Liên kết website

Thế thì tôi không ngại

17/10/2012

Tại phòng làm việc thuộc Ủy ban nhân dân phường, chị Hạnh, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch đang xem lại các bản sao trước khi trình Chủ tịch Ủy ban ký thì bác Thảo, một người dân ở khu phố bước vào.

- Chào cô Hạnh. Tôi đến nhờ cô cấp cho con bé Lan nhà tôi cái phiếu... phiếu lý lịch...gì ý nhỉ?

- Phiếu lý lịch tư pháp phải không bác?

- À đúng rồi! - bác Thảo cầm chén nước chị Hạnh vừa mời, nói tiếp - Chả là nó vừa xin được việc làm và họ yêu cầu phải có cái phiếu ấy cô ạ.

Chị Hạnh vừa xếp lại các giấy tờ vừa hỏi bác Thảo:

- Em Lan nhà mình theo chồng sang Đức cũng phải được 7, 8 năm rồi bác nhỉ?

- Hơn 8 năm rồi cô ạ - bác Thảo trả lời - Mấy năm trước con còn nhỏ, nó chỉ ở nhà trông con. Nay con đã đi học, nó xin được việc làm ở một xưởng giặt là quần áo. Nó điện về nói xin cho nó cái phiếu ấy. À, cô Hạnh này, từ bé đến giờ tôi mới nghe nói đến cái Phiếu lý lịch tư pháp đấy!

- Do từ trước bác chưa có việc gì cần đến nên cảm thấy lạ lẫm với Phiếu lý lịch tư pháp, chứ thực ra phiếu này được công dân sử dụng rất nhiều, nhất là trong các trường hợp như xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học, thành lập doanh nghiệp.... Như em Lan khi sang Đức, trong hồ sơ xuất cảnh cũng có phiếu này đấy bác ạ.  

- Vậy à. Khi đó, nó tự làm hồ sơ, tôi có biết gì đâu. Thế đó là giấy tờ gì hả cô?

Chị Hạnh  giải thích:

- Thế này bác ạ, Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích. Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản thì phiếu này còn xác định cá nhân có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã[1].

- Ra là thế. Theo như cô nói thì nơi cháu Lan nhà tôi xin việc yêu cầu nó phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp là để họ xem thời gian con tôi ở Việt Nam có vi phạm pháp luật không, có bị án tích không chứ gì.

- Đúng thế bác ạ. Nhìn chung, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tuyển lao động đều yêu cầu người lao động phải nộp phiếu lý lịch tư pháp, nhằm giúp cho công tác quản lý nhân sự, quản lý lao động của họ.

- Thế thì cô xem cấp cho em nó cái Phiếu lý lịch tư pháp.

- Ủy ban nhân dân phường không có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp bác ạ. Bác phải đến Sở Tư pháp thành phố - đó mới là cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc này.

Bác Thảo ngạc nhiên:

- Thế à! Cứ nghe thấy chữ tư pháp là tôi chỉ nghĩ đến cô.

          Chị Hạnh cười:

- Không phải việc gì Ủy ban phường cũng giải quyết đâu bác ơi. Luật lý lịch tư pháp đã quy định rất cụ thể: Sở Tư pháp nơi công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Còn trường hợp em Lan, đang cư trú ở nước ngoài, thì Sở Tư pháp nơi công dân Việt Nam cư trú trước khi xuất cảnh là cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp[2], tức là Sở Tư pháp thành phố mình đó, bác à.

- Vậy thủ tục xin cấp có phức tạp không cô? - bác Thảo băn khoăn.

- Rất đơn giản, bác ạ. Bác chỉ cần điền thông tin vào Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu có sẵn; rồi bác chuẩn bị bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc bản sao Hộ chiếu của em Lan và bản sao Sổ hộ khẩu[3]. Tất cả các giấy tờ đó bác nộp tại Sở Tư pháp thành phố và đợi đến ngày lấy Phiếu lý lịch tư pháp theo giấy hẹn.

- Thời gian có lâu không cô? - bác Thảo hỏi tiếp.

- Thời gian giải quyết là 10 ngày kể từ ngày Sở Tư pháp nhận được yêu cầu hợp lệ. Còn trong trường hợp công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài hoặc trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày[4].

Bác Thảo nhìn chị Hạnh có vẻ vẫn còn băn khoăn, bác hỏi:

- Thế tôi đi làm giúp cho cháu Lan nhà tôi thì có được không cô?

          Chị Hạnh cười, giải thích tiếp:

- Được bác ạ. Người có nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp không có điều kiện trực tiếp làm thì được ủy quyền bằng văn bản cho người khác làm thủ tục thay mình. Riêng đối với trường hợp mà người làm thủ tục là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần giấy ủy quyền[5]. Luật lý lịch tư pháp quy định như vậy nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, đặc biệt khi họ đi học, lao động, công tác xa hoặc ở nước ngoài như em Lan nhà mình vẫn có thể được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

- Thế thì thuận lợi thật cô ạ - bác Thảo thở phào nhẹ nhõm.

Chợt nhớ ra, chị Hạnh nói thêm:

- À, bác ơi, ngoài những giấy tờ như cháu vừa nói, bác chuẩn bị tiền để nộp lệ phí nữa.

- Có nhiều không cô?

- Lệ phí là 200.000 đồng đối với một lần yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp bác ạ. Riêng đối với các trường hợp là học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ thì lệ phí là 100.000 đồng một lần cấp. Nhưng nếu bác đề nghị cấp trên 2 Phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi, bác phải nộp thêm 3.000 đồng/Phiếu[6].

- Như gia đình chúng tôi thì không sao, nhưng những người mà điều kiện kinh tế khó khăn, khi có yêu cầu cấp Phiếu, thì mức lệ phí như vậy cũng là vấn đề đấy!

- Nhà nước ta đã tính đến hết các trường hợp bác ạ. Người thuộc hộ nghèo, người cư trú tại xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì được miễn lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp[7].

- Thú thực với cô, trước nay, tôi hay ngại đến cơ quan nhà nước để làm các thủ tục vì nghĩ nó phức tạp, nhưng qua lời cô nói thì thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thật đơn giản, thậm chí nhà nước còn tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Thôi tôi về lấy mấy giấy tờ để cô làm cho cái bản sao, rồi còn mang lên nộp cho Sở Tư pháp. Chào cô nhé.

- Vâng, bác về.

 

[1] Khoản 4 Điều 2 Luật lý lịch tư pháp.

[2] Khoản 2 Điều 44, khoản 2 Điều 45 Luật lý lịch tư pháp.

[3] Khoản 1 Điều 45 Luật lý lịch tư pháp.

[4] Khoản 1 Điều 48 Luật lý lịch tư pháp.

[5] Khoản 3 Điều 45 Luật lý lịch tư pháp.

[6] Điều 3 Thông tư số 174/2011/TT-BTC ngày 02/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

[7] Điều 2 Thông tư số 174/2011/TT-BTC ngày 02/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Các tin đã đưa ngày: