Về phạm vi hòa giải của Luật hòa giải cơ sở, đa số các đại biểu đều tán thành với dự thảo Luật. Đối với vấn đề bầu hoặc công nhận hòa giải viên, các đại biểu nhất trí cao với phương án công nhận hòa giải viên vì phương án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, người đứng đầu dòng họ… tham gia vào công tác hòa giải. Xung quanh vấn đề về chế độ kinh phí, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên, các đại biểu thống nhất là Nhà nước nên có chế độ kinh phí nhất định và có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải của tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở.
Đặc biệt, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật hòa giải cơ sở cần có quy định về Ban hòa giải thuộc UBND cấp xã (vấn đề này không có trong dự thảo Luật), vì thực tế nhiều năm qua có những việc các tổ hòa giải không thực hiện được mà phải thực hiện ở cấp xã, hơn nữa cũng cần có một bộ phận tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong quản lý công tác hòa giải ở địa phương.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Xuân Thường đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu về dự án Luật, đồng thời hứa sẽ tổng hợp các ý kiến và trình bày tại kỳ họp Quốc hội tới.
Tô Hoàng- Sở Tư pháp Thái Bình