Liên kết website

Em hiểu rồi, em sẽ làm ngay

17/10/2012

-         Chú An, chú An! Chú có nhà không đấy?

-         Ôi, bác Kiên. Chào bác. Mời bác vào nhà. Bác mới dọn đi có mấy tháng thôi mà em thấy như lâu lắm rồi. Hôm nay bác đi đâu mà lại đến đây?

-         À, tôi về làm nốt mấy cái giấy tờ chuyển hộ khẩu ấy mà, xong tiện rẽ qua thăm chú luôn. Cháu lớn nhà chú ra trường rồi đã đi làm ở đâu chưa?

-         Chưa đâu vào đâu bác ạ. Em cũng đang sốt hết cả ruột đây. Từ khi tốt nghiệp đến giờ, nộp hồ sơ xin khắp nơi mà đã có nơi nào nhận đâu. Ở nhà mãi rồi “nhàn cư vi bất thiện”, chỉ sợ nó dính vào các tệ nạn xã hội thì nguy. Thanh niên bây giờ nhiều chuyện lắm. Bác nhớ thằng Hưng không? Bạn học với thằng lớn nhà em, trước kia ngoan là thế mà bây giờ cũng đua đòi nghiện ngập. Em cũng lo lắm.

-         Chú cứ lo linh tinh. Mấy đứa nhà chú đứa nào cũng ngoan.

-         Không nói trước được chuyện gì đâu bác ơi! “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. – Anh An thở dài.

Thấy nét mặt lo lắng xen chút suy tư của anh An, bác Kiên gặng hỏi:

-         Hình như chú có chuyện gì lo lắng thì phải?

Anh An ngập ngừng:

-         Thú thực với bác, dạo này có một chuyện mà em cứ canh cánh trong lòng, không biết giải quyết thế nào. Ngày trước bác ở đây, hàng xóm láng giềng tối lửa, tắt đèn có nhau, có chuyện gì là em lại nhờ bác cho lời khuyên. Từ ngày bác dọn đi, em chẳng biết tâm sự với ai.

Bác Kiên sốt ruột:

-         Có chuyện gì chú cứ nói.

-         Nhưng bác phải hứa không được nói với ai đấy. Nói ra cả nhà em mất mạng như chơi.

-         Chuyện gì mà quan trọng thế.

-         Cái nhà ở cạnh em buôn bán ma túy đấy.

-         Thật không ? Sao chú biết ?

-         Em biết chứ. Kế từ khi về đây ở, nhà đấy cứ đóng cửa im ỉm cả ngày chẳng bao giờ giao tiếp với hàng xóm, xung quanh nhà luôn có bọn nghiện hút lảng vảng. Hôm qua, tận mắt em thấy mấy thằng nghiện từ nhà đó đi ra, chúng nó vừa đi vừa nói: mua thuốc ở đây vừa rẻ vừa xịn và thích nhất là khi nào cần cũng có, không phải đợi chờ lâu. Nghe chúng nó nói mà em gai hết cả người. Em sợ bọn trẻ nhà em mà dính vào cái đó thì hết đời luôn. Không khéo em cũng phải bán nhà đi nơi khác như bác.

-         Thế sao chú không báo công an để họ dọn cái ổ nhền nhện đó đi?

-         Không được đâu bác ơi. Em sợ lắm. Nếu chúng nó biết là em mất mạng liền đó, có khi còn liên lụy đến mọi người trong gia đình nữa. Bác thấy đấy, bọn chúng toàn những đứa đầu gấu cả. Triệt đường làm ăn của chúng, chúng sẽ trả thù thì cả nhà em chết.

-         Làm ăn gì cái lũ ấy. Buôn bán cái chết trằng mà cũng gọi là làm ăn ư ? Người ta làm ăn thì đem của cải, đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người, còn đây thì gieo rắc cái chết, đầu độc cả một thế hệ ấy chứ. Những việc như thế này mà không tố cáo  với công an thì cũng coi như là tiếp tay cho tội ác đấy.

-         Em cũng biết thế nên muốn báo với công an nhưng lại sợ chúng trả thù. Chính vì vậy em rất bức bối trong lòng, chẳng biết phải làm thế nào bây giờ.

-         Làm thế nào ư? Thế chú không biết rằng: người phát hiện tội phạm mà không báo với cơ quan có thẩm quyền thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm à? Nhất là lại liên quan đến ma túy. Chú cứ đến báo công an về những điều chú biết. Chú đừng lo bị chúng trả thù. Pháp luật đã có những quy định về bảo vệ người tố cáo và gia đình họ rồi. Ngày 11 tháng 11 năm 2011 Quốc hội đã ban hành Luật Tố cáo, trong đó có cả một chương quy định về bảo vệ người tố cáo đấy.

-         Thật không hả bác. Quy định như thế nào bác nói cho em biết với.

-         Chú cứ từ từ để tôi nói cho mà nghe. Luật Tố cáo quy định người tố cáo có quyền được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo; đồng thời phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin và bảo vệ cho người tố cáo [1]. Như vậy chú không lo bị bọn chúng biết mà trả thù nữa nhé!

-         Nhưng nếu chúng nghi ngờ mình mà tìm cách trả thù thì sao hả bác?

-          Trường hợp bị đe dọa, trả thù, trù dập thì người tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ [2]. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

-         Thế người nhà của người tố cáo có được bảo vệ không hả bác ?

-         Có chứ. Đối tượng bảo vệ gồm có người tố cáo và cả những người thân thích của người tố cáo [3]. Luật Tố cáo đã quy định rõ : Người giải quyết tố cáo có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo.

-         Bác nói như vậy em cũng đỡ lo hơn nhưng muốn được cơ quan có trách nhiệm bảo vệ thì người tố cáo phải làm gì ?

-         À! Khi người tố cáo có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình hoặc người thân thích của mình thì có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết [4]. Trường hợp yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an kịp thời áp dụng các biện pháp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ.

-         Bác hãy nói cụ thể về các biện pháp bảo vệ người tố cáo cho em nghe. Em là em quan tâm đến vấn đề này nhất đấy.

-         Được thôi. Để bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ, người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an có thể áp dụng các biện pháp sau: Thứ nhất, bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe. Thứ hai, bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người tố cáo và người thân thích của họ tại nơi cần thiết. Thứ ba, áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết khác nữa chú ạ. [5]

-    Thế là em yên tâm rồi. Nghe lời bác em sẽ đến báo với cơ quan công an để họ xóa ngay cái ổ “nhền nhện„ đó.

-         Chú phải làm ngay đi nhé. Càng để lâu càng nguy hại cho xã hội đấy.

-         Vâng. Em hiểu rồi, em sẽ làm ngay bác ạ.


[1] Điều 36 Luật Tố cáo

[2] Điểm b, đ, Khoản 1, Điều 9 Luật Tố cáo

[3] Khoản 2, Điều 34 Luật Tố cáo

[4] Khoản 2, Điều 39 Luật Tố cáo

[5] Khoản 3, Điều 39 Luật Tố cáo

 

Các tin đã đưa ngày: