Đó là kinh nghiệm của nhiều người đã và đang làm công tác “vác tù và hàng tổng” ở cấp cơ sở. Không thể phủ nhận vai trò của HGCS trong việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, hàn gắn vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Không chỉ có vậy, hòa giải cơ sở còn là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật.
Với sự tham gia của nhiều thành phần, tổ chức trong xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn, hòa giải cơ sở đã thực sự là sức mạnh “vô hình”, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp và “an dân”.
Luật hòa giải cơ sở đến nay đã được xây dựng đến dự thảo 6, xác định các loại vụ việc được hòa giải thuộc lĩnh vực pháp luật dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình; vi phạm chưa đến mức phải xử lý hành chính, hình sự hay người bị hại không yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố; do người dưới 14 tuổi hoặc không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện; tranh chấp về lao động trong các hộ gia đình mà không có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản và những vụ việc khác mà pháp luật không cấm.
Như vậy, dự thảo đã “quét” hầu hết những vụ việc có thể giải quyết thông qua hòa giải cơ sở, vừa giúp giải quyết mâu thuẫn, khắc phục hậu quả qua phương diện tình cảm, vừa “biến chuyện to thành chuyện nhỏ, biến chuyện nhỏ thành không có gì”.
Phát huy mọi sức mạnh cho hòa giải cơ sở
Nếu dự thảo Luật hòa giải cơ sở tập trung khoanh vùng, đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản để xây dựng được đội ngũ hòa giải viên (HGV) chuyên nghiệp, hiệu quả, làm tốt công tác hòa giải cơ sở đồng thời “kiêm nhiệm” tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cộng đồng dân cư.
Nhưng trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Luật hòa giải cơ sở, ý kiến nhiều chuyên gia đều không muốn có một “khuôn khổ” về bằng cấp, tiêu chuẩn đối với HGV vì “HGV làm việc bằng uy tín và người dân chỉ “nghe” nếu họ thấy nể trọng HGV mà không quan tâm HGV đó là ai, làm nghề gì”.
Từ thực tiễn, khu phố, tổ dân cư không phải là một cấp quản lý hành chính nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc “ngăn chặn” những mầm mống mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Mà yếu tố quyết định điều này lại chính là đội ngũ HGV “chuyên nghiệp” hoặc “tự phát”. Không có ai có thể thấu hiểu, tường tận mọi “ngóc nghách” của những mâu thuẫn phát sinh trên địa bàn, dù mới chỉ “trong trứng nước” hoặc đang “âm thầm” trong mỗi gia đình bằng chính những người sống trong cộng đồng, nhất là những người được tín nhiệm chọn làm công tác hòa giải cơ sở.
Đặc biệt, hòa giải cơ sở không thể chỉ áp dụng pháp luật mà phần lớn là dùng phương pháp phân tích, thuyết phục, trên cơ sở quy định của pháp luật, phong tục, truyền thống, uy tín, nêu gương là chính để “tư vấn”, “hỗ trợ”, “xoa dịu” đương sự khi có tranh chấp, hướng họ giải quyết vấn đề qua phương diện tình cảm “để sau này còn nhìn mặt nhau”, chứ không đưa ra một “phán quyết” mang tính quyền lực, áp đặt nhưng lại được các bên liên quan chấp thuận. Đây là yếu tố quan trọng nhất là hòa giải cơ sở thành công, không để “chuyện bé xé ra to” rồi “nếu biết trước thì bây giờ đâu ra nông nỗi này!...”
Do vậy, dự thảo Luật hòa giải cơ sở qui định HGV “là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong cộng đồng dân cư; Có hiểu biết pháp luật và kỹ năng hòa giải; Tự nguyện, đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động hòa giải” (Điều 14). Tuy vẫn tạo ra một “khuôn mẫu” nhưng rõ ràng dự thảo Luật đã “nới” rất nhiều về tiêu chuẩn HGV để bất kỳ người nào được cộng đồng tín nhiệm cũng có thể đảm nhận vai trò “người giữ tình nghĩa” của xóm làng.
Những điều chỉnh trong dự thảo 6 của Luật hòa giải cơ sở đã phản ánh ngày càng sát thực tiễn của hoạt động hòa giải cơ sở với hy vọng, sau khi được ban hành, dự thảo Luật sẽ đem lại cho hòa giải cơ sở những điều kiện thuận lợi nhất để thực sự phát huy vai trò khi xã hội ngày càng phát triển.
Huy Anh