Lo ngại yêu cầu “kịp thời, tại chỗ”
Trung tâm HGCĐ là mô hình tổ chức mới. Trên cơ sở tham khảo và nghiên cứu pháp luật về hòa giải của một số nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN, thì mô hình Trung tâm HGCĐ rất phát triển và hoạt động rất có hiệu quả như ở Singapore – một quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.
Ý tưởng cho việc thành lập Trung tâm HGCĐ trước hết sẽ khuyến khích và thu hút sự tham gia của các Trung tâm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý… với các luật sư, luật gia, các chuyên gia pháp lý. Như vậy, về hình thức Trung tâm HGCĐ sẽ hứa hẹn đem lại nhiều hiệu quả hơn các mô hình hòa giải thông thường do xuất phát từ chính chất lượng của những người làm công tác hòa giải.
Mặc dù hầu hết các chuyên gia đều nhấn mạnh đến việc phải xã hội hóa hoạt động hòa giải cơ sở, Nhà nước không thể là “bà đỡ” cho hoạt động này dù không hoàn toàn buông xuôi, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, không thành lập Trung tâm HGCĐ mà nên giao cho các tổ chức hiện có thực hiện chức năng hòa giải cơ sở. Có ý kiến bày tỏ lo ngại về vị trí đặt trung tâm, nếu thành lập ở cấp xã thì quá nhiều nhưng nếu thành lập ở cấp huyện thì hoạt động hòa giải sẽ không đáp ứng yêu cầu “kịp thời, tại chỗ”.
Một số ý kiến cho là nên tăng cường trách nhiệm hòa giải cho các trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở thực hiện để “không phình tổ chức”. Tuy nhiên, điểm khác của Trung tâm HGCĐ so với các trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý là đối tượng thụ hưởng rộng. Hoạt động hòa giải phải thực hiện ngay tại cộng đồng dân cư, càng sớm sau thời điểm phát sinh mâu thuẫn càng hiệu quả. Nên nếu giao cho các trung tâm tư vấn pháp luật hay trợ giúp pháp lý thì cũng khó đáp ứng yêu cầu “kịp thời, tại chỗ”.
Dễ sinh tiêu cực thì… bỏ
Ông Trần Thế Quân (Vụ Pháp chế - Bộ Công an) quan tâm đến vấn đề thu phí ở trung tâm HGCĐ. Bởi nếu qui định thu phí thì dù ở mức nhỏ nhất, cần thiết hay không các Trung tâm cũng sẽ thu. Như vậy về bản chất Trung tâm sẽ hoạt động không như một tổ chức quần chúng tại cộng đồng, dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực vì khó kiểm soát. Đó cũng là lưu ý của đại diện Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đối với việc có cho Trung tâm HGCĐ thu phí hay hoạt động miễn phí có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo đại diện này, để tránh tiêu cực như vậy, giải pháp tốt nhất là “dẹp” luôn các Trung tâm HGCĐ ra khỏi dự án Luật.
Làm rõ về qui định liên quan đến Trung tâm HGCĐ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Phó trưởng ban soạn thảo Luật Hòa giải cơ sở – cho biết, không thành lập Trung tâm HGCĐ tràn lan mà Luật qui định theo hướng mở, chỗ nào cần thì thành lập. Các Trung tâm này hoàn toàn là tổ chức tự quản của người dân, Nhà nước có thể cung cấp hoàn toàn hoặc cho thu phí 1 phần để trang trải một số chi phí như thuê trụ sở, thuê hòa giải viên…
Dung hòa và theo xu hướng “thử mới quyết”, đại diện một số cơ quan, trong đó có Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nên thành lập đề án thí điểm thành lập một số Trung tâm HGCĐ. Sau một thời gian dựa trên kết quả thực tiễn xem mô hình này có phù hợp khi áp dụng trong điều kiện của nước ta hay không.
Như vậy, dù ai cũng nhận ra Trung tâm HGCĐ sẽ giúp Nhà nước “rảnh tay” trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ từ cộng đồng dân cư khi có thể thu hút được nhiều nguồn lực xã hội vào công tác HGCS vì mô hình này “có khả năng đem lại cả hiệu quả kinh tế” hơn mô hình tổ hòa giải đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, song sau 02 lần họp ban soạn thảo, vấn đề thành lập Trung tâm HGCĐ tiếp tục đứng trước “ngã ba đường” do vẫn chưa đủ số phiếu để quyết theo hướng thành lập hay không, miễn phí hay cho thu phí…
H.Giang