Quy chế hoạt động
Kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp
Thực hiện quy định mới theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản quy định quy chế tổ chức, hoạt động và kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện.
Ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL, thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017. Quyết định này có nhiều quy định mới quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng các cấp trước bối cảnh, yêu cầu của thực tiễn triển khai công tác PBGDPL hiện nay.
Đối với Hội đồng phối hợp PBGDPL ở địa phương, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 21 đã giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào thành phần Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương và yêu cầu thực tiễn của địa phương quyết định thành phần, số lượng thành viên hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện làm Chủ tịch hội đồng phối hợp PBGDPL cùng cấp.
Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện tư vấn cho UBND, chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trên địa bàn trong công tác PBGDPL; Xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch của UBND, chủ tịch UBND cùng cấp về PBGDPL và truyền thông chính sách pháp luật tại địa phương; Triển khai công tác PBGDPL trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương…
Tại Hà Nội, vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Hà Nội. Chủ tịch Hội đồng là ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Giám đốc Sở Tư pháp; 4 Phó Chủ tịch Hội đồng là: Phó Giám đốc Sở Tư pháp; Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Thành viên Hội đồng có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn.
Hội đồng phối hợp PBGDL thành phố được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tư vấn cho UBND, Chủ tịch UBND thành phố xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy trên địa bàn Thành phố trong công tác PBGDPL; đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành văn bản về cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL.
Xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố về PBGDPL và truyền thông chính sách pháp luật trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó, hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật trên địa bàn Thành phố; thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác PBGDPL…
Tại Nam Định, UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai Quyết định số 21 và các văn bản hướng dẫn của Tư pháp về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp.
Với chức năng là đơn vị thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp Nam Định đã ban hành Công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố trên địa bàn chỉ đạo tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg bằng các hình thức phù hợp đến cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý; tăng cường thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL và mục đích, ý nghĩa ban hành, nội dung cơ bản của Quyết định.
Tại Bắc Giang, để kiện toàn Hội đồng theo cơ cấu tổ chức mới, Sở Tư pháp Bắc Giang đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh với 40 thành viên. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng. Quy chế đã bổ sung một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng; thành viên Hội đồng. Ngoài ra, Ban Thư ký của Hội đồng được đổi tên thành Tổ thư ký của Hội đồng và bổ sung việc sử dụng con dấu của thành viên Hội đồng là con dấu của cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi công tác.
Việc kịp thời kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL ở các địa phương nhằm góp phần tích cực để triển khai tốt Quyết định 21/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam
Các tin khác.............................