thanh nói:

          -  Thế chúng tôi có thể giúp đỡ được gì để đẩy nhanh hoạt động này không?

Anh Vương:

- Cám ơn bà con. Được sự giúp đỡ bà con thì còn gì bằng! Tôi xin nói thêm cho bà con được rõ, các dữ liệu, chứng cứ cần thu thập để xác định thiệt hại đối với trường hợp nước bị ô nhiễm ở xã ta bao gồm các dữ liệu sau:

     + Nguồn thải, hoạt động gây sự cố môi trường, xâm hại tới môi trường trực tiếp hoặc liên quan đến khu vực dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái;

     + Thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái (cụ thể ở đây là công ty AKONOCO) bao gồm: loại hình hoạt động; sản phẩm, công suất, nguyên liệu đầu vào; quy trình sản xuất; chất thải; điểm xả thải; biện pháp xử lý chất thải; công tác quan trắc, phân tích các thông số môi trường;

     + Diện tích, thể tích, khối lượng nước bị ô nhiễm;

     + Chất gây ô nhiễm và hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong nước;

     + Quyết định, giấy phép, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định việc sử dụng hoặc phê duyệt quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường nước tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái.

Ngoài ra các dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại này phải được thu thập theo hình thức và thời điểm được quy định tại Điều 5 Nghị định số 113/2010/NĐ-CP. Theo đó:

- Dữ liệu, chứng cứ có thể được thu thập dưới hình thức: hình ảnh, băng từ, dữ liệu thu được từ quan trắc, đo đạc, phân tích, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý và các hình thức khác.

- Dữ liệu, chứng cứ phải được thu thập hoặc ước tính tại thời điểm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức cao nhất tính từ khi xảy ra hoặc tại thời điểm phát hiện môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.

Sau khi thu thập đủ dữ liệu, UBND huyện sẽ tính toán theo công thức được pháp luật quy định để xác định thiệt hại và chuyển sang UBND xã thực hiện việc yêu cầu bồi thường.

Sau khi chăm chú lắng nghe, một người dân đứng lên hỏi:

- Cũng nhiều thứ phải chuẩn bị phết đấy nhỉ. Thế yêu cầu mà cái công ty kia nó không thực hiện thì làm sao đây?

Tuấn trả lời ngay:

          - Bà con không cần lo chuyện này. Điều 14 Nghị định số 113/2010/NĐ-CP đã quy định rõ: Trên cơ sở dữ liệu, chứng cứ và kết quả tính toán thiệt hại, UBND xã sẽ giải quyết bồi thường theo các hình thức sau:

     + Thỏa thuận việc bồi thường với người gây thiệt hại;

     + Yêu cầu trọng tài giải quyết;

     + Khởi kiện tại tòa án.

Anh Vượng đỡ lời:

Theo đó, nếu công ty AKONOCO này không chịu thỏa thuận bồi thường phục hồi dòng sông thì chúng ta sẽ yêu cầu các cơ quan trọng tài và tòa án giải quyết. Mà sau khi có được phán quyết trọng tài hay bản án của tòa án rồi thì các cơ quan thi hành án sẽ có tránh nhiệm vào cuộc thực hiện việc bắt công ty này bồi thường bằng được cho xã ta.

    Khoản tiền bồi thường này sau khi trừ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại thì sẽ được dùng để đầu tư khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải tạo môi trường của dòng sông đưa con sông trở lại như trước, bà con ạ.

Nghe thấy thế, mọi người trong sân đều đứng lên vỗ tay ủng hộ nhiệt liệt. Một người già nhìn dân chúng hồ hởi nói:

Vậy là cuối cùng thân già này cũng có được cơ hội được nhìn lại dòng sông quê ta  thủa nào…

 

Các tin đã đưa ngày: