Cũng vì chữ “tình”, chữ “nghĩa” mà việc dùng một đạo luật để điều chỉnh công tác HGCS đã gây ra nhiều tranh cãi với lo ngại “luật sẽ làm mất đi yếu tố tự nguyện” trong công tác này. Tuy nhiên, để nâng cao vị thế và khẳng định ý nghĩa quan trọng của công tác HGCS đối với đời sống xã hội, dự thảo Luật HGCS đã quy định cụ thể phạm vi, chủ thể, phương hướng, trình tự, thủ tục, kết quả của một cuộc HGCS, tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước…, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động HGCS tuy là tự nguyện nhưng không phải tự phát. Từ đó, HGCS sẽ được đặt đúng vị trí trong việc góp phần giữ gìn sự ổn định, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu kiện ở cộng đồng dân cư.
Thời gian qua, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác HGCS được Bộ Tư pháp chỉ ra là việc huy động nguồn lực cho công tác HGCS chưa được tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất. Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải (HGV) đa số là kiêm nhiệm hoặc đã nghỉ hưu, công việc tự do nên ở góc độ nào đó cũng khiến công tác HGCS thiếu đi cái “uy”.
Chính vì vậy, Dự thảo Luật HGCS đã quy định HGV là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có uy tín; đạo đức, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có hiểu biết pháp luật, khả năng vận động, thuyết phục và tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận trong việc lựa chọn giới thiệu và công nhận HGV; cho thôi làm HGV để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như bảo đảm bản chất của HGCS là hoạt động mang tính tự quản của nhân dân.
Khi góp ý vào dự thảo Luật HGCS, các chuyên gia và thành viên Chính phủ rất quan tâm đến qui định về HGV. Vốn có một số băn khoăn về việc đặt điều kiện cho HGV sẽ “không tạo điều kiện cho những người có khả năng và được tín nhiệm tham gia công tác HGCS”. Song theo Bộ Tư pháp, điều kiện cho HGV là một trong những điều kiện để “chuyên nghiệp hóa” hoạt động HGCS. Vì dù HGCS là tự nguyện, tự quản, nhưng nếu làm “xuê xoa, thế nào cũng được” thì sẽ dẫn đến tư tưởng “coi thường” hoạt động HGCS, khiến hoạt động không thể hiện đúng ý nghĩa, vai trò của mình.
HGCS liên quan đến nhiều lĩnh vực thì HGV cũng cần có trình độ nhất định mới có thể khiến những người có tranh chấp, mâu thuẫn “tâm phục, khẩu phục”. Bên cạnh đó, thông qua hòa giải, HGV không chỉ giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, mà nhiều khi cũng cần kết hợp để tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách và pháp luật cho cộng đồng. Vì thế, những tiêu chuẩn đối với HGV là một “khung” để xây dựng đội ngũ HGV phát huy và củng cố được thế mạnh của hoạt động HGCS… trong điều kiện cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
Huy Anh