Liên kết website

Hãy dang tay với nạn nhân mua bán người

17/10/2012

Chạy xe máy liên tục gần 30 km/h trên những cung đường rừng với nhiều ổ voi, ổ gà nham nhở, bụi tung mù mịt, mất gần 2 giờ đồng hồ, mấy chị em Hội liên hiệp phụ nữ huyện mới đến được xã X - địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện. Từ nhiều năm nay, ở xã miền núi giáp biên giới quanh năm gió Lào cát trắng này được biết đến với nhiều vụ mất tích bí ẩn của các phụ nữ, trẻ em gái, mà nhiều người nơi đây cho biết là bị "đưa đi” Trung Quốc, mãi không thấy trở về… Họ tìm đến nhà bà Xuân. Mấy ngày hôm nay, tại nhà bà Xuân, có rất đông bà con hàng xóm và một số người dưới xuôi lên thăm hỏi. Không khí trong nhà lúc nào cũng thật ồn ào.

Chị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thay mặt chị em phụ nữ, nói với bà Xuân: “Nghe tin cháu Oanh con chị  Xuân vừa được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc nên Hội phụ nữ huyện tổ chức lên thăm hỏi, nắm bắt tình hình, đồng thời, tuyên truyền, vận động để bà con cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu”.

Trong gian nhà lá dột nát, em Oanh với gương mặt khắc khổ, đen sạm, chưa hết vẻ sợ hãi khi kể lại về những ngày làm vợ tủi nhục nơi đất khách quê người:

" …Vào đầu tháng 8-2011, một người bạn cùng xã đến rủ cháu xuống thành phố làm giúp việc. Công việc đơn giản mà người ta trả tiền nhiều lắm. Tưởng thật nên cháu nghe theo... Khi đến nhà người bạn thì đã có một chị đợi sẵn ở đó để cùng đi. Lên xe, họ bảo cháu uống thuốc chống say rồi sau đó cháu ngủ không biết gì.

Sau 2 ngày, khi xe dừng lại thì cháu mới biết mình đang ở Trung Quốc. Ngay từ hôm bị lừa bán sang Trung Quốc, những người kia bảo với bọn cháu là "Bọn tao đã bán chúng mày cho người ta lấy làm vợ rồi…” Chúng cháu nói không đồng ý và đòi về nhà thì liền bị mấy người đàn ông mặt mày như tướng cướp xông vào đấm đá túi bụi khắp người, chúng còn kề dao vào cổ dọa giết, sợ quá nên bọn cháu đành phải đồng ý…. Sau đó, cháu bị bán làm vợ cho một người đàn ông còn nhiều tuổi hơn cả bố mình với khuôn mặt rất ghê sợ và hung dữ. Ngày nào, ông ta cũng đánh đập cháu, vì cháu luôn cự tuyệt ông ta. Cháu đã phải lao động liên tục từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối mới được nghỉ. Do không biết tiếng nên sau hơn 7 tháng bị bán sang Trung Quốc, cháu cũng không biết tên ông ta là gì, và đó là ở đâu. May mắn, sau đó không lâu, thì cháu được giải cứu đưa về Việt Nam…”.

Nghe xong câu chuyện của Oanh, ai cũng thương cảm. Chị Ngọc nói với bà Xuân: “Thôi thì mọi chuyện đau khổ cũng đã qua, giờ ta phải làm thế nào giúp cháu nó sớm hoà nhập trở lại với cuộc sống chị ạ”.

Bà Xuân rơm rớm nước mắt, rầu rĩ nói: “Vâng, cháu nó vẫn mặc cảm và bi quan lắm. Công ăn việc làm lại không có. Biết làm cái gì bây giờ?”.

Mấy chị em đi cùng cũng tham gia câu chuyện: “Pháp luật còn quy định cho những nạn nhân mua bán người như cháu Oanh có những quyền lợi nhất định cơ đấy”.

Bà Xuân nghe thấy thế ngạc nhiên, quay sang hỏi chị Ngọc: “Cháu nó được hưởng quyền lợi như thế nào hả cô. Tôi quanh năm ở nhà có biết gì về luật đâu?”.

Chị Ngọc liền mở cặp rút ra một tập tài liệu, trả lời: “Đây, chị xem này, nhà nước ta đã ban hành Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định rõ nạn nhân của việc mua bán người có các quyền: đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản; được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Bên cạnh quyền, nạn nhân có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người[1]”.

Bà Xuân chăm chú nghe rồi vội vã hỏi: “Thế cháu nó được Nhà nước hỗ trợ như thế nào? Các chế độ, chính sách ra sao? Phải làm gì, các cô hướng dẫn cháu nó với”.

Chị Ngọc từ tốn trả lời: “Tùy từng trường hợp cụ thể, theo Điều 32 Luật phòng, chống mua bán người, nạn nhân của việc mua bán người được hưởng các chế độ hỗ trợ như hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người. Bởi đây là những điều kiện cần thiết để giúp nạn nhân có thể hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, tránh khỏi nguy cơ bị mua bán trở lại. Tuy nhiên, không phải tất cả các nạn nhân đều được hưởng những chế độ hỗ trợ như nhau mà có sự phân biệt giữa các đối tượng tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại đối tượng cũng như yêu cầu của từng loại chế độ hỗ trợ”.

Nghe chị Ngọc phân tích, Oanh cũng gật đầu nói với mọi người: “Sau khi cháu được các anh Bộ đội Biên phòng giải cứu, các anh ấy đã cấp xác nhận nạn nhân mua bán người cho cháu và hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho cháu. Cháu được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác. Sau đó, cháu còn được Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội của huyện thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại để cháu tự trở về nhà”.

Bà Xuân nghe con nói xong thì quay sang nói với chị Ngọc: “Thế giờ cháu nó về được đến nhà rồi, thì còn được hưởng các chế độ còn lại không, hả cô?”.

Chị Ngọc trả lời: “Chị và cháu yên tâm. Cháu Oanh sẽ được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người. Trong trường hợp gia đinh mình là hộ nghèo thì cháu Oanh được xem xét hỗ trợ học nghề và hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban  đầu. Nếu cháu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét tạo điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

Một chị trong đoàn bổ sung thêm: “Nếu nạn nhân là người chưa thành niên thuộc hộ nghèo tiếp tục đi học thì còn được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên đấy các chị ạ.”

Nghe xong, bà Xuân có vẻ ngẫm nghĩ và hỏi: “Thế các cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ các chế độ đó cho cháu Oanh hả cô?”.

Chị Ngọc liền giải thích cho bà hiểu: “Theo quy định tại Điều 39 Luật phòng, chống mua bán người thì trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân; phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân. Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm tạo điều kiện cho những trường hợp như cháu Oanh nhà mình hoà nhập cộng đồng”.

Nghe chị Ngọc giải thích, bà Xuân cứ suýt xoa: “Pháp luật quy định cụ thể quá. Vậy là tôi đỡ lo đi phần nào cô à, vẫn là còn may khi nhà nước đã quan tâm tới những số phận như con chúng tôi

Chị Ngọc an ủi: “Vâng, đấy là chính sách nhân đạo của nhà nước ta. Chính quyền, đoàn thể cùng gia đình sẽ có trách nhiệm giúp đỡ cháu Oanh, bảo vệ, hỗ trợ, chăm sóc phục hồi về sức khỏe và tâm lý cho cháu sớm ổn định, nhanh chóng hòa nhập trở lại với cuộc sống ban đầu”.

Trước tình cảm và sự quan tâm của mọi người, mẹ con Oanh ai cũng cảm động. Gương mặt họ ánh lên niềm hi vọng về một tương mai mới tươi sáng hơn những ngày giông bão đã qua.


 

[1] Điều 6 Luật phòng, chống mua bán người

Các tin đã đưa ngày: