Bác Miền bắt đầu đảm nhận việc hòa giải tại khu dân cư mình sinh sống từ năm 1997 khi tham gia công tác Hội Phụ nữ xã “nói là chính thức làm hòa giải viên cơ sở thì từ khi đó thôi, chứ chuyện can ngăn người này, khuyên nhủ người kia khi có mâu thuẫn xảy ra trong xóm ngoài làng thì tôi đã làm rất lâu rồi, chắc có đến mấy chục năm”. Trên cương vị Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã, Trưởng khu dân cư, Tổ trưởng tổ hòa giải, bác luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của mọi người, giải tỏa ngay những bức xúc mới phát sinh hay báo cáo UBND xã những việc vượt khỏi tầm giải quyết.
Chuyện đáng nhớ nhất trong thời gian làm công tác hòa giải của của bác là đêm 30 tết năm 2011, nhận được tin báo có một đôi vợ chồng trẻ ở cùng khu dân cư đang xảy ra xô xát, dù đang bận rộn sắp sửa đón giao thừa bác đã cùng chị Chủ tịch Hội phụ nữ xã và hai đồng chí trong tổ đến hiện trường. Đến nơi thấy người vợ mặt mũi thâm tím, đang ôm con khóc nức nở, còn người chồng đang la hét quát mắng. Thấy vậy, bác đĩnh đạc bước vào và nghiêm mặt quát lớn “Chú im ngay đi cho tôi”. Trước thái độ cứng rắn của bác người chồng giật mình im bặt, vợ và con cũng ngừng khóc. Ngay lập tức, bác cao giọng mắng người chồng là đàn ông đánh vợ là vũ phu, tết nhất đến nơi rồi còn gây ồn ào, mất trật tự ảnh hưởng đến làng xóm... Người chồng bị mắng ngồi im không nhúc nhích, bác liền tỉ mỉ hỏi han tình hình từ hai vợ chồng. Rồi bác Miền phân tích điều hơn thiệt, khuyên nhủ mọi bề, và viện dẫn Luật phòng chống bạo lực gia đình ra để phân tích mức độ vi phạm nặng nhẹ. Sau hơn hai tiếng đồng hồ nói chuyện, người chồng đã nhận lỗi và hứa sẽ không đánh vợ nữa. Bác Miền cũng động viên vợ để hai vợ chồng làm lành, gia đình lại cùng nhau đón một cái Tết đầm ấm. Về sau, bác vẫn thường xuyên sang nhà, khi thì chuyện trò, tâm sự với vợ, lúc lại gặp gõ, nói chuyện với chồng. Đến bây giờ hai vợ chồng họ đã sống hạnh phúc, chăm chỉ làm ăn và rất kính trọng nể phục bác Miền, coi bác như trưởng bối trong nhà. Mỗi khi gia đình có chuyện gì cũng đều hỏi han ý kiến bác. Tuy nhiên cũng có lần hòa giải không thành. Đó là chuyện của một cặp vợ chồng mâu thuẫn vì tính keo kiệt của chồng. Do người chồng đòi quản lý hết tiền bạc trong nhà, hàng ngày chỉ cho vợ 20.000 đồng mua thức ăn. Vì vậy, vợ chồng cãi nhau như cơm bữa, bảy ngày ba trận đánh nhau. Mấy lần đầu hòa giải thành công, tưởng như anh chồng nghe lời, hiểu chuyện, nhưng khi tổ hòa giải về thì đâu lại vào đấy, cuối cùng họ phải ly hôn.
Bác Miền kể, ngày ngày bác thường hay tới thăm hỏi các gia đình trong khu, phải đi lại, hỏi han, trò chuyện nhiều với mọi người mới biết được những chuyện to, chuyện nhỏ trong làng, ngoài xóm. Có khi nhờ câu chuyện của nhà người này, bác lại giúp đỡ được nhà người khác. Nhiều gia đình có việc ngại không nói với tổ hòa giải nhưng nghe người khác nói, bác vẫn đến tìm hiểu khuyên nhủ, động viên, thuyết phục. Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có cụ việc nào chỉ hòa giải một lần là đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe,thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức, nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con lối xóm.
Mỗi năm, bác Miền hòa giải thành hơn 10 vụ mâu thuẫn các loại, nhưng nhiều nhất phải kể đến những mâu thuẫn trong gia đình như mẫu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu, giữa vợ - chồng, giữa hai chị em dâu với nhau. 15 năm làm công tác hòa giải, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, bác đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bao gia đình đang đứng trên bờ tan vỡ. Thế nhưng bác Miền vẫn khiêm tốn cho rằng mình chưa làm được gì nhiều nên rất ngại khi nói về mình.
Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội phụ nữ xã, người gắn bó với bác Miền nhiều năm trong công tác phụ nữ và công tác hòa giải ở cơ sở cho biết: “Bác Miền là người hòa giải viên được dân làng quý mến, kính trọng. Hội phụ nữ xã cũng rất may mắn khi có người cán bộ đầy năng lực và trách nhiệm như vậy. Nhờ bác mà lãnh đạo Hội nói riêng và lãnh đạo xã nói chung kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng. Bác Miền xứng đáng là một điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương”.
Trần Thị Hồng, Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình