Liên kết website

 Bảo vệ môi trường ở xưởng điêu khắc đá

17/10/2012

Sau một thời gian dài bôn ba khắp nơi học nghề, làm thuê. Ông Dân trở về quê, quyết định lập nghiệp ở chính mảnh đất quê hương của mình. Nhờ có kinh nghiệm trong nghề điêu khắc đá, ông mở một xưởng, dưới chân núi Vân, gần đường tỉnh lộ. Nhờ khéo tay, chăm chỉ mà cơ ngơi của ông ngày một khang trang, công việc làm ăn cũng phát đạt hơn. Ông thuê thêm được hơn chục người thợ, vừa dạy, vừa học, vừa làm nghề điêu khắc đá. Nhưng cũng từ khi công việc thuận lợi, phát triển thì lại phát sinh rắc rối. Mới hôm qua gặp ông Báu, cán bộ về hưu, ở cạnh nhà ông, ông ta nói luôn thế này:

- Bác Dân ạ, hàng xóm với nhau, tôi góp ý với bác thế này, nhà bác đục đẽo bụi quá. Nhà tôi chả dám mở cửa nữa, không thì bụi cứ là bám khắp nhà. Mà dạo này nhà bác làm cả đêm, hai vợ chồng tôi không sao ngủ được. Mất ngủ cả tuần nay. Tôi nói thế, bác để ý giúp. Ban ngày đã không ngủ được rồi, ban đêm lại cũng không ngủ đuợc nữa.

- Nhà tôi đang làm gấp cái đơn đặt hàng cho một công ty ngoài Hà Nội, để họ kịp khánh thành trụ sở. Vì thế, gần đây, công nhân phải làm thêm đến khuya. Mong hai bác thông cảm cho.

- Nếu không thông cảm với bác, vợ tôi đã phản ánh với xã rồi. Hàng xóm láng giềng với nhau tôi cũng không thích làm to chuyện.

- Có gì bác cứ nói, sao phải căng thẳng thế làm gì!

- Chắc bác cho tôi nhiều chuyện, nhưng không chỉ riêng nhà tôi phàn nàn đâu. Còn nhiều nhà hàng xóm nữa. Họ cả nể bác nên không nói. Tôi biết chạm khắc đá thì bụi, ồn. Nhưng nó ảnh hưởng nhiều đến hàng xóm nên tôi phải có ý kiến. Bác làm sao để bớt bụi, bớt ồn cho hàng xóm nhờ. Không chỉ riêng bụi bặm, tiếng ồn ảnh hưởng mà còn cả nước rửa đá cứ chảy lênh láng ra đường thế này, rất mất vệ sinh.

Ông Dân không thích cái kiểu nói của ông Báu, nhưng vẫn từ tốn:

- Tại chỗ mình chưa xây dựng cống thoát nước nên thế. Cứ chạm, mài đến đâu là phải dội nước đến đấy. Tôi sẽ bảo thợ để ý hơn vậy.

- Bác không thể đổ nước thải tuỳ tiện thế được. Bác cần xây đường dẫn nước thải và bể chứa nước thải riêng. Nếu để nước thải ngấm vào nước ngầm, nước sông thì sao? Như thế là làm ô nhiễm môi trường đấy. Mà các bác mài đá thế này còn sử dụng cả hóa chất tẩy rửa và sơn nữa, độc lắm.

- Đành là thế, tránh làm sao được chứ. Nghề nghiệp nó đòi hỏi phải như thế.

- Bác chủ quan quá, về lâu về dài là gây bệnh đấy. Bụi bặm thế, không bị bệnh về hô hấp mới lạ. Nếu hàng xóm người ta bị bệnh hô hấp vì thường xuyên hít bụi từ nhà bác, người ta kiến nghị lên xã, lúc ấy bác xử lý thế nào. Chưa chắc đền tiền là xong đâu. Có khi còn bị yêu cầu đóng cửa xưởng và di dời xa khu dân cư ấy. Bây giờ gây ô nhiễm môi trường bị xử lý nghiêm lắm.

- Tôi làm nghề cũng gần chục năm, biết là ô nhiễm, cũng biết là ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng làm gì đến mức mà phải chịu xử lý. Nếu không, xã đã xử lý rồi.

          Ông Báu nghe thế, biết có nói cũng vô ích, đành thôi.

Mấy hôm sau, có đoàn cán bộ xã xuống yêu cầu cơ sở sản xuất nhà ông Dân làm cam kết bảo vệ môi trường, theo chính sách mới của nhà nước.

          - Bác Dân ạ, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, đối với những cơ sở sản xuất như nhà bác phải có bản cam kết bảo vệ môi trường. Trong bản cam kết đó, ngoài nêu rõ về địa điểm thực hiện; loại hình, quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nguyên nhiên liệu sử dụng; các loại chất thải phát sinh thì cơ sở sản xuất phải cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.[1]

          - Vậy à! Thế tôi hỏi thật. Có phải cái nhà ông Báu lại ý kiến gì về nhà tôi mà hôm nay các anh đến không?

          - Không bác ạ. Đây là chủ trương của nhà nước. UBND huyện đã ủy quyền cho UBND xã tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã đăng ký cam kết bảo vệ môi trường.[2]  Chuyện nhà ông Báu với nhà bác, cháu cũng có nghe.

          - Ông ấy còn dọa sẽ tố cáo nhà tôi, còn nói xưởng nhà tôi phải di dời ra khỏi đây nữa. Đúng là cứ thích làm to chuyện.

- Luật có quy định thế thật đấy bác. Đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước và gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép thì pháp luật quy định không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư [3].

- Ô! Thế ra ông Báu nói đúng hả chú?

- Vâng!  Tuy nhiên để xác định thế nào là quá tiêu chuẩn cho phép thì phải do cơ quan chức năng về môi trường thực hiện. Trước mắt, cơ sở sản xuất của bác phải có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường như: có hệ thống kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; rồi còn phải hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh.[4]

- Nếu pháp luật đã quy định như thế thì chúng tôi sẵn sàng thực hiện thôi, nhưng cụ thể thì theo chú, tôi phải làm gì?

- Bác cần xây dựng hệ thống nước thải riêng, bể lắng cặn bụi đá, không để nước tràn ra đường như bây giờ; đồng thời gia cố hệ thống che chắn, hạn chế bụi bay ra ngoài, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; rồi cũng phải hạn chế tiếng ồn, nhất là từ 6 giờ chiều trở đi. Nhìn chung, đó là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bác nên hỏi thêm các cán bộ môi trường trên huyện để thực hiện cho đúng.

- Đúng, có lẽ tôi phải làm như anh nói thôi, nếu lơ mơ mà vi phạm pháp luật thì không biết như thế nào!

- Hiện nay, huyện và xã đang tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đăng ký cam kết bảo vệ môi trường nên tạm thời chưa kiểm tra, xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm nếu có. Chứ theo quy định của pháp luật thì cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền; bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung đồng thời có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Ngoài ra, các cơ sở đó còn có thể bị tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; hoặc buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường; cấm hoạt động; bị công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng [5] nữa bác ạ.

- Pháp luật quy định hình thức xử lý rất nghiêm đấy, nhưng tôi hỏi chú thế mức phạt tiền có nặng không?

- Cũng tùy theo mức độ vi phạm, nhưng mức tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 500 triệu đồng. Pháp luật quy định cụ thể từng hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng bác ạ.

- Nói thật với anh, không chỉ anh, không chỉ ông Báu đâu mà hàng xóm xung quanh họ cũng phàn nàn với tôi về bụi, tiếng ồn rồi nước thải, nhưng tôi không để tâm vì cho rằng cái nghề của mình nó thế. Ồn một chút, bụi một chút có chết ai đâu. Hôm nay nghe anh giải thích cặn kẽ tôi thấy sáng ra rất nhiều điều. Nào, bản đăng ký cam kết đâu, anh hướng dẫn để tôi thực hiện.

- Vâng. Đây là mẫu hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường. Trong đó có hướng dẫn cụ thể rồi, bác cứ làm theo. Khi lập xong, bác gửi đến UBND xã để xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy xác nhận.

- Tôi sẽ làm ngay, có gì không hiểu chú hướng dẫn tôi thêm nhé.

- Khi nào bác cần, cứ lên Ủy ban, chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể. Thôi bây giờ chúng tôi phải tiếp tục đến các cơ sở khác đây. Chào bác.

- Vâng. Chào các chú.

Buổi tối, ông Dân bắt đầu ngồi nhẩm tính số tiền sẽ xây bể lắng, lợp lại nhà xưởng để hạn chế khói bụi. Bà vợ ông thì xót tiền:

- Xây cái bể bé thôi, cho có là được.

- Bà nói hay nhỉ, làm thì phải đâu ra đấy chứ. Có phải ngày một ngày hai đâu. Phải tính về lâu về dài. Cứ làm cho có như bà, người ta bắt xây đi xây lại, còn tốn hơn, thậm chí còn bị xử phạt nặng nữa ấy chứ. Bà đấm hộ tôi cái lưng, mỏi quá.

- Ông làm ít thôi, già rồi. Lo mà giữ sức khỏe.

- Có khi tại bụi ở xưởng của mình làm bệnh ho của bà thành mãn tính rồi. Chỉ tại tôi chủ quan, coi thường không áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết nên đã để ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người thân trong gia đình rồi!!!


 

[1] Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường

[2] Điều 26, Luật Bảo vệ môi trường

[3] Điểm  đ, e, khoản 2, điều 37, Luật Bảo vệ môi trường 2005.

[4]  Khoản 1, Điều 37, Luật Bảo vệ môi trường

[5] Điều 4,  Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2012 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Các tin đã đưa ngày: