Liên kết website

Công bố Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới

31/08/2020

Thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những mục tiêu luôn được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, điều này thể hiện rất rõ trong các bản Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như sự tham gia các Công ước Quốc tế liên quan đến bình đẳng giới (Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về các quyền chính trị, dân sự (ICCPR); Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 (CEDAW)... Để xóa bỏ bất bình đẳng giới, cần triển khai nhiều giải pháp cụ thể, mang tính thực chất, trong đó hòa giải ở cơ sở là một giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới một cách hiệu quả.

Theo ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp: Một trong những nguyên tắc được quy định trong Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 là “Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở” (Khoản 5 Điều 4); đồng thời Điều 12 cũng quy định tổ hòa giải phải có hòa giải viên nữ. Hiện nay cả nước có hơn 600.000 hòa giải viên ở cơ sở, trong đó khoảng 170.000 là hòa giải viên nữ (chiếm tỷ lệ gần 30%). Qua công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp nhận thấy một trong những vấn đề cốt lõi là phải tăng cường nhận thức, kiến thức và trang bị kỹ năng hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới cho hòa giải viên.
Nhận được sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Tư pháp đã phối hợp với UNDP tổ chức xây dựng “Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới” (gọi là Tài liệu) nhằm trang bị kiến thức về giới và kỹ năng hòa giải có nhạy cảm giới cho các hòa giải viên ở cơ sở. Mục đích ban hành Tài liệu này để giúp hòa giải viên ở cơ sở được cung cấp tài liệu về giới, bình đẳng giới và hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới, từ đó có thể đưa ra những giải pháp phù hợp trong quá trình hòa giải ở cơ sở để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này. Việc xây dựng Tài liệu đã nhận được sự tham gia của các chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế, đặc biệt sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia UNDP và Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Sau quá trình xây dựng, biên tập, chỉnh lý, lấy ý kiến chuyên gia góp ý, Tài liệu đã hoàn thành.
 
Để giới thiệu Tài liệu tới các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương, địa phương và các hòa giải viên ở cơ sở, ngày 31 tháng 8 năm 2020, Bộ Tư pháp phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức “Hội thảo trực tuyến công bố Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới”. Hội thảo do đồng chí Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Nils Christensen - Quyền Trưởng Phòng Quản trị và tham gia, UNDP Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có gần 30 đại biểu đến từ các cơ quan thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở như Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ, Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội Người Cao tuổi… và các tổ chức thực hiện hoạt động bảo đảm bình đẳng giới như tổ chức Care, tổ chức Oxfam, tổ chức Unicef tại Việt Nam và một số hòa giải viên ở cơ sở của thành phố Hà Nội. Tại điểm cầu địa phương có sự tham gia của hơn 25 đại biểu từ các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đắk Nông, Cần Thơ, Đà Nẵng và tỉnh Sóc Trăng.
 
Hội nghị đã nghe giới thiệu nội dung cơ bản của “Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới” và dự thảo Kế hoạch triển khai sử dụng Tài liệu. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có ý kiến phát biểu đánh giá cao sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Tài liệu; đồng thời có những ý kiến góp ý đối với dự thảo Kế hoạch triển khai sử dụng Tài liệu nhằm bảo đảm tính khả thi và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng trong thực tiễn và đem lại tác động tích cực lâu dài, bền vững cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nils Christensen,- Quyền Trưởng Phòng Quản trị và tham gia, UNDP Việt Nam cho rằng “Tài liệu tập huấn có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp các hòa giải viên ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả và nhạy cảm hơn về giới”. Ghi nhận những ý kiến góp ý của đại biểu tham dự Hội thảo, nhất là các đại biểu trực tiếp từ cơ sở đã kỳ vọng rất lớn vào việc triển khai Tài liệu trong thời gian tới, ông Nils cho rằng mặc dù tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam có thành quả tốt trong kiểm soát dịch bệnh, vì vậy trong 5 tháng cuối năm 2020, UNDP sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ đề ra theo Kế hoạch.
 
Kết luận Hội thảo, ông Lê Vệ Quốc đánh giá cao các ý kiến góp ý sâu sắc của các đại biểu ở cả điểm cầu trung ương và địa phương; ý kiến của các đại biểu sẽ được Ban Tổ chức tiếp thu, tổng hợp để đưa Tài liệu vào sử dụng hiệu quả. Trong quá trình triển khai sử dụng Tài liệu, sẽ có những bước tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Ông Lê Vệ Quốc nhấn mạnh “Tài liệu sẽ đóng góp thiết thực vào công tác hòa giải ở cơ sở nói chung, hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới nói riêng, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia liên quan vấn đề giới, bình đẳng giới, hướng tới xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng, văn minh”.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: